Trong một xưởng sản xuất xe của hãng Ford ở Mỹ.

Trong một xưởng sản xuất xe của hãng Ford ở Mỹ.

Câu chuyện “ba ông lớn” ngành ô tô Mỹ

Một trong những tin tức ảnh hưởng nhất đến thị trường chứng khoán Mỹ và Nhật trong tháng 12/2008 là tin về ngành ô tô Mỹ, mà cụ thể là về chuyện “cứu” ba đại gia được người ta gọi là Big 3, gồm General Motors (GM), Ford và Chrysler.

Vì sao nên nỗi?

Những nguyên nhân gây ra tình trạng khốn đốn hiện nay đối với Big 3 có thể tóm tắt như sau:

 

Giá xăng tăng lật đổ mô hình kinh doanh “uống xăng”. Ngành ô tô của rất nhiều nước chứ không riêng gì Mỹ đã lâm vào tình trạng rất khó khăn do giá dầu thô tăng cao, đẩy giá xăng tăng theo lên những mức kỷ lục. Tuy nhiên, điều này đặc biệt tai hại cho các đại gia Mỹ hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Nguyên nhân là vì ba đại gia ngành ô tô Mỹ đã đầu tư vào các loại xe SUV (sport utility vehicle) với mục tiêu nhắm vào các thị phần ở những thị trường Mỹ, Úc, Trung Đông và các nước châu Á nơi mà người tiêu dùng có thể phải đi trên những đoạn đường không bằng phẳng và có nhu cầu đi xa, cần thêm không gian để trữ đồ đạc trong xe. Và quan trọng nhất, theo một số phân tích của ngành ô tô, loại xe này có lợi nhuận biên cao hơn, từ 15-20% trên mỗi chiếc SUV trong khi, nếu bán một chiếc xe hơi thì chỉ khoảng 3%.

 

Đổi lại, các loại xe SUV này lại “uống” nhiều xăng hơn. Trong điều kiện giá xăng tăng, mô hình kinh doanh “uống xăng” này thất bại: người tiêu dùng đổi qua dùng các loại xe tiết kiệm xăng hơn, và thường các loại xe này là do các đối thủ nước ngoài của Big 3 như Toyota sản xuất. Điều tệ hại là việc tiết kiệm năng lượng này đi kèm với vấn đề môi trường, trở thành một điều để giới chính khách Mỹ tận dụng nhằm “marketing” trong chiến dịch tranh cử vừa qua theo hướng cho thấy bản thân mình là người nhắm vào xe tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. “Mốt thời thượng” tiết giảm năng lượng này càng làm cho người dân Mỹ cảm thấy không muốn mua SUV.

 

Thị phần ô tô Bắc Mỹ tính đến tháng 11-2008

-

Thị phần (%)

Số lượng

-

Hiện tại

Năm trước

% thay đổi

Chrysler

14,5

15,8

-22,8

Ford

16,6

17,5

-20,4

GM

24,7

26,4

-21,0

Big 3

55,8

59,8

-21,3

BMW

1,3

1,0

7,3

Honda

10,9

9,2

-0,2

Hyundai

1,9

1,6

-4,3

Mercedes

1,3

1,1

-3,0

Mitsubishi

0,5

0,5

-24,6

Nissan

7,9

7,8

-14,2

NUMMI

2,7

2,7

-15,6

Subaru

1,4

0,9

28,6

Toyota

8,6

8,3

-13,3

Volkswagen

3,5

2,6

12,8

Công ty khác

2,1

2,0

-10,8

Tổng cộng

100,0

100,0

-15,6

Nguồn: Ward’s AutoinfoBank

 

Kết quả là mô hình kinh doanh của Big 3 thất bại và mất dần thị phần cho các hãng nước ngoài. Số liệu thống kê trên CNN-Money cho thấy thị phần của Big 3 tại Mỹ giảm từ 70% của năm 1998 xuống 53% của năm 2008. Bảng bên cạnh cũng cho thấy tình hình tương tự. Wall Street Journal còn dẫn ra một số liệu dự đoán bi đát hơn nữa cho ngành ô tô Mỹ, đó là nước ngoài sẽ ngày càng lấn át ba đại gia của Detroit (xem biểu đồ).

