Cuộc chạy đua giành ghế Chủ tịch HSBC đã ngã ngũ

Cuộc chạy đua giành ghế Chủ tịch HSBC đã ngã ngũ

(ĐTCK-online) Đầu tháng 9 vừa qua, ông Stephen Green, 62 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn tài chính - ngân hàng Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) đã được Thủ tướng Anh David Cameron bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này. Theo thông lệ, hay đúng hơn là theo truyền thống của HSBC, một khi chức Chủ tịch Ngân hàng bị khuyết thì Giám đốc điều hành (CEO) sẽ đảm nhiệm chức này. Tuy nhiên, lần này sự việc đã diễn biến khác hẳn.

Do biết không được chọn vào chức Chủ tịch, nên ông Michael Geoghegan, 57 tuổi, CEO đương nhiệm HSBC đã phản ứng bằng việc xin từ chức CEO bắt đầu từ tháng 1/2011. Như vậy, hai lãnh đạo chóp bu của HSBC là Chủ tịch và CEO được thay thế bằng 2 nhân vật mới.

Theo thông tin mới nhất, Ban lãnh đạo HSBC đã chọn ông Douglas Flint, 55 tuổi, Giám đốc tài chính (CFO) HSBC đảm nhiệm chức Chủ tịch, còn ông Stuart Gulliver, 51 tuổi, phụ trách mảng ngân hàng đầu tư được đề cử vào ghế CEO. Tại cuộc họp Ban giám đốc HSBC dự kiến tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngay trong tuần này, việc đề cử hai chức vụ cao cấp trên sẽ chính thức được thông qua.

Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, ông Michael Geoghegan là CEO thứ 3 trong hệ thống ngân hàng thương mại Anh rút lui khỏi chiếc ghế điều hành cao nhất. Trước đó, ông John Varley, 57 tuổi, CEO Ngân hàng Barclays Plc đã tuyên bố sẽ từ chức kể từ ngày 31/3/2011, còn Eric Daniels, CEO Ngân hàng Lloyds Banking Group Plc cũng rời nhiệm sở ngay từ tháng 10 này. 

Thực ra, việc ông Michael Geoghegan ra đi hoàn toàn nằm ngoài kịch bản và toan tính của riêng ông. Từ trước đến nay, ở HSBC, CEO thường được đẩy lên ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch mỗi khi bị khuyết. Gần đây nhất, vào tháng 5/2006, ông John Bond từ chức Chủ tịch HSBC, ông Stephen Green, CEO khi đó đã lên thay. Giờ khi đến lượt ông Stephen Green ra đi thì theo cách hiểu thông thường là "automatic" ông Michael Geoghegan cũng sẽ được đẩy lên. Bản thân ông Michael Geoghegan cũng đã công khai bày tỏ nguyện vọng được đề bạt vào chức Chủ tịch, đồng thời vẫn muốn được làm việc ở Hồng Kông, chứ không phải trở về London. Là "cây đa cây đề" ở HSBC, ông cảm thấy đủ tự tin và vị thế để đề đạt nguyện vọng chính đáng này.

Song sự việc diễn biến không theo ý muốn của ông, khi Ban lãnh đạo HSBC quyết định "chấm" một số nhân vật khác. Tại cuộc họp Ban lãnh đạo HSBC vào ngày 22/9, ông Michael Geoghegan đã doạ từ chức, nếu nguyện vọng làm Chủ tịch của ông không được đáp ứng. Tưởng ông chỉ doạ vậy thôi, nào ngờ ông đã làm đơn xin từ chức ngay sau khi Ban lãnh đạo Ngân hàng trả lời thẳng thừng rằng, chức Chủ tịch không dành cho ông.

Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, cuộc đua vào chức Chủ tịch ngoài ông Michael Geoghegan, còn có ông John L. Thornton, một thành viên trong Ban giám đốc HSBC, đã từng là nhà quản lý cấp cao của Tập đoàn Goldman Sachs của Mỹ và có nhiều kinh nghiệm làm việc tại thị trường Trung Quốc đại lục. Nhưng cuối cùng cả ứng cử viên nặng ký này cũng bị rớt nốt. Ông John L. Thornton cảm thấy thất vọng, nên đã tuyên bố sẽ rời khỏi HSBC trong vòng 6 tháng tới.

Khi phát biểu với báo giới, ông Michael Geoghegan chỉ nói một cách ngắn gọn rằng: "Đã đến lúc tôi phải nhường chỗ cho thế hệ mới" và tuyệt nhiên không đả động đến cuộc đua vào chức Chủ tịch mà ông bị thua. Như vậy, sau 37 năm làm việc liên tục cho HSBC (từ năm 1973) và đảm nhiệm công việc quản lý quan trọng ở hơn 10 nước thuộc hầu hết các châu lục trên thế giới (châu Âu, châu Á, châu Mỹ), ông Michael Geoghegan sẽ rời HSBC vào năm tới. 

Trước mắt, ông Michael Geoghegan sẽ được nhận khoản tiền đền bù 1,42 triệu bảng Anh (2,25 triệu USD), chưa kể tiền thưởng.

Nhiều nhà phân tích nhận xét rằng, như vậy, cuộc tranh giành chiếc ghế Chủ tịch ở HSBC đã chính thức ngã ngũ. Ông Douglas Flint không phải là lựa chọn số 1 của HSBC vào chức Chủ tịch, bởi ông chỉ mới gia nhập HSBC vào năm 1995 sau một thời làm việc tại Tập đoàn kế toán- kiểm toán quốc tế KPMG. Song trong bối cảnh nội tình hiện nay của Ngân hàng, ông lại là nhân vật thích hợp để hợp tác tốt với ông Stuart Gulliver, CEO mới. Ông Stuart Gulliver đã làm việc cho HSBC từ năm 1980.

Được biết, ông Stuart Gulliver sẽ điều hành công việc tại Hồng Kông và nhận mức lương 1,25 triệu bảng Anh mỗi năm (chưa kể tiền thưởng), trong khi ông Douglas Flint làm việc tại tổng hành dinh ở London và  chỉ được nhận lương cơ bản 1,5 triệu bảng Anh (không được nhận tiền thưởng).

Ông Douglas Flint phát biểu: "HSBC sẽ cố gắng lấy lại lòng tin trong lĩnh vực ngân hàng bằng việc học từ những sai lầm mắc phải trong vài năm qua".

Giới đầu tư và các cổ đông dường như chẳng bận tâm lắm đến việc ai là Chủ tịch HSBC sắp tới. Bằng chứng là, cổ phiếu của HSBC ở Sở GDCK Hồng Kông gần như không có biến động nào đáng kể trong suốt nhiều ngày qua. Hiện giá cổ phiếu của HSBC dao động ở mức 80,6 dollar Hồng Kông/cổ phiếu (10,4 USD/cổ phiếu).