Bảo Việt ''thở phào''

(ĐTCK-online) Những ngày vừa qua, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân hồi hộp chờ đợi kết quả nộp tiền mua cổ phần Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và kết quả đấu giá lại đã được nhiều người nghĩ tới vào ngày cuối cùng nộp tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, đến chiều ngày 29/6, một bất ngờ đã diễn ra, có trên 70% số cổ phần đã được chấp nhận mua. Như vậy, sẽ không có chuyện đấu giá lần 2 cổ phần Bảo Việt.

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt cho biết, Tổng công ty sẽ trình Bộ Tài chính phương án cụ thể về việc thực hiện bán tiếp số cổ phần bị từ chối mua theo tinh thần của Thông tư số 95/2006/TT-BTC ngày 12/10/2006 của Bộ Tài chính. Theo đó, số cổ phần này sẽ được bán tiếp cho các nhà đầu tư tham dự đấu giá với giá thoả thuận, theo nguyên tắc từ cao xuống thấp nhưng không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Trong tình huống số cổ phần này không được bán hết, Bảo Việt sẽ trình công văn lên Bộ Tài chính để điều chỉnh lại cơ cấu quy mô vốn điều lệ và tỷ lệ vốn nhà nước.

Trước mắt, ngay trong tháng 7, Bảo Việt sẽ phải hoàn thành mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo ông Bình, có rất nhiều tổ chức tài chính, bảo hiểm nước ngoài quan tâm và mong muốn đầu tư vào Bảo Việt. Danh sách ban đầu nhà đầu tư mong muốn trở thành cổ đông chiến lược là trên 30, nhưng qua lựa chọn, tính đến thời điểm này, danh sách này rút xuống còn 10 nhà đầu tư. Hiện tại, Bảo Việt vẫn chấp nhận đàm phán với các đối tác mới có quan tâm, nếu họ đáp ứng đủ yêu cầu. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Bảo Việt là: có mức giá mua cổ phần cao, mức hỗ trợ kỹ thuật lớn. Mức giá sàn để thương lượng dựa trên mức giá bình quân thực tế của đợt đấu giá vừa qua. Tuy nhiên, do chưa có giá đấu bình quân thực tế nên mức giá sàn để đàm phán là 73.910 đồng/CP. Cũng theo ông Bình, mức giá này có thể xem xét điều chỉnh giảm nếu đối tác cam kết có sự hỗ trợ lớn về kỹ thuật. “Mục tiêu sau cổ phần hoá của Bảo Việt không chỉ là nâng cao năng lực tài chính mà còn cải thiện năng lực quản trị, trình độ khoa học kỹ thuật và nâng cao kiến thức, kinh nghiệm triển khai hoạt động”, ông Bình cho biết thêm. Nhiều khả năng, Bảo Việt sẽ chỉ có từ 1 đến 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, vì mục tiêu quan trọng nhất của Bảo Việt, như đã nói ở trên không hoàn toàn là mục tiêu tài chính.

Trong cuộc đấu giá Bảo Việt, hơn 75% số CP được đăng ký mua bởi các tổ chức, và mức giá mà họ trả khoảng 78.000 đồng/CP. Chính vì vậy, một vài tổ chức đã lựa chọn phương án bỏ cọc số cổ phần đăng ký mua và thực hiện mua gom số lượng tương tự đang được rao bán với giá thấp hơn. Tuy nhiên, đến những ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền mua cổ phần Bảo Việt, rất nhiều tổ chức đã lùng mua khối lượng lớn cổ phần này với giá lên tới 73.000 đồng/CP nhưng vẫn không có người bán. Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ có chuyện này, một phần do trong phương án trình Bộ Tài chính về việc xử lý số cổ phần đấu giá bị từ chối mua, Bảo Việt đưa ra mức giá khởi điểm bằng giá trúng thấp nhất (67.800 đồng/CP).