 Câu chuyện “ba ông lớn” ngành ô tô Mỹ ảnh 1

Chi phí cao. Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn tài chính của Big 3 đồng thời cũng là nguyên nhân làm họ mất thị phần trên sân nhà vào tay các công ty nước ngoài là do chi phí của họ, đặc biệt là chi phí nhân công cao hơn các đối thủ đến từ châu Á (mà nguyên nhân không nhỏ được “đổ lỗi” cho việc tại Big 3, công đoàn của công nhân ô tô đòi hỏi quá nhiều lợi ích).

 

Theo số liệu của Wall Street Journal, chi phí cho nhân công trung bình một giờ của Big 3 là 73,21 đô la trong khi công ty khác chỉ là 44,20 đô la. Tuy nhiên, chi phí này là do các phúc lợi của công nhân Big 3 được hưởng đã đẩy nó lên, chứ thật ra, nếu chỉ so sánh về lương theo giờ, thì chi phí này của Big 3 chỉ là 28,42 đô la, không cao hơn là mấy so với chi phí của Toyota (26 đô la), Honda (24 đô la) và Huyndai (21 đô la). Dù sao, tổng chi phí cao cho nhân công vừa ảnh hưởng sức cạnh tranh về giá vừa gây nhiều rắc rối khi doanh số sụt giảm. Đó là lý do vì sao một trong những yêu cầu mà thượng viện Mỹ đưa ra để cứu ngành ô tô Mỹ là phải giảm chi phí nhân công xuống ngang bằng các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Á.

 

Ngoài chi phí nhân công thì việc duy trì nhiều nhãn hiệu xe hơn và một mạng lưới bán hàng (dealer network) rộng lớn hơn cũng buộc Big 3 gánh chịu nhiều chi phí hơn. Sản phẩm không thu hút thì nhiều nhãn hiệu hay mạng lưới bán hàng lớn cũng khó giúp được gì mà còn gây ra chi phí khổng lồ. Kinh nghiệm lần này của ngành ô tô Mỹ xem ra có nhiều gợi ý cho chuyện làm ăn của ta.

 

Khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng tài chính cũng góp phần khiến tình hình kinh doanh của ngành ô tô Mỹ đi xuống. Tương tự như thị trường nhà, trước đây người Mỹ có thể vay tiền mua ô tô và do đó, có thể thúc đẩy doanh số. Nay, do khủng hoảng tài chính, nhiều nhà cho vay chính của Big 3 rơi vào tình cảnh khó khăn, người Mỹ khó có thể vay tiền để mua xe của các hãng này nữa và họ cũng không muốn mua xe vì muốn cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của họ ở châu Á có thể cầu viện chính phủ và các đại ngân hàng của nước họ (ví dụ ở Nhật, Hàn Quốc). Vì vậy, trong cuộc chiến tiền tài trợ cho mua xe thời khó khăn, các đại gia Mỹ lại gặp khó khăn hơn. Chưa hết, những thua lỗ gần đây buộc các đại gia Mỹ phải đi kiếm nguồn tiền tài trợ để duy trì hoạt động. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, họ không tìm ra được nguồn tiền tài trợ. Nợ nhiều, kinh doanh giảm sút, tất yếu phải dẫn đến nguy cơ phá sản.

 

Tóm lại, mô hình kinh doanh không hợp thời, chi phí cao dẫn đến mất thị phần, cộng với tác động nhất thời của khủng hoảng tài chính tất yếu ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận và do đó, bắt đầu đẩy ba đại gia này vào vòng xoáy khó khăn và buộc phải cầu cứu Chính phủ Mỹ.

