(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hệ lụy từ cơ cấu cổ đông bất hợp lý

(ĐTCK-online) Không dễ lý giải thế nào là một cơ cấu cổ đông hợp lý, nhưng sẽ là bất hợp lý khi có độ vênh lớn trong cơ cấu cổ đông, với ban lãnh đạo DN nắm giữ lượng cổ phần quá ít ỏi. Không ít DN có cơ cấu cổ đông như vậy, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ tại DN, thậm trí bị thâu tóm…

Thua lỗ

"Không có cơ cấu cổ đông hợp lý, không có cổ đông lớn gắn bó quyền lợi và trách nhiệm với CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk - HNM), đó chính là căn nguyên của khoản thua lỗ gần 50 tỷ đồng trong năm 2008 của công ty này", ông Hà Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Hanoimilk thừa nhận tại ĐHCĐ tháng 4 vừa qua. Vị này cũng khẳng định, chính quan niệm "công ty cộng đồng" (công ty của nhiều người tham gia) đã ngự trị nhiều năm tại Hanoimilk đã làm giảm trách nhiệm cá nhân và vô tình tạo điều kiện cho việc "vắt sữa" Công ty (ngăn cản sự phát triển vốn có của Hanoimilk - PV).

Với lượng cổ phần ít ỏi, với những sai lầm, yếu kém về chiến lược và quản lý điều hành từ nhiều năm của ban lãnh đạo cũ đã đưa Hanoimilk đi chệch hướng. Cụ thể, HĐQT cũ có chủ trương mở rộng sản xuất - kinh doanh sang nhiều lĩnh vực, là khởi nguồn cho việc kinh doanh sữa thương mại bị thua lỗ. Hàng loạt dự án dở dang, hoạt động không hiệu quả; chủ trương sản xuất hàng giá rẻ và tìm kiếm các nhà cung cấp giá rẻ đã làm giảm uy tín và chất lượng sữa của Hanoimilk…

Tại ĐHCĐ năm ngoái, không phải đến khi chính thức từ nhiệm, mà trước đó nhiều năm, các cựu cán bộ chủ chốt tại Hanoimilk cũng chỉ nắm giữ một lượng cổ phần khiêm tốn so với quy mô 100 tỷ đồng vốn điều lệ (Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Kế toán trưởng chỉ nắm tổng cộng hơn 0,4%).

 

Bị thâu tóm

Không riêng Hanoimilk, ngay từ khi cổ phần hóa năm 2006, một CTCP hoạt động trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã nhanh chóng bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông mới sở hữu trên 30% cổ phần, trong khi ban lãnh đạo công ty cũ chỉ nắm tổng cộng chưa đầy 0,5%.

Một điểm khác với Hanoimilk là trước khi bị thâu tóm, DN này hoạt động rất hiệu quả, nhiều năm liền lãi lớn, vượt cả vốn điều lệ (lãi 15 - 16 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 8 tỷ đồng), đồng thời là DN điển hình của Bộ Công nghiệp (cũ). Nhưng hiện tại, DN này làm ăn kém hiệu quả, năm 2009 chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng.

Cổ đông mới thì đồn đoán ban lãnh đạo mới đã "rút ruột" DN khi kê khai các khoản chi phí DN quá lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng, trả lương cán bộ - nhân viên quá cao…, khiến DN mất vị thế, thương hiệu đầu ngành dần chìm vào quên lãng. Còn cổ đông cũ (nắm giữ cổ phần từ trước cổ phần hóa cho đến nay) thì thầm trách cứ ban lãnh đạo cũ sao dễ dàng để nhóm cổ đông mới thâu tóm (nếu nắm giữ lượng lớn cổ phần thì việc thâu tóm khó có thể thành công).

 

Suýt bị đóng cửa

Mặc dù hoạt động hiệu quả với khoản lãi 75 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2009, nhưng CTCP F, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản dầu khí, là công ty "cháu" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhanh chóng bị cổ đông tổ chức nắm cổ phần chi phối (cổ đông X) chủ trương sáp nhập với một DN (là thành viên của X) hoạt động kém hiệu quả hơn rất nhiều.

Trước nghịch lý này, tháng 4/2009, hầu hết ban điều hành Công ty F (cả Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng giám đốc) đều xin từ nhiệm, khiến cán bộ - nhân viên cũng thôi việc hết sau đó. F phút chốc biến thành một DN hoàn toàn mới, chỉ khác là vẫn còn cổ đông chi phối X. Quý IV/2009, F thua lỗ. Điều đáng nói tại DN này là ban lãnh đạo mới (kể cả Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc) cũng nắm rất ít cổ phần và cũng giống như ban lãnh đạo cũ, ban lãnh đạo mới chịu sự chi phối, bị "giật dây" bởi cổ đông X, khiến công tác điều hành gặp khó.

Đến giữa năm 2009, cổ đông X có chủ trương giải thể Công ty. Ban lãnh đạo cũ giãi bày, nếu biết trước chủ trương giải thể này thì tại thời điểm có chủ trương sáp nhập (đầu năm 2009), họ đã tìm cách mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên, quyết không từ nhiệm, quyết không để một DN tốt, đang chờ ngày lên sàn, rơi vào cảnh buộc phải đóng cửa.

May mắn thay, PVN quyết định chuyển Công ty F thành DN thành viên của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), thay vì "biến mất" (do chủ trương sáp nhập hay giải thể trước đó).

 

Giải pháp

Có thể thấy, hệ lụy từ một cơ cấu cổ đông bất hợp lý (với diện hẹp là việc nắm cổ phần quá ít ỏi của ban lãnh đạo) là khó lường. Tuy nhiên, việc này có thể khắc phục được. Hanoimilk là một minh chứng. Ngay từ khi nhậm chức (tháng 4/2009), ban lãnh đạo mới của Hanoimilk đã tìm cách nâng dần tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đến tháng 9/2009, họ đã hoàn thành mục tiêu này khi hoàn tất đợt phát hành 2,5 triệu cổ phiếu mới và lựa chọn 2 cổ đông chiến lược, gắn bó quyền lợi và trách nhiệm với sự phát triển của Công ty. Hiện tại, Hanoimilk đã hình thành nhóm cổ đông nòng cốt hậu thuẫn và ủng hộ cho công cuộc cải tổ DN.

Thực tế cho thấy, thay vì "nước đến chân mới nhảy", việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần đang được ban lãnh đạo nhiều DN coi là một trong những biện pháp tiên quyết bảo vệ sự sống còn của DN, cũng như giữ gìn chiếc ghế của ban điều hành.