Trong bối cảnh TTCK đang ảm đạm như hiện nay, muốn duy trì được mức độ hấp dẫn giá, nên chăng, các DN tính toán bài toán cân bằng giữa lợi ích cổ đông và mục tiêu dài hạn? (Ảnh: Đức Thanh)

Trong bối cảnh TTCK đang ảm đạm như hiện nay, muốn duy trì được mức độ hấp dẫn giá, nên chăng, các DN tính toán bài toán cân bằng giữa lợi ích cổ đông và mục tiêu dài hạn? (Ảnh: Đức Thanh)

Đảm bảo lợi ích hợp lý cho cổ đông: DN nên tính cách nào?

(ĐTCK-online) Những ngày này, khi TTCK đang suy giảm mạnh, nhiều NĐT bắt đầu chuyển hướng so sánh mức hưởng cổ tức trên thị giá so với phương án gửi tiết kiệm để lựa chọn đầu tư. Và bài toán đặt ra cho lãnh đạo DN là: làm sao đảm bảo lợi ích của cổ đông một cách hợp lý nhất.

Tỷ lệ sinh lời không tương xứng

Theo nguyên tắc thông thường, nơi nào rủi ro càng lớn thì lợi nhuận hứa hẹn càng nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện tại, nhà đầu tư Việt Nam đang phải chấp nhận đầu tư kỳ vọng ngược. Thực tế cho thấy, với khoản gửi tiết kiệm, họ có thể yên tâm thu được mức lãi suất 12%/năm. Trong khi đó, việc đầu tư chứng khoán với rất nhiều rủi ro, nếu tình hình kinh tế vĩ mô chưa thay đổi, mức sinh lời trên tổng vốn đầu tư của họ sẽ rất thấp, thậm chí là con số âm.

Hãy nhìn thử vào mức giá của cổ phiếu PAN. Ngày liền kề ngày giao dịch không hưởng quyền cổ tức (9/4/2008), giá cổ phiếu này ở mức 49.500 đồng/CP. Sau khi hưởng cổ tức của năm 2007 là 4.000 đồng/CP, giá CP này giảm xuống mức 46.200 đồng. Nếu giả thiết, sau hưởng cổ tức giá cổ phiếu có thể giữ nguyên (ở mức 49.500 đồng), thì mức sinh lời trên vốn đầu tư ban đầu chỉ là 8,08%. Tuy nhiên, nếu vị cổ đông nào có ý định giữ CP từ thời điểm đó đến bây giờ, giá thị trường về mức 31.000 đồng/CP. Như vậy, tỷ lệ sinh lời của đồng vốn là: (31.000 - 49.500 + 4.000)/49.500 = -29,29%. Trong khi đó, mức lãi suất ngân hàng vẫn ở mức 12%/năm cho kỳ hạn 3 tháng!

Đây chính là nguyên nhân khiến những người có dòng vốn ngắn hạn quyết định lựa chọn phương án gửi ngân hàng thay vì mua chứng khoán. Hãy nhìn vào con số giao dịch hàng ngày của các NĐT trong giai đoạn thị trường sôi động, khoảng 1.400 tỷ đồng cả hai sàn trong một phiên. Như vậy, có ít nhất khoảng 2.800 tỷ đồng tiền đầu tư theo kiểu ngắn hạn. Tất nhiên, chúng ta không thể thống kê được bao nhiêu trong số này xuất phát từ các khoản tiền ngắn hạn, nhưng rõ ràng, việc thị trường liên tục điều chỉnh giảm đã làm giảm nhiều nhu cầu đầu tư từ khối này. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán đã đánh mất đi một kênh huy động vốn, một chức năng quan trọng là biến những dòng vốn ngắn hạn thành một dòng vốn tung và dài hạn nhờ tính thanh khoản.

 

Hướng tới các cổ đông dài hạn

Do mức độ rủi ro tăng lên nhiều, trong khi nguồn thu ổn định không có khiến các nhà đầu tư hiện hữu trên thị trường trở thành nhà đầu tư dài hạn (dù bất đắc dĩ). Nhiều quan điểm cho rằng, nếu tốc độ tăng lạm phát và lãi suất ngân hàng không giảm, giá chứng khoán sẽ tiếp tục tụt dốc. Nguyên nhân bởi vì, với lãi suất vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp lên tới gần 20%, cộng thêm một tỷ lệ dự đoán về tốc độ tăng trưởng lạm phát tương tự đã đặt ra cho doanh nghiệp yêu cầu: muốn đứng im, trước hết, tỷ lệ ROE của doanh nghiệp phải đạt mức tối thiểu không thấp hơn lãi suất huy động vốn và tốc độ lạm phát.

Trong bối cảnh này, không ít doanh nghiệp lại cho rằng, lạm phát khiến giá cả đầu vào tăng cao, nhiều khả năng không thể duy trì tỷ lệ sinh lời như năm 2007. Do đó, chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu (giữa việc mang gửi tiết kiệm thay vì kinh doanh) tăng lên, trong khi đó, mức sinh lời thực tế giảm xuống sẽ càng tác động đến việc kéo giá chứng khoán xuống mức tương xứng.

Hiện tại, giá cổ phiếu của nhiều DN đã xuống thấp, thậm chí, nhiều lãnh đạo DN còn than thở rằng, giá thị trường xuống xa so với giá trị sổ sách. Do đó, họ có một ý kiến đùa nho nhỏ là, hay là nên giải thể doanh nghiệp để chia tiền cho cổ đông?!

Ý kiến của các NĐT thời gian vừa qua cũng tập trung nhiều vào việc DN nên thay đổi chính sách cổ tức. Một điều cần lưu ý rằng, chia cổ tức như thế nào (bằng tiền mặt, cổ phiếu, hay không chia, hay tỷ lệ bao nhiêu?) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lượng tiền mặt của DN và chiến lược phát triển. Một ví dụ cụ thể được đưa ra là, nếu giả thiết TSC (CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cân Thơ) sử dụng chính sách là chia cổ tức 100% lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ khác (như trích lập các loại quỹ) bằng tiền mặt cho cổ đông thì chắc chắn giá của cổ phiếu này sẽ không bị sụt giảm tiếp, vì khi đó, mức chia cổ tức khoảng 5.700 đồng/CP (tính cho số CP hiện đang lưu hành, trừ đi 20% các khoản nghĩa vụ khác) so với mức giá 45.000 đồng hiện tại, tỷ lệ sinh lời là 12,67%.

Tất nhiên, đây là giả thiết, vì thực tế DN sẽ phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng dài hạn hay lợi ích của cổ đông ngắn hạn.

Mặc dù vậy, thiết nghĩ rằng, dù là mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn hay ngắn hạn, suy cho đến cùng đều nhằm mục đích tối đa hóa quyền lợi của cổ đông. Trong bối cảnh TTCK đang ảm đạm như hiện nay, muốn duy trì được mức độ hấp dẫn giá, nên chăng, các DN tính toán bài toán cân bằng giữa lợi ích cổ đông và mục tiêu dài hạn?