 

Tác động nếu Big 3 sụp đổ

 

Có rất nhiều loại tác động được “kể lể” ra để đề nghị quốc hội Mỹ thông qua việc “bảo kê” ba đại gia ngành ô tô. Tuy nhiên, những tác động nghiêm trọng thực sự nếu Big 3 sụp đổ có thể kể đến là: thất nghiệp, suy thoái kinh tế trầm trọng và chi phí xã hội lớn.

 

Đương nhiên nếu ba đại gia ngành ô tô mà sụp đổ thì công việc của hơn 1 triệu nhân công lắp ráp xe hơi và của các mạng lưới công ty bán xe, công ty cung cấp phụ tùng sẽ mất đi. Ngoài ra, hơn 1 triệu việc làm ở các ngành khác được tạo ra từ ngành ô tô và các công ty bán xe, cung cấp phụ tùng cũng biến mất. Có nhiều nguồn ước tính ra các số thất nghiệp khác nhau, nhưng tổng số việc làm mất đi nếu Big 3 sụp đổi đều được ước tính xung quanh mốc 2-3 triệu người! Một con số có thể gây chấn động lớn và chi phí xã hội cao (dự kiến khoảng hơn 150 tỷ đô la cho Chính phủ Mỹ do thiệt hại về thuế và phải chi các khoản phúc lợi xã hội).

 

Có người cho rằng không phải quá lo về điều này vì các công ty nước ngoài sẽ thuê lại số nhân công và vẫn tận dụng sự sụp đổ của ngành ô tô Mỹ để chiếm lấy thị phần mới và do đó, về dài hạn, tác động không lớn như những con số “kể lể” ra đó. Đáng tiếc, cho đến bây giờ người ta chỉ thấy ngành ô tô Nhật, Mexico, Hàn Quốc đều đang cầu cứu chính phủ chứ chưa thấy ai mà khỏe mạnh, lắm tiền nhiều của để sẵn sàng tạo ra công ăn việc làm ngay lập tức cho mấy triệu người đó cả. Đó là chưa kể, các nhà kinh tế học lo ngại tác động xã hội của việc thất nghiệp hàng loạt này sẽ rất nghiêm trọng ở chỗ nhiều người thất nghiệp sẽ tập trung vào bang Michigan , đại bản doanh của Big 3.

 

Chưa hết, đừng tưởng Big 3 mà đổ thì các công ty xe hơi nước ngoài có thể cười được. Nếu mà Big 3 sụp đổ thì trước mắt, các hợp đồng của các nhà cung cấp và vấn đề nợ nần với các công ty bán xe sẽ kéo cả nhiều nhà cung cấp và các công ty bán xe đổ theo. Các công ty xe hơi nước ngoài không đủ sức vực dậy cả một sự sụp đổ hệ thống như thế.

 

Nhìn vào bảng trên, ta có thể thấy về tổng quát, thị trường ô tô Mỹ đang thu hẹp với số lượng bán xe giảm sút do kinh tế suy thoái, thì nói chung công ty nào cũng không dễ “sống khỏe”, nói gì tới chuyện “bảo kê” cho cả ngành. Do đó, về căn bản, các công ty ô tô nước ngoài khó có thể tiếp nhận nổi toàn bộ phần thị phần bỏ ngỏ của Big 3 nếu các đại gia này thực sự phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa là những tổn thất về việc làm và kinh tế không thể được hấp thụ hoàn toàn bởi các công ty nước ngoài.

 

Chính phủ cứu và tự cứu

 

Bắt đầu từ quý 3/2008, nhiều gói hỗ trợ (chủ yếu dưới dạng cho vay) cho ngành ô tô đã được đề xuất, bắt đầu là gói đề xuất hỗ trợ 25 tỷ đô la, sau đó được nâng lên 34 tỷ đô la gửi đến cho Thượng viện Mỹ. Sau nhiều lần thương thảo, gói hỗ trợ được hạ xuống 14 tỷ đô la và được đem ra bỏ phiếu và... không được thông qua tại thượng viện. Cuối cùng thì Chính phủ Mỹ phải lấy tiền từ “kế hoạch 700 tỷ đô la” để “tạm cứu” GM và Chrysler. Trước mắt hai công ty này sẽ nhận 13,4 tỷ đô la và sau đó có thể là 4 tỷ đô la vào tháng 2 để duy trì hoạt động.

