Fiat mở rộng tham vọng toàn cầu

Fiat mở rộng tham vọng toàn cầu

(ĐTCK-online) Tổng giám đốc (CEO) Sergio Marchionne của Fiat vừa thổ lộ tham vọng biến hãng xe hơi của Ý này trở thành một công ty sản xuất xe hơi có tầm vóc toàn cầu, trước hết là bằng cách thâu tóm đa số cổ phần Hãng Chrysler của Mỹ.

Kế hoạch này được vạch ra khi doanh số bán của Chrysler tăng nhanh hơn mức trung bình của cả ngành công nghiệp xe hơi Mỹ và chuẩn bị cho ra đời dòng xe mới nhỏ hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Những điều này chính là động lực cho Fiat đẩy nhanh tốc độ kế hoạch tăng mức cổ phần nắm giữ tại Chrysler từ 20% lên 51%.

“Tôi nghĩ đây là điều có thể xảy ra. Tôi không biết khi nào sẽ thực hiện việc này, nhưng có thể chúng tôi sẽ nắm trên 50% cổ phần nếu Chrysler quyết định niêm yết vào năm 2011”, Marchionne, người đồng thời cũng đang là CEO của Chrysler trả lời phỏng vấn nhân dịp Fiat Industrial, gồm Công ty phương tiện nông nghiệp và xây dựng CNH và Công ty xe tải Iveco, bắt đầu niêm yết và trở thành một thực thể độc lập hôm thứ Hai tuần này. Giá mở cửa của Fiat Industrial đạt 9 euro (12,03 USD/CP), trong khi đó, Fiat SpA, gồm Công ty ô tô Fiat Group Autos cùng Maserati và Ferrari, mở cửa với giá 7,10 euro/CP.

Hãng xe hơi Ý này đã có trong tay 20% cổ phần của Chrysler LLC vào năm 2009 - sau khi Chrysler vượt qua nguy cơ phá sản - bằng cách chuyển giao công nghệ sản xuất các dòng xe nhỏ và động cơ sạch, đồng thời bao gồm cả việc quản trị điều hành cho hãng xe Mỹ. Theo các chuyên gia, việc thâu tóm này sẽ tiến hành qua 3 bước, mỗi bước thêm 5% và đạt 35% trong năm nay. Tuy nhiên, để đạt mức nắm giữ 51%, Fiat phải thanh toán các khoản nợ Chính phủ Mỹ và Canada cho Chrysler.

Chuyên gia phân tích Philippe Huchois của Hãng UBS cho rằng, đây là điều rất có thể xảy ra và việc trả nợ này có thể sẽ rơi vào đầu quý II/2011, qua đó sẽ cho phép Fiat mua thêm 16% cần thiết với giá rẻ để hoàn tất kế hoạch thâu tóm Chrysler khi hãng này lên sàn.

Huchois cũng dự đoán, Chrysler sẽ trả được khoảng 2 tỷ USD trong tổng khoản nợ 6,9 tỷ USD này vào tháng 10 năm nay.

“Họ cần phải tìm kiếm các ngân hàng sẵn sàng cho vay tiền”, Huchois nhận xét và nói thêm, thị trường ô tô Mỹ đang khởi sắc và doanh số bán của Chrysler sẽ hỗ trợ triển vọng này.

Doanh số bán của Chrysler đã được hỗ trợ bởi các mẫu xe mới, trong đó có Jeep Grand Cherokee, trong khi 12 mẫu xe do Fiat sản xuất hoặc dựa trên các sàn xe của Fiat được dự kiến sẽ xuất xưởng trong vòng 2 năm tới.

Theo các nhà phân tích, động thái tiếp theo của Marchionne là đưa Chrysler quay trở lại TTCK Mỹ, có khả năng là vào nửa cuối năm nay. Thậm chí, một số còn dự đoán, 2 công ty sẽ sáp nhập, dù Marchionne khẳng định chưa có kế hoạch sớm cho việc này.

 Bên cạnh các kế hoạch với Chrysler, Fiat Industrial cũng tiến hành các hoạt động khác trong chiến lược mang tính toàn cầu, như cho “ra riêng” các mảng sản xuất phương tiện phục vụ nông nghiệp, xây dựng…, ghi một dấu mốc lịch sử cho công ty xe hơi 111 tuổi này. Đây là một bước tiến đột phá giúp hiện thực hóa tham vọng của Marchionne là cùng với Chrysler đạt mục tiêu 6 triệu xe mỗi năm vào năm 2014.

Marchionne cho biết, việc chia tách này sẽ cho phép các công ty của Fiat hoạt động một cách rõ ràng và dễ tiếp cận các liên minh, đối tác hơn. Fiat dự kiến, công ty mới chuyên về ô tô sẽ đạt doanh thu 64 tỷ euro vào năm 2014, trong khi Fiat Industrial sẽ đạt doanh thu 29 tỷ euro.

“Do những biến đổi lớn của thị trường, chúng tôi sẽ không tiếp tục gắn kết các lĩnh vực không có cùng đặc tính kinh tế hoặc công nghiệp, trong khi đó, tách ra sẽ giúp các công ty này có thêm động lực kinh doanh”, Marchionne chia sẻ.

Tuy nhiên, kế hoạch đầy tham vọng của Marchionne đã vấp phải một số phản đối của người lao động tại Ý, nơi CEO này muốn nâng cao hiệu quả sản xuất được cho là đang trì trệ.

Fiat (tên đầy đủ là Fabbrica Italiana Automobili Torino) được thành lập năm 1899 tại Torino, Italia bởi Giovanni Agnelli. Năm 1900, nhà máy Fiat đầu tiên ra đời tại Carso Dante với 150 nhân công và đến năm 1904, logo hình ovan màu xanh của Fiat đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Bốn năm sau, Fiat tấn công thị trường Mỹ bằng một nhà máy sản xuất xe hơi, phụ tùng ô tô tại chính đất nước sản sinh ra xe hơi này. Fiat được đánh giá là hãng xe hơi chịu khó đổi mới công nghệ và liên tục vận động để thích nghi với nhu cầu của thị trường, qua đó giữ được sự ổn định trong hoạt động sản xuất và điều hành, bất chấp sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường.