Khi “cơm chẳng lành…” giữa cổ đông lớn và CEO

Khi “cơm chẳng lành…” giữa cổ đông lớn và CEO

(ĐTCK-online) Hình thái công ty cổ phần phát triển trên nền một TTCK đang ngày càng mở rộng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xã hội hóa đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn. Tuy nhiên, mặt trái của hình thái này là ở chỗ nó có thể gây xáo trộn hoạt động chung của DN khi cổ đông lớn và Ban điều hành không còn đồng quan điểm và “sự đổi ngôi” của cổ đông lớn có thể diễn ra rất nhanh… Bài viết sẽ phác họa vài nét về cái sự “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa những người trực tiếp điều hành DN (tạm gọi chung là CEO) và cổ đông lớn.

Quyền lực cổ đông lớn

Công ty A thành lập cuối năm 2007, có vốn điều lệ gần 200 tỷ đồng với Ban giám đốc gồm 5 người và trên 5.000 cổ đông. Đang hoạt động rất hiệu quả (lãi trên 80 tỷ đồng trong 9 tháng, chuẩn bị niêm yết trên sàn vào quý IV/2009, dự kiến năm 2009 hoàn thành 200% kế hoạch doanh thu và trên 410% kế hoạch lợi nhuận), thì đột ngột bị xáo trộn vì nhóm cổ đông lớn (Công ty B) không còn “thích” Ban giám đốc đương nhiệm nữa. Các quyết sách của Ban lãnh đạo để tiếp tục đà phát triển của Công ty gần đây luôn bị người đại diện phần vốn can thiệp và cản trở.

Với tỷ lệ vốn lớn (nắm tới trên 25% vốn điều lệ, đồng thời là đại diện ủy quyền của trên 5.000 cổ đông - hầu hết là CBCNV của Công ty B, chưa hết thời hạn hạn chế chuyển nhượng), cổ đông lớn này đã dồn ép Ban lãnh đạo Công ty A (chỉ nắm chưa đầy 7% vốn) đến bước đường cùng là… đồng loạt xin từ nhiệm.

Mong muốn từ nhiệm của Ban lãnh đạo Công ty A nhanh chóng được HĐQT thông qua (HĐQT có 5 thành viên, trong đó có 4 người thuộc Công ty B). Đại hội cổ đông bất thường diễn ra với toàn đại diện ủy quyền (5.000 cổ đông ủy quyền cho 3 cá nhân) cũng “chốt” luôn việc thay đổi Ban lãnh đạo Công ty A. Kết cục, cán bộ chủ chốt Công ty A ra đi hết kéo theo gần 2/3 CBCNV thôi việc. Sự “thay máu” có phần đột ngột và không nhiều căn cứ thuyết phục như trên khiến nhiều người băn khoăn về tương lai Công ty A, không rõ sẽ tiếp tục đi lên hay là dấu hiệu của sự giải thể.

Tại một DN khác hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, CEO (Tổng giám đốc) cũng như ông Chủ tịch HĐQT vẫn phải chịu sức ép rất lớn từ một cổ đông lớn. Tháng 8 vừa qua, 2 vị CEO này buộc phải dừng triển khai 2 dự án Hastone Tower và Dự án Trung tâm Thương mại và Văn phòng Xuân La trong tiếc nuối. Vấn đề không phải là dự án không khả thi, thời điểm triển khai không phù hợp…, mà là đơn giản chỉ là người nắm cổ phần chi phối không muốn và đã ra công văn phản đối ngay cả khi dự án này chứng minh được khả năng sinh lời cao.

Sau đó, vị này buộc phải ký quyết định chuyển nhượng một số dự án theo kiểu “bán lúa non” cho 1 DN khác với khoản chênh lệch giá rất nhỏ. Chẳng hạn, dự án Hastone, được bán lại cho CTCP Đá ốp lát và xây dựng Hà Nội, với giá chuyển nhượng 33 tỷ đồng, lãi 1 tỷ đồng trong 3 tháng. Dự án Trung tâm Thương mại và Văn phòng Xuân La, với giá chuyển nhượng 9,88 tỷ đồng, lãi 380 triệu đồng…

Vươn tới ước mơ cổ đông lớn

Để các quyết sách của mình luôn được triển khai theo ý muốn, có lẽ cách duy nhất với người lãnh đạo DN là trở thành cổ đông chi phối hoặc ít nhất là cổ đông lớn, có tiếng nói trọng lượng trong số các “ông chủ” thực sự tại DN. Thực tế, nhiều DN niêm yết trên sàn hiện nay cũng gặp rắc rối trong mối quan hệ giữa cổ đông lớn và người điều hành. Một số lãnh đạo DN đã và đang tìm mọi cách để gia tăng lượng sở hữu cổ phần tại DN.

Tại CTCP Sữa Hà Nội (mã: HNM), trước sự đồng thuận của cổ đông, ban lãnh đạo mới của Công ty này đã nhanh chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu, trong khi trước đó, ban lãnh đạo cũ gồm HĐQT và Ban giám đốc chỉ nắm chưa đầy 7%. Thông qua việc điều chỉnh vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng (tương đương với 10 triệu CP) hồi tháng 9/2009, HNM đã hoàn tất việc bán 2,5 triệu CP cho đối tác chiến lược là CTCP Hoàng Mai Xanh và Công ty phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới- DPT. Đối tác này cũng do Ban lãnh đạo mới của HNM đang điều hành, trong đó có Chủ tịch HĐQT HNM. Với việc chọn đối tác chiến lược “ăn ý”, những người điều hành HNM chắc chắn sẽ tăng quyền kiểm soát lượng lớn cổ phần tại DN (HNM không có cổ đông Nhà nước, cổ đông bên ngoài nắm gần 85% vốn).

Tương tự, Chủ tịch HĐQT của một DN dược đang niêm yết trên sàn, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, sau khi bị cổ đông lớn là SCIC (nắm trên 30% vốn) phủ quyết phương án thưởng CP 2:1 cho cổ đông hiện hữu đã nuôi hy vọng được nắm nhiều hơn số CP hiện có chỉ gần 1%. Chỉ có cách tăng quyền làm chủ tại DN mới khiến những người điều hành DN cảm thấy “chắc chân” hơn và những quyết sách đưa ra cũng dễ được thông qua hơn.

Nắm lượng cổ phiếu ít, những người điều hành dù có dốc tâm cho sự phát triển của DN vẫn chỉ là người làm thuê và nguy cơ “mất việc” cũng chẳng kém gì một người… làm thuê thực thụ.