Kiểm soát chặt chẽ việc đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh của DNNN

(ĐTCK-online) Những thông tin liên tiếp về việc công ty nhà nước này mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới, hoặc tập đoàn nhà nước kia trở thành đối tác chiến lược với các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) ở các lĩnh vực hoạt động khác... đang tiếp tục khẳng định sức mạnh của xu thế đa dạng hoá kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Sự lớn mạnh phần nào của các DNNN đang được nhìn thấy rất rõ thông qua những kế hoạch kinh doanh ngày càng mở rộng hơn. Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế vĩ mô, các nhà phân tích cũng đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo, nhất là về năng lực và nguồn vốn kinh doanh của các DN đó.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích rằng, tới thời điểm này, DNNN vẫn tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi, điều kiện thuận lợi hơn so với các DN ngoài quốc doanh. Nếu như tính đến các cơ hội tiếp cận đất đai, tín dụng, được chỉ định thầu những công trình lớn thì có thể thấy, “cửa” vẫn rất hẹp cho các DN tư nhân. Chính vì điều này, theo ông Doanh, mô hình liên kết với các DNNN lớn và với các DN tư nhân lớn được lựa chọn và được coi là con đường đi ngắn nhất để các DN tư nhân có thể tiếp cận được các dự án quy mô lớn của Nhà nước, cũng như rút ngắn hơn thời gian tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh mới của các DNNN.

Không những thế, thêm một đặc điểm khá đặc thù nữa là, hiện có khá nhiều tập đoàn nhà nước lớn hoạt động theo những luật riêng của mình, nên cơ hội để Luật Cạnh tranh phát huy tác dụng trong thực tế với nhóm này là không cao. Hơn thế, cách tư duy, hành xử của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các DN trong và ngoài nhà nước, DN lớn

và nhỏ, vẫn chưa thực sự bình đẳng.

 

Do vậy, để nâng cao tầm ảnh hưởng, nhiều DN tư nhân phải tìm mọi cách để có thể trở thành “đối tác chiến lược”, hoặc trở thành công ty con của một tập đoàn, công ty mẹ nhà nước nào đó.

Trong bối cảnh đó, xu hướng liên kết, hợp tác của các tập đoàn, ngân hàng thương mại của Nhà nước trong các liên doanh, hợp vốn để thực hiện các dự án lớn cũng đang đưa đến những nhận định khác nhau. Một điều rõ ràng là, nguồn lực của các tập đoàn này lớn, nên việc có mặt trong các dự án trọng điểm của Nhà nước là dễ hiểu và thường dễ được chấp thuận. Không những thế, tiếng tăm và sức quảng bá của các “đại gia” sẽ được nhân lên rất nhiều khi cùng tham gia vào các dự án trọng điểm. Thực ra, việc đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh cũng là xu thế tốt để các DN tận dụng được mọi cơ hội của thị trường.

Phân vân rất lớn từ phía các chuyên gia kinh tế trong tình hình hiện nay là tính hiệu quả thực sự của sự liên kết này. Phần vốn của Nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, ngân hàng, các tổng công ty nhà nước được xác định mục tiêu trọng tâm, trọng điểm rất rõ ràng, và với nguồn vốn đó, Nhà nước sẽ đảm bảo được sự ổn định vĩ mô trong những lĩnh vực đã xác định theo các kế hoạch. Nhưng khi các DN nhà nước lớn cùng hùn vốn để đầu tư vào những lĩnh vực khác với chức năng được giao phó, vấn đề được đặt ra là, mục tiêu của phần vốn nhà nước trong các DN này sẽ như thế nào, liệu có dẫn đến sự lơ là đối với chức năng kinh doanh chính khi vốn nhà nước bị xẻ chia cho các dự án khác, quản trị DN sẽ được thực hiện như thế nào...

Cũng cần phải nói thêm rằng, quan điểm về việc các tập đoàn nhà nước thành lập các ngân hàng của mình hiện rất khác nhau. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi mô hình tổng công ty nhà nước được thí điểm, câu chuyện này đã được tranh luận nhiều. Ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu đối mới DNNN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, khi đó, cách làm này không được khuyến khích khi có sự khác biệt rất lớn trong quản lý, điều hành DN sản xuất và ngân hàng. Ông Nguyễn Quang A, thành viên HĐQT Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank) thậm chí còn lên tiếng báo động về tình trạng đó và cho rằng, các tập đoàn nhà nước cần thận trọng với mô hình đa dạng hoá khi trình độ quản lý chưa theo kịp.

Theo ông Doanh, trước khi đánh giá hiệu quả của sự đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, chủ sở hữu nhà nước nên quan tâm tới việc tập đoàn, DNNN đó đã sử dụng tiền của nhà nước đầu tư như thế nào, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực kinh doanh chính ra sao. “Sự có mặt của phần vốn nhà nước chính là một trong những yêu cầu khiến việc đa dạng hoá hoạt động của các tập đoàn nhà nước hiện nay cần phải được kiểm soát chặt chẽ, chứ không phải là vấn đề đa dạng hoá hay không”, ông Doanh nói.