Xây dựng chiến lược để cạnh tranh tốt hơn!

(ĐTCK-online) Thách thức lớn nhất của các DN là phải xây dựng một lợi thế cạnh tranh nhất định để chống lại những thách thức đến từ sự mở cửa

Hoạch định chiến lược luôn là một khâu quan trọng trong quản trị của DN. Tuy nhiên, ở Việt Nam , đây vẫn là vấn đề còn thiếu và yếu. Trên thực tế, không ít DN đã gặp rắc rối do bị động về kế hoạch, định hướng kinh doanh.

Không quá khó khăn để tìm kiếm một DN liên tục mở rộng, thay đổi mức độ tập trung của mình vào các ngành nghề khác nhau, từ đầu tư tài chính sang bất động sản... Khảo sát sơ bộ các DN niêm yết cho thấy, khoảng trên 100 trong tổng số 153 công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM có tham gia đầu tư tài chính. Chúng ta có thể tạm thời đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nhiều DN chạy đua tăng vốn cuối năm 2006, đầu 2007 và có không ít trong số này không hề có phương án mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh vào những ngành nghề truyền thống. Giám đốc phân tích một quỹ đầu tư nước ngoài từng nhận định rằng, rất nhiều DN đang hoạt động vô cùng hiệu quả trong lĩnh vực kinh doanh ban đầu. Tuy nhiên, họ đã tự đánh mất lợi thế của mình do việc mở rộng quá nhiều sang các lĩnh vực khác. "Họ không hề biết rằng, việc lạm dụng những nguồn lực sẵn có trong ngắn hạn để mở rộng các ngành nghề 'thời thượng' mà không chú ý phát triển hoạt động chính đã làm cho DN trở nên kém hiệu quả trong dài hạn", vị này cho biết thêm.

Trong cuốn 21 Luật tiếp thị không đổi của Al Ries và Jack Trout có nói, một trong những nguyên tắc quan trọng được đưa ra là không được mở rộng quá nhiều sang các hoạt động khác. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh một cách tràn lan sẽ dẫn đến phân tán nguồn lực DN, pha loãng thương hiệu và từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN trong dài hạn. Đối với nhiều doanh nghiệp, khi nhắc đến tên, người tiêu dùng (và cả cổ đông) không thể biết chắn chắn rằng, đó là công ty chuyên về cái gì: máy tính, bất động sản hay thương mại? Việc mở rộng này khiến ngay cả bản thân DN đôi khi cũng không biết, năng lực lõi (core business) của mình là gì? Tuy nhiên, tránh được cám dỗ của việc mở rộng kinh doanh sang các hoạt động mới là điều không đơn giản.

Về vấn đề này, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết: "Quản trị chiến lược là một vấn đề tương đối mới tại Việt Nam nên việc vận dụng nó vào thực tiễn hàng ngày của DN không phải là một việc dễ làm. Tuy nhiên, nếu không bắt tay thực hiện ngay từ lúc này thì khoảng cách giữa các DN Việt Nam và các nước trong khu vực đối với lĩnh vực quan trọng này sẽ ngày càng nới rộng, các DN trong nước sẽ tiếp tục tụt hậu".

Alfred D. Chandler, giáo sư lịch sử kinh tế học, đại học Havard cho rằng: "Chiến lược được định nghĩa như là việc hoạch định mục tiêu cơ bản, cái đích hướng tới trong dài hạn của DN và chương trình hành động cũng như phân phối các nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu ấy". Như vậy, có thể nói rằng, hoạch định chiến lược giống như việc lập quỹ đạo và cách thức để DN tiếp tục cuộc hành trình của mình. Với một kế hoạch tốt, DN sẽ năng động hơn trong việc ứng phó các tình huống có thể xảy ra bởi họ đã trả lời được: lĩnh vực cạnh tranh chính của mình là gì và cạnh tranh như thế nào? Một DN sẽ không thể thực sự khỏe mạnh và bền vững nếu không xây dựng cho mình chiến lược, mục tiêu và chương trình hành động cụ thể, "giống như một con lạc đà không có mắt đi trong một sa mạc xa lạ".

Trở về với bối cảnh các DN Việt Nam, có phần lớn không hề xác định một mục tiêu kiên định dài hạn, hoặc xác định mục tiêu và chương trình hành động quá cứng nhắc, không gắn liền với thực tế. Việc đưa ra mục tiêu không kiên định khiến DN trở nên lúng túng, bị động và luôn trong tình trạng dở dang. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, việc quá cứng nhắc với mục tiêu và kế hoạch hành động mà không có sự điều chỉnh linh hoạt hoặc đưa ra các phương án cho các tình huống dự kiến khiến DN trở thành nạn nhân của chính mình.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày một mở cửa sâu sắc, cạnh tranh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ông Micheal Jordan, chuyên gia cao cấp về thị trường mới nổi nhận xét: "Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng như: hội nhập kinh tế khá thành công, duy trì chính sách vĩ mô ổn định... nhưng thách thức lớn nhất của các DN chính là phải xây dựng cho mình một lợi thế cạnh tranh nhất định để chống lại những thách thức đến từ sự mở cửa".

Với tư cách là đại diện một cổ đông lớn tại các DNNN đã cổ phần hóa, ông Lai cho biết: "SCIC rất mong nhận được sự đồng cảm, phối hợp của các DN, đối tác trong việc sớm nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các nguyên tắc quản trị chiến lược tiên tiến trong điều kiện thực tế của Việt Nam, qua đó, đem lại những hiệu quả thiết thực cho các cổ đông, người lao động, khách hàng và cộng đồng".