Hầu hết ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất huy động bằng ngoại tệ xoay quanh mức 7,5 - 7,8%/năm.

Hầu hết ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất huy động bằng ngoại tệ xoay quanh mức 7,5 - 7,8%/năm.

Lãi suất huy động USD sẽ giảm nhiệt

(ĐTCK-online) Trong bối cạnh thị trường đang khan hiếm tiền đồng, nhiều ngân hàng phải chật vật trong huy động vốn bằng ngoại tệ thì thời gian gần đây, do lo ngại lạm phát, nhiều người đã chuyển hướng từ VND sang ngoại tệ.

Nhu cầu mua ngoại tệ tăng cộng với lãi suất huy động được nhiều ngân hàng điều chỉnh lên mức cao song song với cuộc đua lãi suất tiền đồng. Đến nay, lãi suất huy động ngoại tệ đã chạm ngưỡng 8%/năm, tăng 3%/năm so với tháng trước và cao hơn 6%/năm so với mức lãi suất cơ bản đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang áp dụng là 2%/năm.

Chính những yếu tố trên đã tạo thêm cơ hội cho các ngân hàng trong quá trình thu hút vốn bằng ngoại tệ. Tổng vốn huy động bằng ngoại tệ từ đó cũng tăng cao. Ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành VIB Bank TP. HCM cho biết, trong 5 tháng đầu năm, vốn huy động bằng ngoại tệ của Ngân hàng tăng trên 40% so với đầu năm. Đặc biệt, kể từ khi lãi suất huy động bằng ngoại tệ lên mức cao nhất 7,2%/năm cho kỳ hạn 11 tháng, nguồn ngoại tệ đổ vào Ngân hàng nhiều hơn trước. Do đó, VIB Bank có thêm lượng cung để đáp ứng cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank cũng cho rằng, trong thời gian gần đây, lượng ngoại tệ huy động về của Ngân hàng lớn hơn so với những tháng đầu năm. Tính đến hết tháng 5/2008, tổng vốn ngoại tệ huy động của VP Bank quy đổi ra VND, đạt 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, so với 2 tháng trước, hiện nhu cầu vay USD của doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Trong khi đó, so với lãi suất tiền đồng, vay USD vẫn có lợi hơn, do lãi suất huy động đầu vào đối với ngoại tệ chỉ bằng phân nửa so với VND. Điều làm các doanh nghiệp lo ngại đối với việc vay USD hiện nay là rủi ro về tỷ giá.

Thực tế, tỷ giá hối đoái đã liên tục biến động trong những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2008. Trên thị trường tự do, có thời điểm 1 USD có thể "ăn" được 17.700 VND và đang tiến sát ngưỡng 18.000 VND/USD, cao hơn 500 VND/USD so với một tuần trước đó. Xu hướng mua ngoại tệ của người tiêu dùng vẫn gia tăng, trong khi cung lại cạn dần đã tạo lực đẩy giá USD lên cao so với VND.

Giả sử, nếu doanh nghiệp nhập khẩu vay USD vào cuối tháng 3/2008 kỳ hạn 2 tháng, mức lãi suất ngân hàng cho vay giai đoạn này phổ biến khoảng 8 - 9%/năm, cao nhất là 10%/năm và tỷ giá hối đoái chỉ là 15.500 VND/USD thì vẫn dễ thở hơn vay tiền đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2008, khi hợp đồng mà doanh nghiệp vay vốn bằng USD trong 2 tháng trước đến kỳ đáo hạn thì họ phải mua USD (trong trường hợp không có nguồn thu USD khác) với giá cao hơn rất nhiều để trả nợ ngân hàng. Mức chênh lệch về tỷ giá hối đoái cuối tháng 5 (xấp xỉ 18.000 VND/USD) so với cuối tháng 3 (khoảng 15.500 - 15.600 VND/USD) là 2.500 VND/USD.

Rủi ro trong vay vốn bằng ngoại tệ càng gia tăng khi đồng USD được giá so với VND. Chính điều này đã buộc các doanh nghiệp phải tính lại bài toán vốn. Còn ngân hàng đang chuẩn bị lên kế hoạch điều chỉnh lãi suất huy động USD. Theo đánh giá của ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank Việt Nam, nếu xu hướng trên tiếp tục kéo dài, buộc các ngân hàng phải tính lại bài toán lãi suất huy động USD. Vì nguồn vốn huy động về không cho vay hết, ngân hàng không thể để trong kho và trả lãi hàng tháng cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, điều đó còn phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của thị trường trong những ngày tới.

Trên thực tế, so với tiền đồng, lãi suất huy động USD hiện chỉ bằng phân nửa, nhưng nếu đem so sánh thời điểm đầu năm thì lãi suất ngoại tệ đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng nhanh. Hầu hết ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất huy động bằng ngoại tệ xoay quanh mức 7,5 - 7,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở xuống. Điều này hoàn toàn diễn biến trái chiều với xu hướng lâu nay của FED là khi lãi suất cơ bản đồng USD tăng, ngân hàng trong nước điều chỉnh tăng và ngược lại. Thế nhưng, FED đang áp dụng lãi suất cơ bản đồng USD là 2%/năm thì các ngân hàng trong nước lại điều chỉnh lên xấp xỉ 8%/năm. Vì vậy, theo nhận định của các ngân hàng, nếu nhu cầu vay vốn ngoại tệ của doanh nghiệp giảm thì việc cắt giảm lãi suất huy động USD chỉ còn là vấn đề thời gian.