18-22/6: TTCK diễn biến khó lường

Một điều lạ là mặc dầu có khá nhiều thông tin tốt trong tuần đến với TTCK của Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước vẫn liên tục bán ra khiến lượng cung nằm trong tình trạng luôn cao hơn cầu.

Nhiều tín hiệu tốt

Liên tục trong mấy ngày qua, báo chí nước ngoài cũng như các chuyên gia trong khu vực đồng loạt có những nhận định rất lạc quan về nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Hầu hết đều xếp Việt Nam vào danh mục ưu tiên nhất trong các địa điểm sẽ đến đầu tư.

Báo Sankei (Nhật Bản) ngày 19/6 nhận định TTCK Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhất trong số các thị trường đang nổi như Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Aghentina, bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tính an toàn của TTCK Việt Nam.

Đài truyền hình CNN mỗi ngày phát lại nhiều lần, mỗi lần 30 giây video clip với đầu đề “VN: Một chân trời mới" ( Vietnam : a new horizon), trong đó nêu bật những thành tựu của công cuộc đổi mới ở VN trong hơn 20 năm qua trên tất cả lĩnh vực.

Các báo trong khu vực thì đều có chung một nhận xét là TTCK Trung Quốc đang tăng nóng trở lại, kinh tế một số nước khác có dấu hiệu suy thoái. Các nhà đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào Việt Nam - một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (trên 8%) và ổn định.

Các đoàn doanh nghiệp hoặc đại diện doanh nghiệp các nước đều bày tỏ nguyện vọng muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam , đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực sản xuất đồ điện tử, may mặc, chứng khoán và dịch vụ tại Việt Nam .

Còn đối với các chuyên gia (cả trong và ngoài nước), TTCK Việt Nam được cho là có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Quá trình cổ phần hoá tại Việt Nam đang ở giai đoạn nước rút, giá nhiều loại chứng khoán được cho là ở mức hợp lý. Và họ cho rằng, đây là thời điểm mà các tổ chức đầu tư nước ngoài lớn thông thường bắt đầu tính đến chuyện vào một thị trường.

Giá cổ phiếu vẫn giảm tuần thứ 4 liên tiếp

Trái ngược với những thông tin tốt lành đến với TTCK trong tuần, chỉ số chứng khoán của cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đều giảm đáng kể.

Chỉ số VN-Index của sàn chứng khoán TP.HCM tuần qua mất thêm 14,5 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Chỉ số HASTC-Index của sàn chứng khoán Hà Nội cũng giảm 13,7 điểm.

Với 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng, chỉ số VN-Index rớt xuống 1.033,69 điểm, tương đương việc các cổ phiếu giảm bình quân 1,4% trong tuần.

Chỉ số HASTC-Index cũng nằm trong tình cảnh tương tự với chỉ 1 phiên đầu tuần tăng điểm, còn lại 4 phiên sau đó liên tục đi xuống, với mức giảm chung cuộc là 4,37%, lần đầu tiên sau hơn 5 tháng xuống dưới ngưỡng 300 điểm.

Số cổ phiếu trên sàn TP.HCM giảm giá trong tuần là 65 mã, gấp đôi số cổ phiếu giảm giá là 33 mã, còn 9 mã khác đứng giá, 2 chứng chỉ quỹ tiếp tục giảm.

Lượng đặt bán tăng vọt

Một điều đáng chú ý là trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục duy trì lượng cổ phiếu mua vào ở mức cao (khoảng 1,3-1,4 triệu đơn vị/phiên) thì các nhà đầu tư trong nước lại đang tăng cường bán ra.

Cụ thể, tuần qua các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào tổng cộng hơn 6,3 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh, trị giá hơn 905,4 tỷ đồng. Họ chỉ bán ra gần 4,6 triệu đơn vị, trị giá 682,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, lượng đặt bán cổ phiếu trong tuần (hầu hết là của các nhà đầu tư trong nước) lại luôn trong tình trạng cao hơn lượng đặt mua vào rất nhiều. Tính chung trong tuần, các nhà đầu tư đã đặt bán tới 55,54 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ thông qua khớp lệnh. Lượng đặt mua vào chỉ có gần 47,2 triệu đơn vị.

Điều này cho thấy, có thể đang có một xu hướng nhiều nhà đầu tư phải đặt bán cổ phiếu với giá ngày càng thấp hơn.

Cung - cầu trong 5 phiên giao dịch gần nhất

Ngày

Tổng khối lượng đặt mua

Tổng khối lượng đặt bán

18/6/2007

9.958.310

11.111.200

19/6/2007

10.399.970

10.949.680

20/6/2007

9.451.320

11.960.700

21/6/2007

8.436.700

11.633.770

22/6/2007

8.925.650

9.887.890

Tổng

47.171.950

55.543.240

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 phiên giao dịch gần nhất

Ngày

Khối lượng mua (Khớp lệnh)

Khối lượng bán (Khớp lệnh)

Giá trị mua khớp lệnh (VND 1.000)

Giá trị bán khớp lệnh (VND 1.000)

18/6/2007

1.346.880

1.390.820

205.478.570

212.035.993

19/6/2007

1.439.700

788.680

196.748.420

120.857.482

20/6/2007

1.368.120

947.000

191.558.960

127.986.775

21/6/2007

838.160

776.940

108.496.440

104.953.175

22/6/2007

1.345.850

657.120

203.131.275

116.756.640

 

6.338.710

4.560.560

905.413.665

682.590.065

Lo ngại dòng vốn vào TTCK giảm?

Đang có ý kiến cho rằng, mặc dầu TTCK thu hút được sự quan tâm đặt biệt của các nhà đầu tư nước ngoài, từ Nhật, Trung Quốc tới Mỹ, nhưng dòng vốn vào chứng khoán Việt Nam có thể không thể tăng được trong khi lượng cung hàng hoá cho TTCK từ giờ tới cuối năm là rất lớn.

Theo đó, trước tiên là quy định thắt chặt cho vay của Ngân hàng Nhà nước (cầm cố chứng khoán phải dưới 3% dư nợ). Tiếp đó là Quy chế quản lý các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó không cho phép các các văn phòng đại diện trực tiếp kinh doanh chứng khoán, khi có hiệu lực có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường.

Hơn nữa, từ giờ tới cuối năm, số lượng doanh nghiệp (lớn và hấp dẫn) đưa cổ phiếu ra đấu giá cũng như niêm yết trên 2 sàn chứng khoán là rất lớn. Quy mô cung do đó sẽ tăng mạnh. Trong khi cầu còn đang còn “chưa biết thế nào”.

Một điều có thể dễ dàng thấy là, nếu cầu không tăng kịp cung thì sự mất cân đối này có thể ảnh hưởng rất lớn tới giá cổ phiếu đang có sẵn trên thị trường (bao gồm cả 2 sàn chứng khoán TP.HCM, Hà Nội và trên cả thị trường phi tập trung).

Được biết, gần đây có khả nhiều nhà đầu tư đã phải bán ra một lượng lớn cổ phiếu mình đang nắm giữ để lấy tiền thanh toán đợt đấu giá Tập đoàn Bảo Việt vừa qua, cũng như chuẩn bị tiền cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu quy mô lớn sắp tới.