Nhà đầu tư, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ vẫn chịu nhiều bất lợi về thông tin trên TTCK - Ảnh: Hoài Nam

Nhà đầu tư, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ vẫn chịu nhiều bất lợi về thông tin trên TTCK - Ảnh: Hoài Nam

Công ty đại chúng vẫn bỏ quên quyền cổ đông

(ĐTCK-online) Thông tin thiếu minh bạch, cố ý chây ỳ trong công bố thông tin là tồn tại cũ nhưng ngày càng trở nên phổ biến, gắn với những công ty đại chúng mới. Cộng với một kết quả kinh doanh không đúng như kỳ vọng, không ít công ty đại chúng đang bị cổ đông la ó, thậm chí đệ đơn lên cả công ty mẹ kêu cứu về việc bỏ ngỏ quyền cổ đông của công ty đại chúng.

Tại ĐHCĐ CTCP Nước và môi trường Việt Nam (Viwase) ngày 4/6, cổ đông tỏ rõ sự bất bình khi cho biết, khi truy cập vào trang web của Công ty tại địa chỉ www.viwase.vn cũng như vào trang web của UBCK thì đều không thấy có thông tin về kết quả kinh doanh, về nghị quyết ĐHCĐ các năm (2009, 2010) hay báo cáo thường niên theo quy định pháp luật. Trang web của Công ty hoàn toàn không có mục công bố thông tin dành cho cổ đông. Thậm chí, tài liệu gửi cho cổ đông trước ngày đại hội cũng không đầy đủ (thiếu báo cáo HĐQT, báo cáo BKS; không công bố số tài sản, số nợ của công ty, không cho biết báo cáo kiểm toán do công ty nào kiểm toán…). Đây vốn là tật cố hữu của đa số công ty đại chúng, nhưng theo phản ánh của cổ đông Viwase thì tại ĐHCĐ của Công ty, ngay cả việc bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2011-2016 cũng không đúng luật. Bởi lẽ, theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, việc đề cử ứng viên HĐQT, BKS phải do nhóm cổ đông nắm giữ tối thiểu 10% vốn điều lệ đề cử, nhưng Công ty không thực hiện đúng quy định này. Cụ thể, ông Nam Anh và 2 người nữa ứng cử HĐQT lại do một cổ đông cá nhân nắm giữ rất ít cổ phần đề cử; ông Việt ứng cử BKS cũng chỉ do 1 cổ đông cá nhân nắm giữ 40.000 cổ phiếu đề cử (trong khi Viwase có vốn điều lệ 21 tỷ đồng, với tổng cộng 2,1 triệu cổ phiếu).

Ngoài ra, các nội dung gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi sát sườn của cổ đông được cổ đông hỏi tại Đại hội lại cũng không được giải đáp thấu đáo như các câu hỏi liên quan đến tổng tài sản hiện có, hệ thống đất đai (có bao nhiêu mảnh đất, diện tích bao nhiêu, giấy tờ các lô đất này ra sao..), công ty con (số lượng hiện tại, tình hình vốn góp tại các công ty này…

Tương tự, tại Công ty Nhựa y tế Mediplast (vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng), cổ đông của Công ty khi truy cập vào trang web của UBCK cũng không thấy có công bố thông tin về báo cáo tài chính năm, không có nghị quyết ĐHCĐ, không có báo cáo thường niên. Đã gần hết 6 tháng đầu năm 2011 nhưng đến nay, cổ đông cũng không biết là kết quả kinh doanh năm 2010 lỗ hay lãi; nay đã là 6/2011 nhưng Công ty vẫn chưa tổ chức ĐHCĐ năm 2010.

Một trường hợp khác là CTCP Xi măng La Hiên, việc ít công bố thông tin cộng thêm kết quả kinh doanh năm 2010 không đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh, lợi nhuận giảm sút thê thảm khiến cổ tức 2010 chỉ bằng 1/10 so với 2009, đầu tư mở rộng công suất trong khi sản phẩm ế ẩm, không có đầu ra đã khiến cổ đông rất bức xúc. Kết cục, mới đây, một nhóm cổ đông bao gồm 15 người đã ký đơn kiến nghị lên công ty mẹ là Tập đoàn Vinacomine kiểm tra rà soát tình hình sản xuất kinh doanh của công ty này.

Tại CTCP Nhựa Việt Nam Vinaplast, theo phản ánh của cổ đông, thông tin thì mất hút mà kết quả kinh doanh thì bi bét, nhiều năm không đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh (từ khi cổ phần hóa năm 2007 đến nay mới chia cổ tức tổng cộng 5%), mặc dù ngành nhựa là ngành có lợi nhuận cao, trong khi Vinaplast lại báo cáo một kết quả thấp, khiến cổ đông không khỏi nghi ngại.

Theo Thông tư 09, chậm nhất là 10 ngày, kết thúc thời hạn hoàn thành báo cáo tài chính năm, công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo tài chính năm; phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ đối với trường hợp thông qua các quyết định của ĐHCĐ theo quy định tại Điều 104 của Luật Doanh nghiệp; phải lập và công bố báo cáo thường niên và công bố chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn hoàn thành báo cáo tài chính năm.

 

Còn theo Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09, công ty đại chúng phải công bố đầy đủ toàn bộ tài liệu họp ĐHCĐ (thông báo mời họp, mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp trên trang thông tin điện tử đồng thời với việc gửi thông báo cho các cổ đông trước khi khai mạc họp ĐHCĐ chậm nhất là 7 ngày làm việc.