Chu kỳ chứng khoán có lặp lại?

Chu kỳ chứng khoán có lặp lại?

(ĐTCK-online)Tính chu kỳ là một điều đã được thừa nhận và kiểm định qua nhiều TTCK khác nhau, tùy vào đặc điểm của từng thị trường mà tồn tại các chu kỳ như hiệu ứng chu kỳ tháng Giêng (January effect), chu kỳ ngày lễ Halloween (Halloween effect) hay gần đây là những nghiên cứu về chu kỳ ngày Tết Nguyên đán (các nghiên cứu của phương Tây gọi là Chinese new year effect).

Như thế, TTCK Việt Nam hoàn toàn có thể tồn tại đặc tính chu kỳ riêng của mình. Bài viết này xin đưa ra một số phân tích về tính chu kỳ của TTCK Việt Nam, dựa trên phân tích VN-Index, vốn được xem là đại diện cho bộ mặt của thị trường.

 

Thử quan sát chu kỳ của TTCK Việt Nam

Xét những biến động của VN-Index trong giai đoạn 2004 - 2007, một điểm trùng hợp thú vị là từ tháng 4 đến tháng 7 của các năm này, giá chứng khoán đều giảm hoặc bị “kẹt” trong một biên độ khá hẹp, thể hiện giai đoạn điều chỉnh giảm hoặc tạm “nghỉ xả hơi” của thị trường. Nếu sử dụng chỉ số RSI (Relative Strength Index), ta có thể nhận ra rằng, trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7 các năm 2005, 2006 và 2007,  chỉ số này đều xoay quanh mức điểm 20, là mức thể hiện xu hướng thị trường đang “yếu” và bớt sôi động (Xem hình 1).

Như vậy, có thể nói chu kỳ từ tháng 4 đến tháng 7 là chu kỳ “không may mắn” cho nhà đầu tư trong giai đoạn 4 năm qua. Điều này chúng ta có thể lý giải phần nào do nhà đầu tư nước ngoài (và kéo theo nhà đầu tư trong nước) tiến hành thanh lý và cơ cấu lại danh mục vào thời điểm các báo cáo kinh doanh giữa năm và những “kế hoạch lớn lao” của doanh nghiệp niêm yết trong năm đã bắt đầu định hình.

Ngược lại, vào giai đoạn tháng 9, tháng 10 của các năm, chỉ số RSI đều nằm ở ngưỡng 70, 80 điểm, tức là dấu hiệu cho thấy chứng khoán đang được mua vào rất nhiều (overbought). Rồi sau đó, vào khoảng tháng Giêng hàng năm, chỉ số RSI lại tiếp tục hoặc là bắt đầu tăng nhanh như năm 2006 hoặc là đã nằm ở khu vực “được mua vào quá nhiều”. Điều này phản ánh rằng, trong quý IV của 4 năm qua, chỉ số chứng khoán Việt Nam đều có giai đoạn tăng giá mạnh và có thể tồn tại một hiệu ứng “tăng giá trước Tết Nguyên đán” ở Việt Nam.

Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do vào giai đoạn quý IV và trước Tết Nguyên đán là lúc mà nhiều thông tin về các dự án tốt, về tăng vốn, về cổ tức hấp dẫn, và các triển vọng của năm sau được công bố; đồng thời cũng là giai đoạn mà nhiều công ty cố gắng hoàn thành những mục tiêu lớn của mình trong năm, hoặc công bố kết quả kinh doanh tốt “ngoài dự kiến”. Có thể nói, đây là giai đoạn “đầu cơ” vào những triển vọng của năm sau, và một số người cảm thấy “tiếc” vì không bỏ tiền vào một số loại cổ phiếu đang có nhiều thông tin tốt và triển vọng sẽ tìm cách mua bằng được để hưởng những lợi ích sắp tới. Do đó, giá cổ phiếu trong giai đoạn này sẽ tăng mạnh và thị trường trở nên sôi động. Mặt khác, giai đoạn tăng giá tháng 10 cũng có thể xem là giai đoạn nhà đầu tư bắt đầu “lấy lại những gì đã mất” sau đợt điều chỉnh từ tháng 4 đến tháng 7.

 

Liệu có một đợt sốt giá cuối năm?

Với diễn biến chu kỳ các năm trên TTCK Việt Nam như trên, liệu có thể có một đợt sốt chứng khoán như cuối năm 2006? Theo người viết, kể từ quý IV năm nay sẽ bắt đầu có những đợt tăng giá, nhưng khó mà diễn ra tình hình “sốt giá” như năm 2006. Nguyên nhân có thể được nhìn dưới nhiều góc độ.

