Tham dự cuộc họp ĐHCĐ là một trong những quyền cơ bản của các cổ đông phổ thông.

Tham dự cuộc họp ĐHCĐ là một trong những quyền cơ bản của các cổ đông phổ thông.

Chuyện của những cổ đông… mất quyền!

(ĐTCK) “Công ty mà tôi nắm giữ cổ phần đã 3 năm liền không tổ chức ĐHCĐ thường niên, cổ đông cứ ngồi ôm đống cổ phiếu mà chả biết DN phát hành ra nó sống chết ra sao…”, anh Nguyễn T. Thắng, cổ đông nắm giữ trên 3.000 cổ phiếu (khoảng 50 triệu đồng) từ năm 2007 của CTCP Du lịch Thác Đa chia sẻ với Báo ĐTCK.

Đây không phải là trường hợp hy hữu, bởi trên thực tế công ty mẹ của DN này là Công ty ATIP cũng đã 3 năm liền không tổ chức ĐHCĐ. Trước đó, một CTCP hoạt động trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp cũng nhiều năm liền không họp ĐHCĐ, HĐQT cũng chỉ có 2 thành viên (trong khi yêu cầu tối thiểu là 3 người).

Luật Doanh nghiệp quy định: “ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chót để DN họp ĐHCĐ thông thường là hết tháng 6 hàng năm.

Nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, đến tận tháng 7 năm nay vẫn còn không ít DN thông báo tổ chức họp ĐHCĐ năm cũ như: Cơ khí ô tô Hoà Bình (2/7/2009), Bảo hiểm AAA (4/7/2009)… Được biết, con số CTĐC đăng ký với UBCK hiện đã trên 1.000 DN, chưa kể số DN đã đủ điều kiện mà chưa đăng ký. Và để ý mới thấy, trường hợp DN trì hoãn hay không tiến hành họp ĐHCĐ thường rơi vào số DN chưa đăng ký CTĐC với UBCK hoặc CTĐC chưa niêm yết. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, CTCP Cáp viễn thông Thăng Long (TLC), niêm yết cổ phiếu tại HNX hiện vẫn chưa tiến hành ĐHCĐ. Kế toán trưởng TLC cho biết, Công ty sẽ họp vào cuối tháng 8 này. Nhưng hiện đã là trung tuần tháng 8 mà vẫn chưa có thông báo chính thức nào từ TLC.

Không tổ chức hoặc trì hoãn đại hội, có CTCP đưa ra thông báo hoãn họp qua website để cổ đông được biết (như Vincom, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn…), nhưng cũng có DN thì như “người ngoài cuộc”, làm cổ đông trông mong từng ngày (như Thác Đa, ATIP…). Lý do trì hoãn đại hội thường được đưa ra là DN cần có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc tổ chức (Vincom -  VIC); còn nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc họp và do mô hình hoạt động của DN có nhiều công ty con nên việc hoàn thành các báo cáo cần nhiều thời gian hơn dự kiến (Đức Long Gia Lai)…

Kể cả khi tiến hành họp ĐHCĐ, nhiều DN cũng chỉ coi đó như một hành động đối phó, mang tính hình thức. Mặc dù đã gia hạn lần 2 (lần đầu xin gia hạn dự kiến vào ngày 20/6/2009), nhưng công tác chuẩn bị cho cuộc họp ĐHCĐ của CTCP Cơ khí ô tô Hoà Bình vẫn hết sức sơ sài (chương trình đại hội cũng chỉ dưới dạng tổng hợp, tóm tắt trong 1 trang giấy. Cổ đông yêu cầu cung cấp tài liệu cũng chỉ nhận được câu trả lời là còn phải xin ý kiến lãnh đạo…).

Trở lại với trường hợp đặc biệt không họp ĐHCĐ nhiều năm liên tục. Khi được hỏi về cổ tức được chia trong 3 năm qua, anh Thắng và chị N. Hồng (cổ đông ATIP) chỉ lắc đầu thở dài ngao ngán: “Đến ĐHCĐ còn chả tổ chức, huống chi là cổ tức”. Những cổ đông này, trong cơn “bĩ cực”, đã nhiều lần yêu cầu DN mua lại cổ phần hoặc một số yêu cầu đơn giản khác, nhưng cũng chỉ nhận được lời chống chế kiểu như lãnh đạo DN ốm hay đi công tác nước ngoài… Mùa ĐHCĐ năm nay, khi được hỏi về việc họp hành, các cổ đông ATIP lại ngao ngán rằng: “Lịch sử vẫn… lặp lại”. Đặc biệt, hiện ATIP còn chưa hoàn tất việc mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư tại một công ty môi giới chứng khoán nước ngoài (ATIP niêm yết tại thị trường NYSE- EURONEXT). Do vậy tại Việt Nam, cổ phiếu này có bán cũng chả ai mua.

Quả thật, với trường hợp gia hạn họp thì cổ đông vẫn còn có cơ sở để chờ đợi, còn với trường họp không họp nhiều năm liền như trên thì ngoài sự trông mong (khá vô vọng) vào ý thức của DN, các cổ đông này rất cần sự “lên tiếng” của các cơ quan chức năng và những chế tài nghiêm khắc, để họ có được quyền lợi tối thiểu là được biết về số tài sản mình đã đầu tư.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều luật sư, với những quy định về họp ĐHCĐ như hiện này thì các DN hoàn toàn có thể “làm theo ý mình”. Cụ thể, liên quan đến chế tài họp ĐHCĐ, Luật Doanh nghiệp quy định còn khá chung chung: “Nếu HĐQT và ban kiểm soát không triệu tập cuộc họp ĐHCĐ như quy định thì chủ tịch HĐQT và trưởng ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty”. Còn Nghị định số 53/2007/NĐ-CP tuy có rõ hơn khi quy định: “DN sẽ bị phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi không tiến hành họp ĐHCĐ, bên cạnh việc bị buộc phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về việc tiến hành họp ĐHCĐ”, nhưng xem ra mức phạt này vẫn là quá thấp để ngăn ngừa những trường hợp lẩn tránh. Đơn giản là những chi phí tối thiểu cho một cuộc họp ĐHCĐ cũng đã lớn hơn mức phạt này nhiều lần. Thêm vào đó, một số ý kiến còn thắc mắc rằng, liệu có chế tài nào đối với DN nhiều năm trốn tránh tổ chức ĐHCĐ, đơn thuần chỉ là phép nhân mức phạt tiền với số năm không tổ chức họp, hay là phải tính tới những biện pháp nghiêm khắc hơn để tránh lờn thuốc…!?