Thời hoàng kim của các đợt đấu giá cổ phần không biết đến bao giờ trở lại - Ảnh: Hoài Nam

Thời hoàng kim của các đợt đấu giá cổ phần không biết đến bao giờ trở lại - Ảnh: Hoài Nam

Doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán huy động vốn

(ĐTCK-online) Nhiều doanh nghiệp niêm yết không chỉ thất bại trong việc huy động vốn qua hình thức đấu giá cổ phần ra công chúng, mà còn qua hình thức phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Nguyên nhân chính là do TTCK có diễn biến xấu, dù doanh nghiệp ấn định mức giá phát hành thấp hơn nhiều so với mức giá giao dịch trên sàn, thậm chí chỉ bằng mệnh giá. Cả doanh nghiệp thất bại lẫn doanh nghiệp đang và chuẩn bị phát hành đều "đau đầu" trước bài toán huy động vốn.

Kết quả phát hành có thể tiên liệu

CTCP Thuận Thảo (GTT) đang hoàn tất đợt phát hành 14.501.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 10.000 đồng/CP. Mặc dù ngày 8/11 là hạn cuối đăng ký đặt mua cổ phiếu phát hành thêm, giá cổ phiếu GTT đóng cửa ở mức 11.300 đồng/CP, nhưng khả năng thành công của đợt phát hành không cao, nhất là khi phiên hôm qua (9/11), cổ phiếu này giảm còn 10.800 đồng/CP.

Ngày 25/11 tới, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) sẽ tổ chức đấu giá 6 triệu cổ phiếu, với giá khởi điểm là 15.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch hôm qua (9/11), giá cổ phiếu TLH trên sàn giảm xuống chỉ còn 12.600 đồng/CP.

 

Xoay xở cách nào?

Ông Trương Trọng Cử, Phó tổng giám đốc GTT cho hay, nếu cổ đông hiện hữu từ chối mua thì doanh nghiệp sẽ chào bán cho các đối tác chiến lược, với giá không thấp hơn so với cổ đông hiện hữu. Vị này "bật mí", đây là những đối tác hoạt động trong cùng lĩnh vực du lịch bất động sản. Ngoài ra, GTT có mối quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng, nên việc phát hành không thu được kết quả như kế hoạch thì nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Đại diện TLH thì cho biết, số cổ phiếu chưa được phân phối sẽ được ủy quyền cho HĐQT chào bán cho các đối tượng khác, với giá bán không thấp hơn 15.000 đồng/CP, đồng thời xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho gia hạn thời gian chào bán nếu thấy cần thiết.

Trước thực tế và khả năng thất bại của không ít tổ chức phát hành, những doanh nghiệp vừa có nghị quyết về việc phát hành thêm như NAG, LCS… cũng không khỏi lo lắng.

ĐHCĐ bất thường của CTCP Nagakhawa Việt Nam (NAG) vừa thông qua phương án phát hành 2,5 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 135 tỷ đồng, thông qua hình thức đấu giá, với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. Trong khi đó, giá cổ phiếu NAG trên sàn hiện chỉ là 10.800 đồng/CP.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, uỷ viên HĐQT NAG cho biết, HĐQT sẽ làm việc chặt chẽ hơn với tổ chức tư vấn để trao đổi rõ về phương án phát hành, tập trung vào phương án bảo lãnh, lựa chọn đối tác trong trường hợp cổ đông bỏ thầu, thời điểm phát hành hợp lý, nhằm đảm bảo mức độ thành công cao nhất. Còn đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi, dù thực hiện sau khi hoàn tất phát hành qua đấu giá, nhưng NAG cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về thời điểm phát hành, tỷ lệ chuyển đổi...

Ông Điệp kỳ vọng, kết quả kinh doanh khả quan của NAG trong năm 2010 (9 tháng đầu năm hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm), với hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định, những dự án lắp đặt hệ thống điều hoà lớn tại các công trình trong những tháng cuối năm sẽ là động lực thu hút vốn của doanh nghiệp.

Tại CTCP Licogi 16.6 (LCS), ngày 3/11 vừa qua, HĐQT đã thông qua việc tổ chức ĐHCĐ bất thường về việc phát hành 3,9 triệu cổ phiếu, nhằm huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch nhẹ block bê tông bọt tại Xuân Mai và một số dự án khác. Đại diện LCS cho biết, phương án phát hành sẽ được xây dựng một cách chi tiết để có thể huy đông được vốn.

Tương tự, ĐHCĐ bất thường CTCP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà (SDP) cũng vừa thông qua việc phát hành 7 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 80 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 12.000 đồng/CP; phát hành 3 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, với giá 15.000 đồng/CP.

Đại diện SDP cho rằng, cổ đông nên xem xét kỹ tính hiệu quả của các dự án mà doanh nghiệp triển khai, không nên đánh đồng mọi đợt phát hành. Đối với SDP, NĐT có thể đặt kỳ vọng ở mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành là đầu tư dự án Khu dân cư Vĩnh Thanh - Nhơn Trạch - Đồng Nai, dự án đầu tư mở rộng dây chuyền nghiền đỏ tại Quốc Oai, Hà Nội.

Trước nguy cơ thất bại của các đợt phát hành, đại diện một đơn vị tư vấn phát hành khuyến nghị: doanh nghiệp nên kéo dài khoảng cách giữa 2 đợt phát hành; tổ chức tư vấn nên sát sao hơn trong công tác tư vấn phát hành; cơ quan quản lý thay vì chỉ phê duyệt hồ sơ cũng nên khuyến nghị doanh nghiệp ấn định mức giá phát hành phù hợp.