Đội ngũ lãnh đạo DN là một trong những yếu tố NĐT nhìn vào để ra quyết định đầu tư - Ảnh: Hoài Nam

Đội ngũ lãnh đạo DN là một trong những yếu tố NĐT nhìn vào để ra quyết định đầu tư - Ảnh: Hoài Nam

Doanh nghiệp và những cuộc “đổi tướng”

(ĐTCK-online) Gần đây, Báo ĐTCK nhận được không ít ý kiến phản ánh của nhà đầu tư về DN mà họ đang nắm giữ cổ phiếu có những cuộc "đổi tướng", khiến họ cảm thấy bất an như tại CTCP Xây dựng và giao thông Tiền Giang (chào sàn HOSE vào ngày 11/7 tới, với mã THG), CTCP Đầu tư thương mại xây dựng giao thông 1 (Trico), CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC).

Thậm chí, dù "đổi tướng" từ cách đây vài năm, nhưng tại ĐHCĐ mới đây, cổ đông của Công ty Sở hữu trí tuệ Investip (sau đây viết tắt là Investip) vẫn bày tỏ sự nghi ngại về khả năng lãnh đạo của đội ngũ mới, khi kết quả kinh doanh từ khi "cầm quyền" đến nay ngày càng giảm tốc, trong khi Công ty thiếu minh bạch, công khai trong công bố thông tin.

Tại trang web sanotc.com có một chủ đề tranh luận về những gì đang diễn ra tại THG. Theo một số cổ đông của THG, việc ban điều hành DN có thêm những nhân vật mới từ nhóm cổ đông lớn là bình thường. Nhưng điều đáng nói ở đây đó là sau khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Hưng Phát (Hưng Phát) thì đội ngũ ban lãnh đạo cấp cao cũ tại THG gần như rã đám khi từ nhiệm đồng loạt, khiến cổ đông hiện hữu lẫn người lao động không khỏi lo ngại về tình hình hoạt động kinh doanh thời kỳ hậu "đổi tướng".

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo ĐTCK, nhóm cổ đông Hưng Phát nắm giữ hơn 30% cổ phiếu THG, được quyền đề cử 3 thành viên vào HĐQT và có 2 người đắc cử. Với sự hợp sức của 2 thành viên HĐQT khác của THG, nhóm cổ đông Hưng Phát đã có 4/7 vị trí trong HĐQT THG.

Ngày 16/6/2011, HĐQT THG đã chấp thuận đơn từ nhiệm của 6 cán bộ quản lý cấp cao và bổ nhiệm ông Phạm Văn Nghiệp (đã lớn tuổi) làm Tổng giám đốc.

Theo đại diện của 1 trong 6 cán bộ kể trên thì nhóm cổ đông Hưng Phát đã đưa họ vào thế phải rời bỏ vị trí tại THG trước ngày 30/6. "Thực ra, những người từ nhiệm vẫn rất tâm huyết và muốn ở lại để tiếp tục điều hành DN theo định hướng chiến lược mà họ đã dày công hoạch định, chỉ biết tập trung vào công tác sản xuất - kinh doanh, tạo thêm nhiều giá trị cho công ty, cổ đông, không quan tâm đến diễn biến giá cổ phiếu. Chúng tôi không phân định đúng sai ở đây, nhưng thấy không hợp nhau về quan điểm điều hành, mục tiêu phát triển, nên có ở lại cũng không làm được gì cho cổ đông", ông Lê Văn Hưởng, Phó tổng giám đốc Phụ trách nội chính của THG cho biết lý do ra đi.

Năm 2010, theo báo cáo hợp nhất công ty mẹ, dù không đạt so với kế hoạch ban đầu đề ra, nhưng THG đạt 218,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 39,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (vốn điều lệ 80 tỷ đồng). Năm 2011, THG đặt kế hoạch doanh thu 530 tỷ đồng, lợi nhuận 43,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý I/2011, Công ty chỉ lãi trên 200 triệu đồng. Nhiều cổ đông và người lao động tại THG đặt câu hỏi, việc thâu tóm quyền lãnh đạo nêu trên liệu có cải thiện được kết quả hoạt động của Công ty?

Câu hỏi trên cũng đặt ra với cổ đông cũng như người lao động tại Trico (thuộc Cienco 1), khi mới đây, ông Vũ Kim Chung bị buộc thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT, sau sự xuất hiện của cổ đông lớn là chủ một DN tư nhân cùng ngành nghề. Một số nhân sự dưới quyền ông Chung cũng buộc phải ra đi.

Theo một số cổ đông của Trico, với sự cầm quyền của ban lãnh đạo mới, Công ty có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, xét từ kết quả kinh doanh trong trước mắt, khi ban điều hành mới có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại, liệu những giá trị đó có ổn định và bền vững? Thực tế tại Investip là một ví dụ.

Từ khi Investip chính thức rơi vào tay một nhóm cổ đông lớn (trúng đấu giá cổ phần khi DN cổ phần hóa), ban lãnh đạo cũ đã bị cưỡng bức ra đi. Sau đó, tình hình kinh doanh của Investip ngày càng sụt giảm. Trong khi đó, quỹ lương tăng lên đột biến. Tại nhiều kỳ đại hội, cổ đông liên tiếp chất vấn về nghịch lý này, nhưng không được ban lãnh đạo mới giải đáp thấu đáo. "Những gì đang diễn ra tại Investip, với sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin, đang khiến chúng tôi, những cổ đông nhỏ dần xói mòn niềm tin vào ban lãnh đạo và quan ngại về nguy cơ Công ty bị 'rút ruột', rơi vào túi riêng của ban điều hành", một cổ đông Investip nói.