 

Tuy nhiên, có thể thấy, những gói giảm cứu này mới chỉ giúp hai công ty này không phá sản ngay mà thôi (hai đại gia này toàn lỗ tiền tỷ trong mấy quí gần đây và sẽ cạn kiệt tiền ngay trong năm sau). Diễn biến tiếp theo của tiến trình giải cứu các công ty này là phải xem họ “tự cứu” ra sao. Tân Tổng thống Obama cũng đã ám chỉ rằng sẽ không thể cứ đưa tiền cho các công ty này rồi cứ vài tháng sau họ lại chạy tới “đòi tiền” tiếp. Do đó, có thể thấy tiến trình “chính phủ cứu” sắp tới sẽ phụ thuộc vào tiến trình tái cấu trúc để “tự cứu” của Big 3.

 

Trong ba đại gia này thì Ford chưa cần hỗ trợ gấp (vì lỗ ít hơn) và đang tích cực tiến hành cải tổ và đang nhắm vào các mô hình xe “hybrid” mới của mình cũng như đang điều chỉnh các mẫu xe châu Âu cho thị trường Mỹ. GM thì tạm thời được hỗ trợ bởi việc bộ phận tài chính GMAC của tập đoàn được trở thành ngân hàng, nghĩa là có thể tìm tới xin hỗ trợ tiền từ FED. Vậy là GM có thêm tiền hỗ trợ bên cạnh khoản tiền nhận được trong số 13,4 tỷ đô la kia (GM nhận khoảng 9,4 tỷ đô la) và có thể khơi thông thêm nguồn vốn cho tập đoàn và cho việc tài trợ cho mua xe đối với khách hàng. Vì vậy, tạm thời Ford và GM đang còn có cơ hội “tự cứu” và “được cứu”.

 

Chrysler thì ít may mắn hơn và có vẻ chỉ đang... “nằm chờ” sáp nhập vào một công ty khác. Nhiều đại gia đã dòm ngó tới Chrysler, bao gồm liên minh Renault-Nissan và... chính GM. Trong trường hợp xấu hơn khi không ai trong số này mua Chrysler, có thể Chrysler sẽ bị “xẻ nhỏ” ra và mỗi công ty kể trên sẽ xâu xé từng bộ phận của Chrysler.

 

Nhưng dù ba đại gia này chọn chiến lược nào, thì chuyện đầu tiên của họ làm cũng là đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân! Điều nghịch lý là dường như Chính phủ Mỹ sẽ sẵn sàng cứu các đại gia lớn vì lý do là để họ sụp đổ thì sẽ tạo ra quá nhiều thất nghiệp và hệ lụy cho xã hội, nhưng điều kiện để cứu lại là giảm lương công nhân và chờ xem các công ty này có đóng cửa đủ nhiều nhà máy (được xem là không hiệu quả) để đáp ứng cái gọi là quy trình cải tổ thích hợp chưa!

 

Đây phải chăng là một bài học cho chúng ta: có những tập đoàn đã mở ra nhiều hoạt động không hiệu quả, bây giờ lấy tiền tiếp tục tài trợ cho họ thì chỉ là “lấy nợ nuôi nợ”, cho nên muốn được cứu, tập đoàn phải chịu cải tổ và sa thải người (bất kể là công thần nhiều năm hay người thường). Có như vậy, thì chính phủ mới chịu cứu. Cái gì cũng phải có giá của nó, quan trọng là cái giá của “lấy nợ nuôi nợ” lớn hay cái giá của chấp nhận chuyện đóng cửa và hy sinh một phần sức mạnh của ngành công nghiệp truyền thống quốc gia lớn.