CEO của Lloyds sắp “về vườn”

(ĐTCK-online) Giám đốc điều hành (CEO) Eric Daniels của Lloyds, một trong bốn ngân hàng lớn nhất nước Anh, vừa tuyên bố sẽ nghỉ hưu trong vòng 12 tháng nữa. Như vậy, chỉ trong vòng vài tuần, giới tài chính nước này chứng kiến tới 3 vụ “thoái vị” của các CEO đình đám.

Theo công bố của Lloyds, ngân hàng này sẽ lập ra một ủy ban do Chủ tịch Win Bischoff dẫn đầu để cân nhắc lựa chọn các ứng cử viên trong và ngoài Tập đoàn để thay thế Daniels. Công ty luật BGC Partners Inc dự đoán, những ứng viên tiềm năng nhất bao gồm CEO của Nationwide là Graham Beale và Giám đốc tài chính của HSBC Holdings Plc là Douglas Flint.

Daniels, 59 tuổi, chính là người chỉ đạo vụ Lloyds thâu tóm HBOS Plc vào tháng 9/2008, một thương vụ khiến cho Lloyds sau đó phải cầu cứu gói cứu trợ 17 tỷ bảng (27 tỷ USD) từ Chính phủ, qua đó “buộc” Chính phủ Anh phải… bất đắc dĩ nắm tới 41% cổ phần trong Tập đoàn.

Lloyds là ngân hàng thứ ba trong số bốn ngân hàng lớn nhất nước này công bố sẽ thay đổi vị trí CEO. Trước đó, CEO của Barclays Plc là John Varley và Chủ tịch của HSBC là Stephen Green tuyên bố sẽ từ chức trong tháng 9 này.

“Các cổ đông có thể quy trách nhiệm vụ mua HBOS cho Eric Daniels và họ đang tìm kiếm một ứng viên sạch”, Shailesh Raikundlia, chuyên gia phân tích của MF Global Securities Ltd phát biểu khi đánh giá cổ phiếu Lloyds ở tình trạng “nên bán”.

Hôm đầu tuần, giá cổ phiếu của Lloyds nhảy vọt 2,8%, lên mức 77,41 xu/cổ phiếu, giúp giá trị thị trường của Tập đoàn tăng lên 52,8 tỷ bảng. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu này tăng 52%, trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh thứ 2 trên TTCK Anh sau Royal Bank of Scotland Group Plc.

CEO của Lloyds sắp “về vườn” ảnh 1 
Eric Daniels

Tuy nhiên, nếu so với mức giá hồi Daniels bắt đầu đảm trách cương vị CEO vào tháng 6/2003, cổ phiếu này vẫn giảm 9%.

Theo Chủ tịch Bischoff, Daniels sẽ làm việc cho Lloyds đến khi Ngân hàng tìm được người thay thế.

“Chúng tôi vẫn chưa có danh sách ứng viên rút gọn, rõ ràng là sự việc còn quá mới mẻ, chưa có cái gọi là thời gian chờ bàn giao”, Bischoff nói.

Trở lại vụ mua HBOS, chính Thủ tướng Anh Gordon Brown khi đó đã gặp Chủ tịch Lloyds ngay sau khi Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, nhằm thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đối với HBOS nói riêng và các định chế tài chính của Anh nói chung. Có thể nói, vụ Lloyds mua HBOS là do Thủ tướng Anh “mai mối”. Thương vụ này diễn ra lúc cuộc khủng hoảng tín dụng lên đến đỉnh điểm và cũng là thương vụ thâu tóm lớn nhất do Daniels chỉ đạo. Các thương vụ trước đó đều có giá trị dưới 250 triệu USD.

Chỉ riêng năm 2009, HBOS thua lỗ tới 20 tỷ bảng, góp phần đẩy Lloyds vào tình trạng thua lỗ và buộc phải sử dụng 11,5 tỷ bảng từ gói cứu trợ của Chính phủ.

Lloyds đã cắt giảm hàng ngàn việc làm trong năm ngoái và năm nay họ thực hiện một kế hoạch tái cấu trúc hướng tới tiết kiệm 2 tỷ USD chi phí vào cuối năm 2011.

Tháng trước, Lloyds lần đầu tiên báo cáo làm ăn có lãi trở lại kể từ sau thương vụ mua HBOS, cụ thể là lợi nhuận trước thuế trong sáu tháng trước tháng 6 đạt 1,6 tỷ bảng.

Tuy thế, Daniels vẫn bày tỏ “rất hài lòng” với thương vụ HBOS, mà theo ông này là đã giúp đưa Lloyds trở thành 1 trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới.

“Cổ đông và những người đóng thuế sẽ rất rất vui với các khoản đầu tư vào Lloyds”, Daniels trả lời báo giới và khẳng định, “chúng tôi có động lực mạnh mẽ để tiến lên phía trước”.

Theo các nhà phân tích của UBS AG, Lloyds hiện có khoảng 9 tỷ bảng thặng dư vốn. Năm ngoái, ngân hàng này huy động được 13,5 tỷ bảng từ việc phát hành cổ phiếu.

Daniels làm việc cho Citibank từ năm 1975 và làm việc cho ngân hàng này tại Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu trước khi trở thành CEO của Citibank Consumer Bank năm 1998. Ông này gia nhập Lloyds năm 2001 với tư cách Trưởng bộ phận ngân hàng bán lẻ ở Anh.

Năm 2009, Daniels được trả 1,12 triệu bảng, trong đó 1 triệu bảng là tiền lương. Theo báo cáo của ngân hàng, vị CEO này từ chối các khoản thưởng trong năm 2009.

Một nguồn tin cho hay, Lloyds đã thuê JCA Group, một công ty về nhân lực tại London để tìm kiếm ứng viên thay thế Daniels.

Ngoài Beale của Nationwide và Flint của HSBC, các ứng viên khác là Stuart Gulliver - trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư của HSBC, Frits Seegers - cựu Trưởng bộ phận ngân hàng tiêu dùng Barclays và Gordon Nixon - CEO của Royal Bank of Canada.