Căng thẳng giữa NĐT và WSS cần một trọng tài là cơ quan quản lý.

Căng thẳng giữa NĐT và WSS cần một trọng tài là cơ quan quản lý.

100 tỷ đồng tài sản bị WSS phong tỏa: Vì sao?

(ĐTCK-online) Gần 20 tài khoản của một nhóm gần 10 NĐT (cả chính chủ lẫn ủy quyền), có tổng giá trị tiền và chứng khoán tính theo giá thị trường hơn 100 tỷ đồng, hiện đang bị CTCK Phố Wall (WSS) phong tỏa với lý do thiếu tiền ký quỹ. Tuy nhiên, một số “khổ chủ” cho biết, họ đã nộp đủ tiền ký quỹ nhưng vẫn không được giao dịch chứng khoán.

Theo thư khiếu nại gửi đến Báo ĐTCK, cuối năm 2009, nhóm NĐT này mở tài khoản để giao dịch chứng khoán niêm yết tại WSS theo hình thức ký quỹ. Sau đó, do TTCK diễn biến xấu, chứng khoán đầu tư của họ bị thua lỗ, nên WSS ra thông báo phong tỏa tài khoản chứng khoán để đảm bảo thu hồi tiền giao dịch ký quỹ còn thiếu và yêu cầu NĐT cam kết thanh toán.

Tháng 2/2010, nhóm NĐT này thực hiện nộp tiền theo cam kết. Tuy nhiên, NĐT Nguyễn Mai Phương (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, tài khoản số 073C084188) cho biết, khi TTCK phục hồi, giữa tháng 2/2010, nhóm NĐT muốn tất toán tài khoản nhằm trả số tiền còn thiếu, nhưng WSS tính toán lại giá trị tài khoản nên không cho bán, mà yêu cầu nộp thêm tiền ký quỹ. Yêu cầu này được các bên cam kết bằng văn bản, sau đó các NĐT tiến hành nộp đủ số tiền còn thiếu theo như cam kết.

Ngày 19/3/2010, khi NĐT đến WSS viết phiếu đặt lệnh bán tất cả chứng khoán có trong danh mục nhằm tất toán tài khoản, thì nhân viên nhập lệnh thông báo: không thấy các tài khoản trên phần mềm giao dịch để nhập lệnh vào hệ thống.

Đoán tài khoản của mình vẫn bị phong tỏa, các NĐT liền thắc mắc, nhưng Trưởng phòng giao dịch WSS nói rằng, do không biết việc này nên không giải quyết được. Còn ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc WSS thì yêu cầu NĐT nộp thêm tiền vào tài khoản, vì có một số tài khoản bị âm tiền ký quỹ. Về vấn đề này, một số NĐT cho rằng, WSS đã “đánh đồng” cả chủ tài khoản âm tiền lẫn dương tiền.

“Lẽ ra, với những chủ tài khoản dương tiền, Công ty phải mở phong tỏa ngay. Còn đối với tài khoản còn âm, ngay sau khi họ nộp tiền vào tài khoản, Công ty phải dỡ bỏ phong tỏa, cho phép NĐT giao dịch chứng khoán trở lại bình thường. Chứ cứ chần chừ thế này, lúc tài khoản dương thì không cho bán, khi âm rồi lại yêu cầu nộp tiền. NĐT phải nộp đến bao giờ?”, NĐT Lê Văn Thành, tài khoản số 073C08655 nói.

NĐT Lê Văn Nam, tài khoản số 073C086368 cho rằng, WSS đang “chơi khó” NĐT. “Nếu TTCK xuống mà tôi vẫn chưa bán được chứng khoán thì thiệt hại này sẽ do ai gánh? Liệu đến lúc WSS chấp thuận cho tôi bán cổ phiếu thì số tiền đó có đủ để thanh toán các khoản nợ cho WSS hay không? ”, ông Nam bức xúc.

“Hiện nay, với số chứng khoán mà chúng tôi có, nếu được bán ra thì thừa tiền để trả nợ cho Công ty, nhưng Công ty lại phong tỏa tài khoản của chúng tôi và cứ hứa hẹn khiến chúng tôi không làm thế nào để tất toán các khoản vay”, NĐT Nguyễn Mai Phương nói.

Theo các chủ tài khoản, dù có khúc mắc gì thì CTCK cũng nên ngồi lại với NĐT, chứ không nên đơn phương phong tỏa tài khoản của họ.

Trao đổi với Báo ĐTCK ngày 25/3, bà Phạm Diễm Hoa, Tổng giám đốc WSS cho biết, số NĐT này đang vi phạm về tỷ lệ cân đối tài sản trong tài khoản đầu tư. Vậy nên, khi tài khoản ở mức báo động về tỷ lệ an toàn, nếu NĐT không kịp thời nộp tiền vào tài khoản thì CTCK phải có trách nhiệm phong tỏa tài khoản đó.

“Không ai muốn phong tỏa tài khoản của NĐT. Công ty mong giải quyết càng sớm càng tốt khúc mắc của NĐT trên tinh thần hợp tác giữa các bên. Tuy nhiên, NĐT nên đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết khi các yêu cầu này không khó thực hiện, để sự việc sớm được giải quyết”, bà Hoa nói.

Lý giải vì sao một số tài khoản không bị âm tiền ký quỹ, nhưng ngày 19/3 Công ty không cho NĐT bán chứng khoán, ông Long cho biết, đó là do có một số tài khoản do một người đứng ra chi phối NĐT đứng tên, nhưng cũng được ủy quyền giao dịch từ một tài khoản khác. Cả hai tài khoản này lại do một người điều khiển, nên mặc dù có tài khoản dương tiền, nhưng tài khoản còn lại vẫn bị âm tiền, do đó chưa thể cho phép NĐT bán chứng khoán được.

Đặc biệt, ông Long cho biết thêm, có một NĐT quản lý nhiều tài khoản đã thực hiện việc chuyển tiền từ tài khoản A sang tài khoản B và âm thầm rút tiền từ tài khoản B, trong khi tài khoản A lại đầu tư bằng tiền vay 100% nên tài khoản dương vẫn cứ dương, tài khoản âm vẫn cứ âm. Do đó, WSS buộc phải phong tỏa cả những tài khoản liên quan, chặn mọi phiền toái.

“Vì sự an toàn của hệ thống tài khoản, với tư cách là người đứng ra bảo lãnh hợp đồng ký kết ba bên giữa NĐT - CTCK và tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho vay, WSS buộc phải phong tỏa các tài khoản liên thông nhau đầy rủi ro theo kiểu này”, ông Long nói và khẳng định, đối với NĐT không vi phạm, mà chỉ bị âm tiền, Công ty sẽ mở phong tỏa nếu giá trị trong cả tài khoản chính chủ lẫn ủy quyền cộng lại là một con số dương.

Có ý kiến cho rằng, CTCK không được phép phong tỏa tài khoản của NĐT, nhất là đối với tài khoản ủy quyền. Nhưng theo WSS, việc này là căn cứ vào hợp đồng “Thỏa thuận mua chứng khoán ký quỹ và cam kết thanh toán” đã ký kết giữa hai bên (WSS và NĐT). Ngoài ra, căn cứ vào hợp đồng 3 bên giữa WSS, NĐT và tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho vay, thì WSS với tư cách là người quản lý tài khoản có trách nhiệm phong tỏa tài khoản của NĐT như một cam kết bảo lãnh thay cho tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.

Thực hư sự việc nêu trên như thế nào, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, ĐTCK sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.