Điều đáng ngại...

(ĐTCK-online) Trước diễn biến giảm giá mạnh của cả hai sàn Hà Nội và TP. HCM thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư bị mất tới khoảng 70% giá trị đầu tư. Điều này gây tâm lý hoang mang cho không ít người và họ đang thực sự chờ đợi những giải pháp của UBCK. Giữa tuần qua, một số nhà đầu tư đã đến UBCK, Trung tâm/Sở GDCK để bày tỏ bức xúc trước tình trạng giá cổ phiếu giảm quá nhiều. Trong cuộc trao đổi giữa nhóm nhà đầu tư với bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK vào sáng 5/3, vấn đề họ quan tâm chính là việc phát hành cổ phiếu mới, Luật Thuế thu nhập cá nhân liên quan đến đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng vốn.

Ông Lê Văn Thuế, một nhà đầu tư cá nhân tại sàn SSI bức xúc nói: "Chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp để kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của các DN. Việc phát hành cổ phiếu cũng giống như đưa tiền ra lưu thông của DN, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ để xảy ra việc DN phát hành cổ phiếu kém chất lượng, điều này khác gì đưa tiền giả vào lưu thông?". Ông Thuế cho rằng, việc phát hành cổ phiếu không đi kèm phương án kinh doanh hiệu quả, nên cung tăng nhanh hơn cầu nhiều, điều này dẫn đến việc giá cả giảm mạnh, thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

Chia sẻ với những mất mát nhà đầu tư đang phải gánh chịu, bà Liên cho biết: "Chúng tôi rất đồng cảm với những khó khăn mà nhà đầu tư đang phải chịu đựng. Thực tế, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ về việc giãn IPO để giảm cung. Bên cạnh đó, từ hai tháng nay, chúng tôi đã hạn chế việc cấp phép phát hành và trong tháng qua, chúng tôi chưa hề cấp phép cho bất kỳ đợt phát hành lớn nào". Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo bà Liên, chính là ý thức của các cổ đông. "Nếu cổ đông cứ thông qua phương án phát hành của DN, chúng tôi không thể từ chối được!", bà Liên cho biết.

Trả lời câu hỏi về ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư với vai trò là cổ đông DN khi thông qua phương án phát hành mới, ông Thuế cho rằng: "Mỗi nhà đầu tư thường đầu tư nhiều cổ phiếu khác nhau và đôi khi, khối lượng cổ phần ít quá nên cũng không được mời họp". Qua trao đổi với một số nhà đầu tư khác có mặt tại UBCK, họ đều có ý "trách": tại sao UBCK cấp phép mà không ý thức được vai trò của mình trong việc này? Theo quy định, mấu chốt của việc phát hành thêm có được cấp phép hay không lại chính ở việc thông qua phương án phát hành và sử dụng vốn của cổ đông tại DN, chứ không phải từ phía cơ quan quản lý. Về vấn đề này, bà Liên cho rằng: "Trong nhiều cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông đã trao quá nhiều quyền tự quyết cho HĐQT, mà không tính tới tác động của nó đến tương lai của DN".

Như vậy, qua cuộc trao đổi của một số nhà đầu tư với lãnh đạo UBCK có thể thấy, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến thị trường sụt giảm chính là việc các cổ đông không ý thức được quyền làm chủ của mình, do đó đã có nhiều quyết định làm tổn thương đến tương lai của DN mà mình đầu tư.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của ĐTCK, một số nhà đầu tư đã bức xúc cho rằng, việc đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán lên tới 20% bắt đầu từ năm 2009 là quá cao và mất công bằng, nếu xem đây là một hoạt động đầu tư cần khuyến khích ưu đãi. Ngoài ra, mức độ xử phạt quá nhẹ các công ty niêm yết, tổ chức tham gia kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư lớn... khi sai phạm cũng là điều khiến không ít nhà đầu tư bức xúc. Một nhà đầu tư cá nhân tại sàn giao dịch CTCK Ngân hàng SeABank cho biết: "Một sai phạm có thể giúp kiếm lời hàng tỷ đồng, mà chỉ phạt có mấy chục triệu đồng thì phải chăng là quá nhẹ và không có tính răn đe? Chúng tôi kiến nghị cần thay đổi mức phạt và phải có quy định rõ ràng tỷ lệ chịu phạt để đảm bảo tính công bằng, minh bạch và nghiêm minh". Xung quanh các kiến nghị này, bà Liên cho biết: "Cách đây mấy tháng, UBCK đã có kiến nghị xin được lùi thời gian áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân và thay đổi mức phạt vi phạm trên TTCK, nhưng đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp cao hơn, chứ không  do UBCK quyết định".

Có thể nói, đối với nhiều nhà đầu tư, mức suy giảm trên cả hai sàn chứng khoán dường như đã vượt qua khả năng chịu đựng, và bắt đầu có dấu hiệu mất tin tưởng ở thị trường. Tuy nhiên, qua xem xét động thái mua vào của nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, chỉ số P/E bình quân (khoảng 13 - 14 lần) và đánh giá của HSBC về tiềm năng đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam thì điều đáng ngại nhất lúc này chinh là tâm lý của nhà đầu tư trong nước, chứ không phải bản chất thị trường.