CTCK tăng vốn: Sáp nhập chỉ là “nước cùng”

CTCK tăng vốn: Sáp nhập chỉ là “nước cùng”

(ĐTCK-online) Thời hạn tăng vốn pháp định theo Nghị định 14/2007/NĐ-CP đang đến gần. Vài chục công ty chứng khoán (CTCK) là đối tượng phải thi hành cũng là những công ty nhỏ, bị ảnh hưởng mạnh của thị trường trong giai đoạn suy giảm kéo dài đến nay. Nhiều phương án nhằm đáp ứng yêu cầu pháp lý đang được các CTCK này suy xét đến, nhưng phương án nào xem ra cũng ... xót xa.

Phương án thụ động là xin lùi thời hạn tăng vốn chưa nhận được tín hiệu khả quan từ cơ quan quản lý. Còn để chủ động, trong khi cách thực hiện “tiêu chuẩn” nhất, là huy động thêm tiền vốn, lâm vào thế bí, hai phương án có thể sẽ phải thực hiện là cắt giảm nghiệp vụ hoặc sáp nhập. Cách thứ nhất đặt CTCK vào tình cảnh rối bời lựa chọn xem nên chia tay với nghiệp vụ nào, nếu phải chọn đúng tự doanh thì coi như “bán máu”. Cách thứ hai thì được nhìn nhận như tự “bán mình”, sau bao kỳ công gây dựng.

Cắt “Tự doanh” để cứu mình

Trong số 4 nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán, đương nhiên môi giới chứng khoán là phần không thể cắt bỏ. Ba nghiệp vụ còn lại, thì tư vấn không thành vấn đề, bởi vốn pháp định chỉ cần 10 tỷ đồng. “Nặng” nhất là 2 nghiệp vụ bảo lãnh phát hành (165 tỷ đồng) và tự doanh (100 tỷ đồng). Suy đi xét lại, bảo lãnh cũng có thể bỏ qua, nhưng động đến mảng tự doanh, lãnh đạo CTCK vắt tay lên trán nhiều đêm vẫn chưa đưa ra được ý tưởng quyết định. Đối với thị trường, phán đoán xem CTCK có quyết định cắt giảm vào nghiệp vụ tự doanh cũng là điều hồi hộp.

Bỏ hoạt động tự doanh, nghĩa là CTCK đỡ được khoản vốn pháp định 100 tỷ đồng. Song người trong cuộc băn khoăn, nếu chứng khoán, là các khoản đầu tư dài hạn, được đem bán hết như vậy, ngoài hệ luỵ từ việc CTCK chịu lỗ, thì việc bán tống bán tháo sẽ khiến thị trường phản ứng, VN- Index có bị ảnh hưởng?

Còn nhớ, hồi đầu năm, việc bán ra chứng khoán tự doanh ồ ạt trong bối cảnh VN- Index liên tục mất điểm đã khiến nhiều thành viên thị trường phản đối, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán lên tiếng kiến nghị tạm ngừng bán cổ phiếu tự doanh, cuối cùng cơ quan quản lý đã phải tuýt còi.

Dù số chứng khoán trong tài khoản tự doanh của các CTCK này hiện được coi là không lớn, có công ty chỉ có tổng giá trị thị trường đạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng, nhưng liệu thị trường có đảm bảo sẽ không xảy ra thêm một cú sốc tâm lý, khi VN- Index đang ở mức thấp kỷ lục?

“Nói là bán đấy nhưng chắc gì đã có người mua, cho dù nguồn cung không quá lớn, nguồn cầu không quá nhỏ. Không gây ra chênh lệch cung cầu theo chiều hướng tiêu cực, nhưng hậu quả cũng có khi khiến thị trường vài phiên “méo mặt””, đại diện một CTCK tại Hà Nội thẳng thắn chia sẻ.

Trong khi chờ đợi ý kiến chính thức của UBCK liên quan đến việc giảm nghiệp vụ, quan điểm cá nhân mang đầy tính hỗ trợ của một đại diện của UBCK cho rằng, nên xem xét cho các CTCK duy trì tài khoản tự doanh và chưa bán ngay để tất toán, chỉ cần kiểm soát không cho CTCK tiếp tục mua vào sau khi điều chỉnh giảm nghiệp vụ. Đây cũng có thể được coi như một hướng mở cho các CTCK trong bối cảnh ít “lối ra” như hiện nay.

