Ông Sanjay Kalra

Ông Sanjay Kalra

Vấn đề đã vượt tầm những con số

(ĐTCK) Sáng nay, Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2012) diễn ra với các chủ đề lớn như tăng cường tính cạnh tranh của kinh tế, đặt nền móng cho nguồn nhân lực, chính sách đất đai...

Theo đại diện các định chế tài chính lớn, đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề “con số” của các khoản tài trợ không còn mục tiêu lớn nhất. Điều quan trọng là sau hội nghị, các bên tìm ra được giải pháp để giải quyết những thách thức mới đặt ra. Trước thềm CG, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

CG 2012 đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992. Nhìn lại những vấn đề của Việt Nam trong thời gian này, ông có đánh giá gì?

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế thực (GDP) ở tốc độ trung bình 6 - 7% hàng năm và hiện tại đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng đáng kể và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 đã giúp cho nền kinh tế  hội nhập chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Từ một nước nhập khẩu ròng gạo, Việt Nam đã gần trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đây chỉ là một vài trong số nhiều thành tựu đáng kể của Việt Nam trong hai thập kỷ qua, những điều khiến bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào cũng có thể tự hào.

 

Tuy nhiên, Việt Nam đang bị mắc kẹt với một số vấn đề kinh tế?

Đúng là kinh tế Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các khó khăn lớn. Trong khi môi trường bên ngoài đã trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, sự tăng trưởng chậm lại chủ yếu là do các yếu tố trong nước, tác động trực tiếp từ nền kinh tế toàn cầu là khá hạn chế. Khi sự ổn định các yếu tố vĩ mô đã được thiết lập lại một cách tương đối, đang có một nhu cầu bức thiết phải tiến hành cải cách cơ cấu sâu rộng để khôi phục lại tiềm năng tăng trưởng từng có.

Việt Nam đã trải qua một thời gian dài tăng trưởng tín dụng rất nhanh và không bền vững trong một số năm trước năm 2011. Điều này tạo ra hiện tượng đi vay quá mức của khu vực DN, hạ thấp tiêu chuẩn cho vay trong hệ thống ngân hàng, thúc đẩy bong bóng bất động sản và tạo ra nguồn cung dư thừa, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Những diễn biến này đã tạo ra sự mất cân bằng lớn trong bảng cân đối của các ngân hàng và các DN. Thêm vào đó là sự “giật cục” trong quản lý chính sách kinh tế vĩ mô, thiếu vắng sự phối hợp giữa các bên hoạch định chính sách và thiên hướng vị tăng trưởng đã phải trả giá bằng các chi phí của sự ổn định.

 

Theo ông, mất khoảng thời gian bao lâu để một quốc gia thoát khỏi tình hình kinh tế như vậy?

Chúng tôi có thể nói rằng, trước khi có tăng trưởng chậm chạp hiện nay, hoạt động kinh tế ở Việt Nam đã diễn ra ở các mức không bền vững. Hệ quả là những nút thắt được tích lũy trong một khoảng thời gian dài, nên việc gỡ bỏ cũng cần thời gian và sự kiên nhẫn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sự dứt khoát cắt bỏ những cản ngại không được triển khai một cách quyết liệt.

 

Vậy có lẽ năm 2013 đối với nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là một năm “hàn gắn” những vết thương cũ, thưa ông?

Năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam . Mặc dù ảnh hưởng của suy thoái trong nền kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam là không mạnh, tốc độ tăng trưởng xem ra vẫn còn bị hạn chế bởi các vấn đề cơ cấu trong hệ thống ngân hàng và sự kém hiệu quả trong lĩnh vực DNNN. Đối với vấn đề lạm phát, trong tương lai, vẫn còn có những rủi ro do các kỳ vọng lạm phát tiếp tục cao, do nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính xảy ra sớm và do các cú sốc toàn cầu liên quan đến giá lương thực và nhiên liệu. Đồng thời, vẫn cần tiếp tục củng cố niềm tin vào tiền đồng và gây dựng dự trữ ngoại hối, nhằm ứng phó tốt hơn với các cú sốc từ cả trong và ngoài nước.

 

IMF sẽ khuyến nghị gì cho Chính phủ trong kỳ CG này?

Theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Những lời kêu gọi nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô thường phát sinh ở nhiều quốc gia trong các bối cảnh như Việt Nam hiện đang trải qua. Tuy nhiên, cần thận trọng với những lời kêu gọi này. Đồng thời, điều rất quan trọng với các nhà đầu tư là nhà hoạch định chính sách phải có những hành động đáng tin cậy, có thể nhìn thấy, có thể đo đếm được, nhằm đảm bảo rằng các điều kiện cho tăng trưởng bền vững được tạo ra cho một thời hạn dài hơn. Về vấn đề này, cải cách đầu tư công, khu vực ngân hàng và DNNN đã được xác định một cách chính xác là ba lĩnh vực rất quan trọng. Những hành động trong các lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.

