Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái liên tục biến động như hiện nay, doanh nghiệp rất ngại vay vốn bằng ngoại tệ.

Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái liên tục biến động như hiện nay, doanh nghiệp rất ngại vay vốn bằng ngoại tệ.

Lãi suất huy động USD: sáng nắng chiều mưa

(ĐTCK-online) Đúng như dự báo của một số chuyên gia ngành ngân hàng đã đưa ra trong bài viết "Lãi suất huy động USD sẽ giảm nhiệt" đăng trên ĐTCK số 68 ra ngày 6/6/2008, hiện thị trường đang có những chuyển biến mới về lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, khác với lãi suất huy động bằng tiền đồng vẫn được các ngân hàng mạnh tay điều chỉnh tăng trong những ngày gần đây, có ngân hàng đẩy lên trên 19%/năm (đang áp dụng tại OCB); lãi suất huy động bằng USD bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt sau một thời gian lượng vốn huy động về bằng ngoại tệ của ngân hàng có phần dồi dào hơn.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - đơn vị chuyên cung cấp ngoại tệ cho các nhà xuất nhập khẩu - đã chính thức công bố cắt giảm lãi suất huy động vốn bằng USD trong chiều ngày 23/6. Theo đó, mức giảm tại Eximbank từ mức cao nhất 7%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn còn lại cũng có mức giảm dao động trong khoảng 0,5 - 1%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 5,8%/năm và 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Sở dĩ nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động USD, bởi thời gian gần đây có một bộ phận không nhỏ người dân chuyển đổi VND sang USD và gửi ngoại tệ này vào các ngân hàng, thay vì tiết kiệm nội tệ. Còn doanh nghiệp bắt đầu ngại vay ngoại tệ, cho dù lãi suất USD thấp hơn phân nửa so với tiền đồng, vì lo ngại rủi ro cao về sự biến động liên tục của tỷ giá hối đoái trong thời gian gần đây. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng của 3 tháng đầu năm.

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho rằng, thanh khoản vốn huy động bằng ngoại tệ của Ngân hàng trong tháng 6 đã có phần dồi dào hơn một tháng trước đó. Nhưng nhu cầu vay vốn bằng USD của các nhà xuất nhập khẩu bắt đầu giảm.

Thực tế, vay vốn bằng USD lãi suất thấp hơn 50% so với tiền đồng. Hiện lãi suất cho vay VND là 21%/năm, trong khi nếu vay bằng USD, khách hàng chỉ trả lãi khoảng 10 - 12%/năm. Thế nhưng, nếu tính rủi ro biến động của tỷ giá trong 2 tháng qua thì các doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ sẽ lỗ nặng. Chẳng hạn, nếu vay 100 USD vào đầu tháng 4 kỳ hạn 2 tháng, tỷ giá hối đoái lúc đó chỉ xấp xỉ 16.000 VND/USD thì đến giữa tháng 6/2008, người vay vốn phải mua USD với giá 19.500 VND/USD để trả cho ngân hàng, nếu không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Chỉ tính phần chênh lệch 1 USD, người vay đã lỗ đến 3.500 đồng, đó là chưa kể đến lãi suất vay vốn. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) cũng cho hay, thanh khoản vốn bằng ngoại tệ ở các ngân hàng đang dồi dào, nhất là trong những ngày cuối tháng 6/2008, sau làn sóng mua USD của người dân. Theo ông Tùng, với diễn biến của thị trường hiện nay thì việc điều chỉnh lãi suất ngoại tệ chỉ còn là thời gian. Các ngân hàng sẽ xem xét động tĩnh của nhau để cắt giảm chi phí đầu vào, khi đầu ra không còn rộng cửa và người vay vốn bắt đầu e ngại lãi suất cao.

Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Phạm Trung Cang cho biết, nếu các ngân hàng khác giảm lãi suất huy động USD thì ACB cũng không là ngoại lệ. Theo ông Cang, trong bối cảnh tỷ giá hối đoái liên tục biến động như hiện nay, doanh nghiệp rất ngại vay vốn bằng ngoại tệ. Bản thân ông cũng đang quản lý một doanh nghiệp trong ngành hàng nhựa xuất khẩu (Công ty Nhựa Tân Đại Hưng), phải nhập các nguyên phụ liệu để sản xuất nên ông rất hiểu những khó khăn của người vay vốn trong bối cảnh USD đang có giá so với VND và lãi suất tăng.

Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã có lúc lên đến 19.500 VND/USD. Giá USD ngân hàng bán ra cho doanh nghiệp cũng xấp xỉ mức trên, cho dù vẫn niêm yết quanh mức 16.620 VND/USD. Song song với cuộc đua lãi suất vốn bằng VND, các ngân hàng đã vào cuộc đua lãi suất huy động USD kể từ những ngày cuối tháng 4/2008, đẩy lãi suất lên mức cao nhất 8,4%/năm (đang áp dụng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - Ocean Bank). Trong khi đó, lãi suất cơ bản của USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang áp dụng chỉ có 2%/năm. Chính điều này đã góp phần tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ cất trữ ngoại tệ trong thời gian gần đây, vì cho rằng cất giữ USD sẽ được lợi kép, cả lãi suất cao và sự lên giá của đồng ngoại tệ.

Thế nhưng, theo ông Đào Hồng Châu, nguồn vốn huy động về không cho vay ra được thì ngân hàng không thể "ôm" để trả lãi cao cho người gửi tiết kiệm.