Cổ đông lớn của VietAbank mang cổ phần đi cầm cố

Cổ đông lớn của VietAbank mang cổ phần đi cầm cố

(ĐTCK-online) Trước việc 2 cổ đông lớn chưa nộp xong tiền đã tiến hành cầm cố và chuyển nhượng cổ phần, ông Đỗ Công Chính- Chủ tịch HĐQT VietAbank bức xúc cho rằng đây là việc làm trái với thỏa thuận trong hợp đồng nguyên tắc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ năm 2010 của VietAbank.

Ngày 07/07/2010 tại TP.Hồ Chí Minh VietAbank đã ký hợp đồng nguyên tắc phát hành cổ phần với Công ty Việt Phương và cá nhân ông Phương Hữu Việt.

Đây là cổ phần nằm trong đợt tăng vốn điều lệ từ 1.631 tỷ đồng lên 3.098 tỷ đồng của VietAbank. Trong đó, Công ty Việt Phương ký hợp đồng mua 36 triệu cổ phần và ông Phương Hữu Việt mua 15 triệu cổ phần, tương đương với 17% vốn điều lệ của VietAbank.

Giá phát hành theo thỏa thuận là 10.600 đồng/cổ phần và được thanh toán làm 3 đợt, cụ thể: trước ngày 31/7/2010 bên mua phải đặt cọc (đợt I) 5% đến 10%; đợt 2 trước ngày 30/9/2010 là 50% và đợt 3 trước ngày 30/11/2010 số tiền còn lại từ 40% đến 45%.

Ngay trong ngày 30/11/2010, hạn cuối cùng cổ đông nói trên phải nộp tiền cổ phần cho VietAbank thì Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã có văn bản đề nghị phong tỏa cổ phần thế chấp hơn 34,2 triệu cổ phần của Công ty Việt Phương và ông Phương Hữu Việt tại VietAbank.

Văn bản đề nghị phong tỏa thế chấp này được Chánh văn phòng HĐQT VietAbank Đặng Huy Huân xác nhận đồng ý phong tỏa với số cổ phần trên. Trong đó, Công ty Việt Phương là 3,750 triệu cổ phần theo chứng chỉ cổ phiếu 009666 ngày 1/11/2010 và 16,2 triệu cổ phần trong hợp đồng nguyên tắc số 167/HĐ-HĐQT/10 ngày 7/7/2010; Cổ đông Phương Hữu Việt có số lượng cổ phần phong tỏa là 7,5 triệu tại chứng chỉ số cổ phiếu số 009667 ngày 1/11/2010 và 6,750 triệu cổ phần trong hợp đồng nguyên tắc số 166/HĐ-HĐQT/10 ngày 7/7/2010.

Cùng với ngân hàng OceanBank, ngày 9/6/2011 Công ty Việt Phương và ông Phương Hữu Việt tiếp tục một lần nữa đem thế chấp 29,25 triệu cổ phiếu của VietAbank.

Trước đó, ngày 7/3/2011 Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) cũng đã có 2 văn bản đề nghị HĐQT VietAbank xác nhận và phong tỏa chứng khoán với tổng số hơn 14,250 triệu cổ phần của Công ty Việt Phương tại mã số cổ đông: 2808.

Đặc biệt, ngày 24/6/2011 Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đã có 2 văn bản đề nghị VietAbank xác nhận và phong tỏa toàn bộ 36 triệu cổ phần của Công ty Việt Phương và 15 triệu cổ phần của ông Phương Hữu Việt. Với văn bản này Maritime Bank thay mặt cổ đông cầm cố làm thủ tục chuyển nhượng số chứng khoán nói trên để thanh toán nợ đến hạn.

Như vậy, toàn bộ số cổ phần của Công ty Việt Phương và ông Phương Hữu Việt trong vòng khoảng 1 năm sau khi ký hợp đồng hứa mua với VietAbank đã liên tiếp đem cầm cố tại nhiều ngân hàng khác nhau

Không chỉ có vậy, ngày 8/11/2010 bà Phương Minh Huệ đã đại diện cho Công ty Việt Phương ký giấy chuyển nhượng cổ phần với ACBR bằng với số lượng cổ phần mà HĐQT phê duyệt tại sổ cổ phiếu chứng chỉ 18 triệu cổ phần. Song mãi đến ngày 29/12/2010 HĐQT Công ty Việt Phương mới tiến hành họp đại hội cổ đổng dưới sự chủ trì của ông Phương Hữu Việt quyết định chuyển nhượng 14.250.000 cổ phần của VietAbank cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBR) với giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phần, giao cho bà Phương Minh Huệ, Tổng giám đốc Công ty Việt Phương thực hiện ký kết hợp đồng và giấy tờ liên quan đến việc mua bán trên.

Việc làm này đã vi phạm tại Điều I, khoản 2 của hợp đồng có ghi rõ: Hai bên thỏa thuận về thời hạn Bên B sau 24 tháng, kể từ ngày hoàn tất thủ tục phát hành cổ phiếu cho bên B và đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; bên B có thể chuyển nhượng số cổ phần trên cho đối tác khác có nhu cầu.

Đáng lưu ý, khi đem cổ phần đi cầm cố tại OceanBank Công ty Phương Việt và ông Phương Hữu Việt lại đồng ý và trong phần yêu cầu VietAbank xác nhận với nội dung: “không bị giới hạn chuyển nhượng, cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp một phần hay toàn bộ tài sản thế chấp trên”!?

Ông Đỗ Công Chính Chủ tịch HĐQT VietAbank cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Phương Việt với ACBR là trái với thỏa thuận trong hợp đồng nguyên tắc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ năm 2010 của VietAbank.

Lý giải việc VietAbank xác nhận tại văn bản phong tỏa cổ phần thế chấp của OceanBank, ông Chính nói: “Tuy trong văn bản có ghi là số cổ phần trên không bị giới hạn chuyển nhượng, cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp một phần hay toàn bộ tài sản thế chấp trên nhưng tại đây chúng tôi chỉ xác nhận Công ty Phương Việt và ông Phương Hữu Việt có số lượng cổ phần phù hợp với động số lượng đã tham gia đóng góp. Còn nội dung văn bản đó nói gì, làm như thế nào thì đó là cam kết giữa 2 cổ đông này với OceanBank”.