Nhìn về khía cạnh phân tích cơ bản và tâm lý nhà đầu tư thì rõ ràng năm 2006 là một năm rất đặc biệt, với nhiều vận hội mới cho Việt Nam khi chúng ta hoàn tất đàm phán gia nhập WTO làm thành viên thứ 150, sau đó liên tục là các thông tin báo chí nước ngoài ca ngợi TTCK Việt Nam, “sự kiện PNTR”, tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC, FDI đạt mức cao nhất sau một thập niên... Chính vì thế mà từ cuối năm 2006, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có một đợt tăng giá mạnh mẽ, đột phá qua nhiều điểm mốc quan trọng. Diễn biến ngoạn mục đó do điều kiện mới của hội nhập mà có. Trong tình hình của năm nay, chúng ta có thể thấy, không có nhiều sự kiện tốt dồn dập như thế, nhất là nhà đầu tư trong nước sau khi trải qua một đợt phấn chấn như thế thì đã “quen” với tin tức quá tốt của năm ngoái, nên sẽ phản ứng thận trọng hơn với những tin tương tự hoặc ít tốt hơn. Trong thời gian qua, với nhiều đợt IPO của các doanh nghiệp lớn như: Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt... và sắp tới, theo dự kiến là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), MobiFone, Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)... với những đợt IPO lớn như vậy có thể sẽ làm cho lượng tiền của nhà đầu tư đổ vào thị trường tạm thời không theo kịp nguồn cung cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu không thể được những mức “chót vót” như mong đợi. Và như thế, những đợt sốt giá chắc khó mà lặp lại (Xem hình 2).

Về phân tích kỹ thuật, có thể thấy có nhiều điểm tương đồng trong mẫu hình của 2 năm 2006 và 2007. Năm 2006, có một giai đoạn giảm giá kéo dài đến trước tháng 8, tiếp theo bởi giai đoạn hồi phục bắt đầu từ cuối tháng 8, rồi giá duy trì ở  một biên độ hẹp trong giai đoạn khoảng hơn 2 tháng trước khi tăng nhanh vào tháng 11 (các giai đoạn này được đánh dấu bởi các số 1, 2, 3 trên đồ thị). Trong năm 2007, sau khi giá tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm (đợt tăng giá kéo dài từ năm trước sang), đã chững lại và sụt giảm từ giữa tháng 3.

Nhìn vào đồ thị (hai giai đoạn được đánh số 4 và 5), chúng ta thấy, hiện nay giá chứng khoán vẫn bị “kẹt” trong biên độ 900 - 1.200 điểm và tín hiệu xấu là xu hướng ngắn hạn thị trường vẫn đi xuống, chưa có dấu hiệu khẳng định thị trường sẽ phá được biên độ này dù có tín hiệu, giá có thể phá qua đường xu hướng giảm ngắn hạn (các đường kẻ màu xanh ở phần của các chỉ số MACD, RSI, MFI và Momentum). Mẫu hình biên độ hẹp này khác với biên độ hẹp của năm 2006 ở chỗ, các đường xu hướng ngắn hạn của năm 2007 đều đang đi xuống, và giá vẫn chưa ở mức sát với cận trên của biên độ như trong năm 2006. Dải băng Bollinger đang thu khá hẹp, chứng tỏ giá có thể sẽ cố gắng đột phá, nhưng nhìn chung vẫn khó vượt ra khỏi cận trên 1.200 điểm trong ngắn hạn.

Với tình hình phân tích kỹ thuật ngắn hạn như vậy, cộng với hiệu ứng “Chỉ thị 03” và dự đoán tình hình năm nay khó có những tin vui bất ngờ như năm ngoái, người viết cho rằng, từ đây đến cuối năm sẽ còn có đợt tăng giá, nhưng vẫn chưa chắc đẩy giá ra quá xa khung biên độ 900 - 1.200 điểm hiện tại. Ở khía cạnh lạc quan, người viết dự đoán rằng, giá chứng khoán chỉ có thể vượt hẳn ra khỏi mức 1.200 điểm trước Tết Nguyên đán. 

Như thế, có thể nhìn nhận chu kỳ năm nay của chứng khoán Việt Nam sẽ “bình lặng” hơn, chứ không “đột phá cuối năm” như những năm 2004 hay 2006, mà có thể ở dạng điều chỉnh nhiều lần và “tăng vừa phải” như năm 2005.