Doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để làm gì?

Doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để làm gì?

(ĐTCK) Mặc dù biết chắc sẽ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh từ giữa năm, nhưng nhiều DN niêm yết chờ đến quý IV, thậm chí gần kết thúc năm mới công bố thông tin này.

Bất ngờ từ lãi sang lỗ

Đầu tháng 11/2012, CTCP Coma 18 (CIG) công bố biên bản Nghị quyết ĐHCĐ, thông qua lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012. Theo đó, doanh thu sẽ giảm từ 143 tỷ đồng xuống còn 71,9 tỷ đồng, lợi nhuận từ 18,75 tỷ đồng xuống âm 10 tỷ đồng.

Doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để làm gì? ảnh 1

CIG vừa điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2012 xuống âm 10 tỷ đồng

Trước đó, HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) thông qua việc điều chỉnh kế hoạch lãi sau thuế năm 2012 từ 12,5 tỷ đồng thành lỗ gần 23 tỷ đồng. Theo PTC, nguyên nhân điều chỉnh không có gì khác ngoài hoạt động kinh doanh của Công ty giảm sút là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, khiến giá vốn hàng bán tăng đột biến. Ngoài ra, các công ty con hoạt động yếu kém, tồn đọng công nợ, đồng thời hoạt động liên kết, liên doanh bị thua lỗ.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các DN niêm yết trên hai sàn có thể thấy, số lượng DN thua lỗ ngày càng tăng. Một số DN dù chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhưng kịch bản thua lỗ đang dần hiển hiện như CTCP Hạ tầng xây dựng Sông Đà (SDH), 9 tháng đầu năm lỗ lũy kế 20,76 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận 14,2 tỷ đồng trong năm 2012 bây giờ trở thành là con số “trong mơ” đối với SDH. Lật lại kịch bản từ lỗ sang lãi cũng là điều quá khó đối với Công ty, khi mà hoạt động kinh doanh không có dấu hiệu đột biến, các dự án kỳ vọng mang lại lợi nhuận vẫn nằm im như Dự án Khu công nghiệp Yên Phong II - Bắc Ninh, Dự án khách sạn và nhà ở 2,7 héc-ta tại phường Vũ Ninh - Bắc Ninh, Dự án văn phòng và nhà ở tại số 5 Lạc Long Quân - Hà Nội.

Một số DN khác đã xác định sẽ lỗ trong năm 2012 như CTCP Chứng khoán Sacombank (SBS) lỗ 663 tỷ đồng, CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) lỗ gần 10 tỷ đồng, CTCP Vận tải Vinaconex (VCV) lỗ 19,5 tỷ đồng…

Mỗi DN khi quyết định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận đều có lý do và lý do chung là tình hình kinh tế khó khăn tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của DN. Thực tế, nhiều DN đã lường trước được khả năng không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra, thậm chí ước được khoản lỗ ngay trước mắt, nhưng tại sao phải chờ đến thời điểm này, thậm chí gần cuối năm mới công bố?

 

Điều chỉnh kế hoạch KD để làm gì?

“Đằng nào thì cũng không hoàn thành kế hoạch, xin điều chỉnh giảm lợi nhuận thì rất mất thời gian, thâm chí tốn kém khi phải gửi văn bản xin ý kiến cổ đông. Tình hình khó khăn chung, chứ không riêng gì DN chúng tôi. Công ty vẫn có thể cân đối thu chi và không bị thua lỗ đã là điều đáng mừng”, một lãnh đạo DN niêm yết kinh doanh trong ngành thép chia sẻ với ĐTCK. Chính vì vậy, mặc dù xác định sẽ không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, nhưng DN không công bố chính thức việc thay đổi kế hoạch lợi nhuận.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 80 tỷ đồng trong năm 2012 là điều rất khó và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Công ty. Mặc dù vậy, Công ty chưa tính đến việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Một số DN đưa ra ý định điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của cổ đông lớn, nên lại để nguyên. Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bibica (BBC) cho biết, Công ty dự kiến điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế năm 2012 từ 50 tỷ đồng xuống hơn 40 tỷ đồng, nhưng một số cổ đông lớn của Công ty chưa đồng tình vì cho rằng, việc điều chỉnh giảm khoảng 15% không có nhiều ý nghĩa.

Theo nhiều NĐT, việc DN điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh chỉ có lợi đối với ban lãnh đạo DN, vì không có gì ngoài mục đích giảm áp lực cho ban lãnh đạo và tự tin khi tổng kết cuối năm. Cụ thể, kết quả kinh doanh dù sụt giảm mạnh so với năm trước, nhưng trong báo cáo vẫn ghi là “đạt”, thậm chí “vượt” kế hoạch kinh doanh nên các khoản thù lao, thưởng với HĐQT, ban lãnh đạo khó bị giảm. Còn đối với cổ đông thì không có lợi gì, thậm chí là thêm phần mất mát do giá cổ phiếu giảm.