GGG bất ngờ đốt cháy sàn UPCoM

Kinh doanh thua lỗ liên tục và bị buộc hủy niêm yết trên sàn giao dịch chính thức, nhưng cổ phiếu GGG của Công ty cổ phần Ô tô Giải Phóng (GMC) đã bất ngờ trở thành “điểm nóng” từ khi giao dịch trên sàn UPCoM.
GGG bất ngờ đốt cháy sàn UPCoM

GGG bắt đầu chính thức giao dịch trên UPCoM từ phiên ngày 15/8 với giá tham chiếu 1.100 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, GGG liên tục cháy hàng và tăng trần liên tục. Đến phiên ngày 21/8, cổ phiếu GGG đã lên mức 1.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu GGG đã tăng giá gần 70% chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch. Thế nhưng, động vào cổ phiếu GGG cũng rất dễ “bỏng lạnh”, bởi sau 5 phiên bốc hỏa, GGG lại bất ngờ giảm sàn trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

Trước đó, GGG là một cổ phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến hết năm 2013 là năm thứ ba lỗ liên tiếp, nên theo Điều 14, Nghị định 14/2007/NĐ-CP (ngày 19/1/2007) và theo quy chế niêm yết tại HNX, Công ty buộc phải hủy niêm yết.

Theo báo cáo tài chính năm 2013, Ô tô Giải Phóng đã lỗ 67,9 tỷ đồng sau khi đã lỗ hơn 27 tỷ đồng vào năm 2012.

Nói về nguyên nhân thua lỗ 3 năm liên tiếp của GMC, tại thời điểm tháng 4/2014, ông Nguyễn Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty giải thích, ngoài tình hình kinh doanh khó khăn, còn do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán đối với GMC. Về phương án khắc phục, ông Cương cho biết, dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty sẽ thuận lợi hơn và có thể có lãi nếu được ngân hàng miễn và khoanh lãi vay.

Song sau đó không lâu, vào tháng 6/2014, “cuộc chiến” giữa GMC và SHS trong vụ tranh chấp khoản bảo lãnh phát hành đã ngã ngũ theo chiều hướng bất lợi cho GMC.

Cụ thể, tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định bác bỏ yêu cầu của GMC về việc yêu cầu SHS phải mua lại 50% số lượng cổ phần mà GMC không bán hết, tương đương 42.286.104 đồng (3.523.842 cổ phiếu x 12.000 đồng/cổ phiếu).

Trước đó, vụ việc đã được Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm đưa ra xét xử và tuyên án: Do cả hai bên đều có lỗi, nên GMC phải chịu 70% lỗi và SHS phải chịu 30% lỗi. Vì vậy, SHS phải mua 2.114.305 cổ phần của GMC với giá 12.000 đồng/cổ phần, tương đương 25.371.666.000 đồng. Tuy nhiên, cả GMC và SHS đều kháng án đối với bản án sơ thẩm trên lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.

Vụ việc trên bắt đầu từ giữa năm 2010, khi SHS và GMC ký hợp đồng tư vấn và bảo lãnh phát hành cổ phiếu. Sau đó, SHS và GMC lại tiếp tục ký cam kết bảo lãnh phát hành với nội dung “SHS sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu không phân phối hết cho cổ đông hiện hữu của GMC trong đợt phát hành này”.

Ngày 7/3/2011, SHS nhận được công văn ký ngày 3/3/2011 của GMC yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, giấy chứng nhận chào bán cổ phần ra công chúng của GMC đã hết hiệu lực, do vậy, SHS đã không thực hiện theo yêu cầu của GMC.

Trở lại động thái của cổ phiếu GGG trong thời gian gần đây, có thể thấy, dù GMC đang là công ty trong tình trạng thoi thóp, nhưng diễn biến cổ phiếu này cũng tạo ra không ít cảm xúc mạnh cho nhà đầu tư.

Sau cả giai đoạn dài giao dịch loanh quanh mốc khoảng hơn 1.000 đồng/cổ phiếu, từ tháng 12/2013, cổ phiếu GGG đột nhiên tăng vọt và đến đầu năm 2014, cổ phiếu này có lúc lên tới hơn 4.000 đồng/cổ phiếu. Theo các nhà quan sát, sự bùng nổ của cổ phiếu GGG cuối năm 2013, đầu năm 2014 liên quan đến quyết định của Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm với nội dung cho GMC đòi được một phần tiền bảo lãnh phát hành trong vụ tranh chấp với SHS.

Dù vậy, khi vụ án đưa lên tòa phúc thẩm, thì diễn biến ngày càng tỏ ra bất lợi cho GMC, cùng với việc Công ty công bố lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu GGG bị hủy niêm yết bắt buộc, thị giá của GGG đổ dốc như cỗ xe không phanh từ cuối tháng 3/2014 đến tháng 5/2014. Trong giai đoạn này, GGG đã “bốc hơi” đến 80% giá trị và trở về mốc 1.000 đồng/cổ phiếu.

Kịch tính đối với cổ phiếu GGG vẫn chưa dừng lại khi cổ phiếu này đốt cháy sàn UPCoM kể từ khi chuyển sang giao dịch tại đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nhà đầu tư nên cẩn trọng với cổ phiếu này, vì tình hình kinh doanh của GMC trong năm 2014 vẫn khá mờ mịt, trong khi đó, đây là cổ phiếu thanh khoản khá thấp, nên việc lướt sóng GGG rất dễ gặp rủi ro kẹt hàng.

Tin bài liên quan