Các ngân hàng không thể duy trì mãi trần lãi suất cho vay 21%/năm, mà phải tiếp tục điều chỉnh giảm.

Các ngân hàng không thể duy trì mãi trần lãi suất cho vay 21%/năm, mà phải tiếp tục điều chỉnh giảm.

Bối rối với ngưỡng cản 30%

(ĐTCK-online) Mặc dù chưa có văn bản chính thức nào quy định về việc khống chế tăng trưởng tín dụng không được phép vượt ngưỡng 30% trong năm nay, nhưng với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng buộc phải nghiêm chỉnh thực hiện. Do lỡ "vung tay quá trán" trong việc đẩy vốn vào thị trường nhà đất kéo tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2007 lên mức cao, nên 7 tháng đầu năm 2008 nhiều ngân hàng phải khép cửa cho vay vốn, trong đó đáng chú ý là những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ do lo ngại khó có thể điều chỉnh về ngưỡng cho phép nên ra sức thu hồi nợ. Thế nhưng, với diễn biến khó khăn chung của thị trường, các khoản nợ không dễ dàng thu hồi.

Tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ tại TP. HCM thừa nhận, nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay không được nới rộng ngoài ngưỡng 30% thì rất khó khăn đối với các ngân hàng. Mặc dù 6 tháng đầu năm, ngân hàng này huy động được một lượng vốn đáng kể, nhưng vẫn phải hạn chế tối đa việc triển khai tín dụng cho khách hàng cũ và chấm dứt việc cấp vốn cho khách hàng mới, vì nhiều khoản nợ của năm trước chưa đến kỳ đáo hạn. Nếu mạnh tay cho vay ra lúc này, nhiều khả năng ngân hàng sẽ khó thu hồi vốn trước khi năm tài chính 2008 kết thúc, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi suất cao cho khách hàng. Sở dĩ ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm tránh tình trạng tiền "chạy" và quản lý chặt rủi ro về thanh khoản trong 6 tháng cuối năm.

DongA Bank cũng cho hay, với mức khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 30% trong năm nay, Ngân hàng luôn dè dặt và có sự kiểm soát chặt các khoản vốn cho vay ra. Hiện với khách hàng mới, DongA Bank rất thận trọng cho vay.

Kế hoạch sử dụng vốn của nhiều ngân hàng đang bị ảnh hưởng. Các hợp đồng, cam kết đầu tư vốn dài hạn được phân tích và tính toán dựa trên cơ sở lãi suất huy động vốn thấp trước đây thì nay, lãi suất huy động tăng cao, làm cho hiệu quả đầu tư giảm và có khả năng ngân hàng bị lỗ. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, các hợp đồng cho vay vốn trung và dài hạn, lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động hiện nay.

Trong khi đó, các ngân hàng không thể duy trì mãi trần lãi suất cho vay 21%/năm, mà phải tiếp tục điều chỉnh giảm. Đơn cử như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), kể từ ngày 1/8 lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục giảm thêm 0,4 - 0,9%/năm và USD từ 1 - 1,3%/năm. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ 2 của BIDV kể từ đầu tháng 7 đến nay. Lãi suất cho vay VND thấp nhất tại BIDV hiện nay là 19,5%/năm và 7,5%/năm đối vối USD. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này cũng không hề đơn giản, BIDV chỉ dành riêng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo chủ trương của Chính phủ. Theo tính toán sơ bộ, sau 2 đợt giảm lãi suất, BIDV sẽ giảm doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Hiện Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng rất dè dặt trong việc triển khai vốn đầu ra. Người đứng đầu ACB cho biết, nguồn thu từ lãi suất cho vay 6 tháng cuối năm sẽ khó có thể sánh được với 2 quý đầu năm, vì tăng trưởng tín dụng của ACB tính đến thời điểm này đã tiệm cận ngưỡng 30%. Các ngân hàng đang phải cơ cấu lại hoạt động tín dụng, chỉ ưu tiên dành cho những ngành mang lại giá trị thặng dư cho nền kinh tế; hạn chế cho vay đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tín dụng tiêu dùng.

Không chỉ với ngân hàng, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, trong tình hình hiện nay doanh nghiệp cũng nên hạn chế tối đa việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, vì khó vay vốn ngân hàng hoặc có vay được thì tỷ suất sinh lời thấp hơn nhiều so với trước do lãi suất vay quá cao (21%/năm). Chính thực tế này đã ảnh hưởng đến doanh thu trong thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối… của các ngân hàng thu hẹp lại. Áp lực đối với ban điều hành tại các ngân hàng hiện nay là vừa phải tuân thủ nghiêm túc chủ trương của NHNN, vừa đảm bảo kế hoạch hoạt động và lợi nhuận do ĐHCĐ đề ra. Một số ngân hàng đã không thể duy trì mục tiêu lợi nhuận để đảm bảo tăng trưởng bền vững.