Cũng có quan điểm khác đánh giá về vốn pháp định cho nghiệp vụ tự doanh. Giám đốc một CTCK tại Hà Nội bày tỏ rằng: “Nhìn vào vốn điều lệ của CTCK có thể thấy được sức mạnh về tiềm lực tài chính, chứ bản thân CTCK cũng không biết làm gì khi sở hữu số vốn điều lệ khổng lồ như vậy. Ngay tự doanh cũng chỉ là hoạt động mua và bán chứng khoán trên tài khoản thì cũng không nhất thiết phải đưa ra quy định cao về vốn điều lệ như thế”…

Sáp nhập: “Nước cùng”

Một phương án được tính đến bên cạnh ý tưởng giảm nghiệp vụ tại một số CTCK lúc này là tìm hướng sáp nhập. Theo tìm hiểu của ĐTCK, thực tế, cũng có một số CTCK tìm đến phương án M&A để giải quyết bài toán tăng vốn, nhưng cuối cùng đều “đường ai nấy đi” cũng chỉ vì những bất nhất trong định giá tài sản doanh nghiệp.

“Thà rằng chênh lệch trong đánh giá chỉ một chín một mười thì không vấn đề gì, chỉ chờ bầu dồn phiếu, sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo là xong. Mỗi CTCK đều có thế mạnh riêng của mình trong khi thực tế xếp hạng chưa có. Tài sản thực cũng như tài sản vô hình, chẳng hạn liên quan đến chế độ lương thưởng nhân viên chủ chốt mà trước đây phải câu kéo mãi, giờ lại không biết tính như thế nào… Do đó, dẫn đến tình trạng vừa ngồi lại với nhau lại nhanh chóng giải tán”, một lãnh đạo CTCK đã phát biểu như vậy.

Hơn thế, bản thân CTCK cũng không muốn công ty mình thay tên đổi chủ, vấn đề cạnh tranh hay loại trừ giờ không còn quan trọng. M&A chỉ được coi là sự lựa chọn cuối cùng. “CTCK sẽ tìm cách sáp nhập nếu biết trước rằng, nếu không làm như thế thì thì ngày mai hay ngày kia CTCK sẽ chết. Huống chi, trong trường hợp này lối ra của CTCK vẫn còn”, Chủ tịch HĐQT CTCK Quốc Gia, ông Nguyễn Chí Thành khẳng định và cho biết thêm sẽ chỉ tính đến phương án giảm nghiệp vụ tự doanh, giữ lại nghiệp vụ tư vấn và môi giới.

Quan điểm của ông Thành cũng đồng nhất với một số đại diện của CTCK khác cùng cảnh ngộ. Hầu hết CTCK trên thị trường phải tăng vốn theo quy định đều có vốn khoảng 35 tỷ đồng, nếu giữ lại 2 nghiệp vụ thì dù có bị coi là “ què quặt” thì vẫn còn là mình, không là ai khác và sống nhờ vào người khác.

Hiện tại, quả thực cổ đông sáng lập tại nhiều CTCK đang cố gắng giải quyết bài toán đau đầu là làm sao giữ được công ty bằng việc hàng tháng phải nộp tiền vào bù đắp chênh lệch doanh thu và chi phí. Trường hợp số CTCK còn thặng dư vốn lớn từ đợt phát hành trước đó thì còn đỡ, CTCK nào có cơ cấu cổ đông khoẻ thì còn đỡ, chứ yếu thì không biết sẽ ra sao đây, lại chỉ còn cách thoi thóp và đóng cửa mà thôi. Hình ảnh của CTCK hiện được phác hoạ là “co cụm và chờ thời”.

Điều 18 – Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Quy định về vốn đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ

1. Vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam là:

a) Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam;

b) Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam;

c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam;

d) Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam.

2. Trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn pháp định là tổng số vốn pháp định tương ứng với từng nghiệp vụ xin cấp phép.