Hoạt động sản xuất của Công ty Sao Xanh (Long Thành, Đồng Nai) hiện chỉ ở mức 70% công suất.

Hoạt động sản xuất của Công ty Sao Xanh (Long Thành, Đồng Nai) hiện chỉ ở mức 70% công suất.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa co cụm vì lãi suất cao

Bán công ty chuyển sang làm việc khác hoặc tiếp tục sản xuất cầm chừng đang là những cân nhắc của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng trên là lãi suất vay thời gian qua đã vượt quá sức chịu đựng của họ.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình trên tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn việc phát triển thị trường nội địa, do các nhà sản xuất trong nước không còn động lực để mở rộng hoạt động.

 

Ba câu chuyện có chung mẫu số

 

Chỉ tay vào bốn dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và thủy sản của nhà máy ở Đồng Nai, ông Trần Tấn Thuật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Xanh, nói: “Công suất không duy trì được phong độ như trước mà đã giảm xuống còn 70% bởi thị trường đang khó thì gặp tiếp cú sốc lãi suất cao, vay vốn lưu động để làm ăn không có lợi”.

 

Chỉ mới hơn 11 giờ trưa nhưng nhà máy đã yên ắng, dường như công nhân đi ăn trưa sớm hơn thường lệ. “Bây giờ lợi nhuận 2% đã khó thì làm sao ai dám đi vay với lãi suất 17-18% để đầu tư. Anh em trong ngành đều co cụm lại hết. Chúng tôi phải hoạt động cầm chừng để chờ thời là chính”, giọng ông Thuật chùng hẳn.

 

Kỳ vọng lãi suất thấp hơn

 

Liên quan đến các mức lãi suất cho vay thỏa thuận Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 10/4, bà Bùi Thị Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Trí Long (chủ nhãn hiệu thời trang trẻ em Narabeen), cho rằng, các mức lãi suất cho vay tối đa mà ngân hàng đưa ra trong khoảng 14,5-18%/năm đã có thể tạm chấp nhận. Tuy nhiên, với mức lãi suất này khi làm hàng mới, doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán để cân đối giá thành đầu vào, đầu ra.

 

“Chúng tôi kỳ vọng sắp tới lãi suất sẽ giảm xuống mức dễ chịu hơn. Nếu được vay ở mức lãi suất 12-14%/năm thì chúng tôi sẽ giữ nguyên được giá đầu ra, không lo mất lợi thế cạnh tranh với hàng ngoại”, bà Tú cho biết.

Theo ông Thuật, Sao Xanh gần như phải dừng lại các khoản đầu tư lớn trước đây đã lên kế hoạch mà chỉ tập trung vào những cái cần thiết. Trước đó, do nhu cầu mở rộng thị trường, công ty không chỉ mở rộng, tăng năng suất nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và chăn nuôi gia súc ở Đồng Nai mà còn xây thêm nhà máy mới với vốn đầu tư 100 tỷ đồng ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, dù đã nhập máy móc về nhưng hiện công ty chỉ dám đầu tư khoảng 60%.

 

Dự án này đã khởi công năm 2008, xây dựng được 3-4 tháng thì gặp phải khủng hoảng kinh tế phải chững lại, qua năm 2009 nhờ chính sách lãi suất ưu đãi của Nhà nước định tiếp tục làm nhưng chần chừ vì thị trường chưa phục hồi. “Không ngờ qua đến năm nay lãi suất cao quá không thể đầu tư tiếp”, ông Thuật tâm sự.

 

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với CTCP Giấy Sài Gòn (SGP). Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT công ty này cho biết, SGP cũng đang “vướng” khi dự án Nhà máy giấy Mỹ Xuân công suất 230.000 tấn/năm trị giá 100 triệu USD đến cuối năm nay mới có thể đi vào hoạt động thay vì hoàn tất từ năm ngoái.

 

Dự án khởi công vào cuối năm 2007 và bị vướng lãi suất thời điểm đỉnh của năm 2008 lên đến 21%, qua năm 2009 niềm vui được hỗ trợ lãi suất cũng kéo dài chẳng bao lâu thì nay lại phải đối mặt với lãi suất cao.

 

“Các doanh nghiệp không chỉ mất lợi nhuận mà khả năng mở rộng thị trường nội địa cũng chững lại vì chi phí đầu vào tăng, gánh nặng từ phần lãi suất cao đã quá sức chịu đựng”, ông Vị nhấn mạnh.