Với cách tiếp cận duy trì sự ổn định về kinh tế đồng thời xử lý các vấn đề về cơ cấu thì chắc chắn sẽ phải trả một cái giá nhất định trong ngắn hạn. Cái giá của nó có thể là tăng trưởng chậm hơn, khó khăn đối với các khu vực ngân hàng và DN, kéo dài hơn và phải mất chi phí tài khóa để thực hiện cải cách và tái cơ cấu những khu vực này. Nhưng đó là những chi phí cần có để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn về lâu dài. Tất nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận, đó là những lựa chọn không dễ dàng.

“Cần phải nhìn lại việc thực hiện các khoản cam kết tài trợ”

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

  Vấn đề đã vượt tầm những con số ảnh 1
CG 2012 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc 20 năm kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế bắt đầu viện trợ cho Việt Nam vào năm 1992. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có những thành quả kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết để Việt Nam tiếp tục những câu chuyện thành công.

Những thách thức đó đến từ cả bên ngoài và bên trong, nhưng có lẽ phần lớn thách thức là do các yếu tố nội tại. Điển hình như sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, đầu tư công, tới các vấn đề trong ngành ngân hàng…

Vẫn còn rất sớm để nói về quá trình tái cấu trúc ngân hàng, bởi hiện đang ở những ngày đầu, con đường phía trước còn dài. Nhưng cảm giác của tôi là nó đã không thực sự được bắt đầu một cách mạnh mẽ, nên cần phải tăng tốc trong những tháng tới.

Một điểm nữa là chúng ta cần phải nhìn lại việc thực hiện các khoản cam kết tài trợ, bởi chỉ khi đánh giá thực sự việc thực hiện này thì mới hiểu rõ được mục tiêu của các bên cam kết là như thế nào, hiệu quả tài trợ đến đâu.

 

“Nhật Bản có thể cung cấp một khoản vay ODA gần bằng cam kết năm ngoái”

Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Vấn đề đã vượt tầm những con số ảnh 2  
Trong năm tài khóa này (từ 4/2012 - 3/2013), chúng tôi tiếp tục hợp tác phát triển với Việt Nam một cách hiệu quả và rộng rãi, bao gồm mở rộng các chương trình vay. Trong nửa đầu năm tài khóa, Nhật Bản đã cam kết cung cấp các khoản vay mới trị giá 1,4 tỷ USD cho Việt Nam . Mặc dù điều này còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị các dự án của Việt Nam, tôi hy vọng rằng, trong năm tài khóa này, Nhật Bản sẽ có thể cung cấp một khoản vay gần bằng với khoản tiền mà chúng tôi cam kết vào năm ngoái. ODA Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng tăng. Kể từ cuối năm 2010 cho đến nay, số tiền ODA của Nhật Bản được giải ngân là gần 10 tỷ USD. Trong đó, năm tài khóa vừa qua (từ 4/2011 - 3/2012), chúng tôi đã cung cấp khoảng 2,7 tỷ USD ODA cho Việt Nam , số tiền đã giải ngân là 1,35 tỷ USD. Các con số này chỉ ra rằng, hầu hết dự án đã được thực hiện gần đạt tiến độ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì vẫn có những dự án chậm tiến độ do các vấn đề về đất đai, thủ tục đấu thầu…
 

“Ba điều kiện cần để tiến hành cải cách”

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

  Vấn đề đã vượt tầm những con số ảnh 3
Chúng tôi cho rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế là một nhiệm vụ lâu dài và phức tạp. Trình tự các cải cách và sáng kiến chính sách là rất quan trọng. Chúng tôi xác định ba điểm quan trọng cần vượt qua trong quá trình thực hiện cải cách.

Thứ nhất, tính minh bạch của quá trình cải cách cần phải được nâng cao để tiến trình có thể được giám sát. Việc thiếu thông tin sẽ gây ra sự nghi ngờ về cam kết cải cách của Chính phủ.

Thứ hai, phải xác định được về trách nhiệm pháp lý của DNNN và hệ thống để Chính phủ có thể hỗ trợ tương xứng nhằm tái cơ cấu hệ thống. Cung cấp ngân sách thỏa đáng là yếu tố cơ bản để tiến hành các kế hoạch cải cách.

Cuối cùng, quá trình cải cách sẽ được thúc đẩy và xử lý tốt hơn nếu có sự tư vấn, thảo luận rộng rãi và chân thành từ tất cả những bên có liên quan, qua đó, cũng để mọi người hiểu được nội hàm của những thay đổi về chính sách. Mức độ hợp tác cao giữa các cơ quan hữu quan cũng là cơ sở để quá trình cải cách thành công, bởi hoạt động cải cách động chạm đến rất nhiều bên. Và trong trường hợp đó, sự hợp tác lại đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về mặt chính trị ở cấp cao.