CEO HSBC Stuart Gulliver

CEO HSBC Stuart Gulliver

HSBC điều chỉnh chiến lược bán lẻ

(ĐTCK-online) Ngày 11/5/2011, ông Stuart Gulliver, 52 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) HSBC, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất thế giới của Anh đã chính thức công bố việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh của ngân hàng này.

Theo đó, trong vòng 2 năm tới, từ nay đến năm 2013, HSBC sẽ tiết kiệm khoản chi phí hoạt động từ 2,5 tỷ USD đến 3,5 tỷ USD. Đồng thời, HSBC sẽ thu hẹp một số mảng kinh doanh ở 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thậm chí vắng mặt ở một số thị trường.

Ông Stuart Gulliver nêu rõ, ở 37 thị trường như Nga, Ba Lan, Chile, Peru…, HSBC tỏ ra đuối sức hơn hẳn so với đối thủ ở mảng ngân hàng bán lẻ. Chỉ có ở Anh, Hồng Kông, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Singapore…, mảng ngân hàng bán lẻ của HSBC mới tỏ ra khá mạnh và mang lại lợi nhuận tốt. Nhìn chung, về mảng ngân hàng bán lẻ, HSBC gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh ở các quốc gia mới nổi hơn so với ở các nước công nghiệp phát triển.

“Chúng tôi sẽ không cố gắng làm tất cả mọi việc, mọi dịch vụ để phục vụ tất cả mọi người ở tất cả các thị trường. Chúng tôi sẽ phải phân bổ vốn tín dụng theo cách thức có kỷ luật và chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây. Chiến lược của HSBC là trở thành ngân hàng quốc tế hàng đầu, tập trung vào mảng cho vay thương mại, ngân hàng đầu tư và bán buôn”, ông Stuart Gulliver nhấn mạnh.

Ông Ronit Ghose, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ) chi nhánh tại London nhận xét, đây là quyết định táo bạo có tính đột phá nhất, đáng chú ý nhất kể từ khi ông Stuart Gulliver lên nắm quyền CEO vào tháng 1/2011. Nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của HSBC vẫn đang rất được. Cụ thể, trong quý I năm nay, lợi nhuận của HSBC đạt 4,153 tỷ USD (2,88 tỷ Euro), tăng 58% so với quý I/2010 (2,631 tỷ USD).

Ông Mark Phin, chuyên gia phân tích của Keefe, Bruyette & Woods Ltd. lại cho rằng: “Quyết định của ông Stuart Gulliver chỉ mang tính đột phá vừa phải, vì mấy năm qua, HSBC đã không đầu tư phát triển mảng ngân hàng bán lẻ theo kiểu dàn hàng ngang”.

Các nhà đầu tư thì tỏ ra hờ hững với quyết định của HSBC khi giá cổ phiếu của HSBC trong phiên giao dịch ngay sau đó tại Sở GDCK London (Anh), giảm 1,5%, xuống 6,46 bảng Anh/cổ phiếu.

Thực ra, chưa cần phải tuyên bố công khai việc điều chỉnh chiến lược này thì HSBC đã âm thầm thực hiện từng bước rồi. Cụ thể, mới đây, HSBC đã có quyết định hết sức khó khăn là dừng toàn bộ hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Nga.

Ông Huseyin Ozkaya, Giám đốc điều hành (CEO) HSBC Chi nhánh Nga cho biết, HSBC sẽ dừng ngay đối với các giao dịch mới, còn các tài khoản của đối tượng khách hàng cá nhân sẽ được xử lý theo sự thỏa thuận của hai bên. “Tín hiệu rất rõ ràng là hoạt động kinh doanh của HSBC ở thị trường Nga buộc phải thu hẹp lại, sẽ chỉ còn ở mảng phục vụ khách hàng doanh nghiệp và khách hàng tổ chức. Chúng tôi dừng phục vụ mảng ngân hàng bán lẻ và chỉ duy trì sự hiện diện của mình bằng văn phòng đại diện”, ông Huseyin Ozkaya nói.

Mới có mặt tại Nga từ tháng 6/2009, tức là chưa đầy hai năm, HSBC có 4 chi nhánh ở Matxcơva và một chi nhánh ở St. Peterburg  và không làm sao có thể địch lại được 2 đại gia bản xứ là VTB và Sberbank. Trong quý I năm nay, với tổng dư nợ tiền gửi của các khách hàng cá nhân là 6,4 tỷ ruble (230 triệu USD), HSBC chỉ lẹt đẹt ở vị trí 127 trong số các tổ chức tín dụng đang hoạt động ở Nga. Hơn nữa, HSBC cũng không lọt vào danh sách 20 ngân hàng nước ngoài đứng đầu ở Nga. Kết quả này hoàn toàn không tương xứng với vị thế và uy tín của HSBC trên trường quốc tế. Triển vọng cải thiện tình hình xem ra rất mù mịt, nên sách lược khôn ngoan là... tháo lui. Không chỉ HSBC, mà Ngân hàng Barclays (Anh) cũng phải rút lui khỏi Nga một cách “không kèn, không trống”. Ngay ở Mỹ, HSBC cũng đang gặp khó khăn. Năm 2003, HSBC mua lại bộ phận thẻ tín dụng Household International (Mỹ) với giá 15,5 tỷ USD và đổi tên thành HSBC Finance. Song bộ phận này làm ăn rất đuối, nên HSBC đang tìm đối tác để bán lại. Ngoài ra, HSBC cũng muốn bán đi 475 chi nhánh tại Mỹ.

Được thành lập năm 1865 tại Hồng Kông và Thượng Hải, HSBC có trụ sở chính ở London (Anh) và tập trung vào thị trường chính là khu vực châu Á. Tính đến hết năm 2010, HSBC có tổng cộng 295.061 nhân viên, giảm khá nhiều so với con số 315.520 người vào cuối năm 2007.

Giới truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết và bình luận về động thái trên. Tờ The Australian ( Australia ) đã rút tít khá hay là: “HSBC sẽ không còn là ngân hàng toàn cầu am hiểu địa phương (nguyên văn tiếng Anh là The world’s local bank) nữa”.