 

Lên kế hoạch đầu tư bốn tổng kho chuyên về sơn gỗ, phân phối đồ gỗ, nguyên phụ liệu ngành gỗ tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng từ đầu năm 2010 nhưng vì lãi suất tăng quá cao nên Công ty Oseven (Bình Dương) phải xem lại kế hoạch đầu tư dù trước đó đã tính toán phải hoàn thành việc mua và chuẩn bị mặt bằng xây dựng xong từ tháng 4.

 

“Đến giờ chỉ mới có hai khu đất đã mua xong do ngân hàng không thể tiếp tục hỗ trợ được với lãi suất thấp. Chưa kể vốn vay để mua nguyên phụ liệu sản xuất sơn cũng gặp khó khăn”, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Oseven, nói.

 

 

Lỡ cơ hội

 

Ông Kevin Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Tho (TP.HCM), nói về đơn hàng gần 10.000 tấn lúa mì, bã đậu nành và một số nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đã có khách hàng đăng ký sẵn và giao hàng trong năm nay: “Làm trong ngành này nhiều năm nhưng nay chúng tôi mới có một vụ lớn như thế. Vậy mà cuối cùng cũng đổ bể”.

 

Theo ông Thơ, nguyên nhân do nhà cung cấp yêu cầu phải đặt cọc trước một khoản tiền. “Vay ngân hàng chúng tôi phải chịu lãi suất tới 18%/năm là việc không thể. Đã hơn một tháng qua, công ty chưa giải quyết được phần vốn mà nhà cung cấp nguyên liệu yêu cầu. Vì thế đầu vào không xong, đầu ra cũng rút lui”, ông Thơ tiếc rẻ.

 

Còn ông Nguyễn Gia Vinh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Gia (Bình Phước), cho biết, khá nhiều đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Mỹ gửi về nhưng không dám nhận do vay vốn ngân hàng lãi suất cao, làm sẽ không có lãi.

 

Hồi đầu năm 2010 công ty đã xuất khẩu một đơn hàng giá trị cao nhưng phải chịu lỗ nặng do ở thời điểm thực hiện hợp đồng, các yếu tố tác động đến giá thành sản phẩm tăng đột biến (trong đó đặc biệt là lãi suất).

 

“Năm 2009 lãi suất ưu đãi thì đơn hàng không nhiều, nay các đơn hàng đến dồn dập nhưng chúng tôi liên lục phải từ chối. Bỏ lỡ 3-4 đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp đã mất đứt vài trăm ngàn USD”, ông Vinh than.

 

Có lẽ bi đát nhất là các doanh nghiệp kinh doanh gas, bởi rất nhiều đơn vị nếu muốn tiếp tục kinh doanh phải đầu tư mạnh để đạt được những điều kiện mới theo Nghị định 107 có hiệu lực từ giữa tháng Giêng, cho “ân hạn” đến hết tháng 9.

 

 “Để đạt điều kiện mỗi doanh nghiệp kinh doanh có 300.000 bình gas, kho chứa, cầu cảng... chúng tôi phải “chạy” cho ra hàng trăm tỷ đồng. Trong bối cảnh này đúng là tiến thoái lưỡng nan”, chủ một doanh nghiệp tư nhân than.

 

Một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã bán nhà kho và đang đàm phán bán tiếp hệ thống phân phối, trạm chiết của mình vì cho rằng thời điểm này đầu tư thêm là không có lợi.

 

 

Khách hàng bỏ đi

 

Giám đốc một doanh nghiệp đồ gỗ tại Bình Dương cho biết, thiệt hại tính thành tiền của công ty là khoảng 4 tỷ đồng mỗi tháng do dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Đắk Nông bị chậm lại ba tháng so với dự tính ban đầu. Nguyên nhân chính do số vốn vay mới phải trả lãi suất cao và các hợp đồng cung cấp tín dụng cũ chậm được giải ngân.

 

Do lãi suất vay cao nên một số DN chọn cách tăng giá nhưng kết quả là mất khách hàng. Ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Long Việt, cho biết, ngay sau khi tăng giá, một số khách hàng đã hủy hợp đồng và chuyển sang mua hàng của Trung Quốc, Thái Lan do giá rẻ hơn.

 

Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm ở TP.HCM cho biết, đang đứng ngồi không yên vì đã ký được hợp đồng cung cấp 400 tấn thịt gà cho các đối tác chế biến thực phẩm và lẽ ra bắt đầu tung hàng ra bán từ cách nay gần một tháng.

 

Nhưng theo lời của lãnh đạo công ty này, ngân hàng đòi lãi suất 18-19%/năm nên chuyện vay đang phải tính lại. Sau khi tính toán với mức lãi suất này, lãi không đáng để đầu tư, doanh nghiệp này định tăng giá lên thêm 3-5% nhưng vẫn chưa thể gút lại thương thảo với ngân hàng và cả các nhà phân phối.