Lãi suất huy động: vẫn trên “đường đua”

Lãi suất huy động: vẫn trên “đường đua”

(ĐTCK-online) Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân vào ngân hàng ngày một hạn chế, bởi so lạm phát 5 tháng đầu năm là 15,96 % với mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà ngân hàng đang áp dụng là 15,6%/năm thì người gửi tiền vẫn bị âm. Do đó, nguồn vốn nhàn rỗi đang dồn về thị trường vàng, đặc biệt là thị trường ngoại tệ, khiến tỷ giá hối đoái được đẩy lên nhanh chóng trong những ngày qua, đạt trên ngưỡng 17.000 VND/USD trên thị trường tự do. Để giữ chân khách hàng và tránh tình trạng tiền “chạy”, chỉ sau hai tuần giữ mặt bằng ổn định tương đối, các ngân hàng tiếp tục bước vào “vòng đua” lãi suất huy động mới, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi.

Rượt đuổi lãi suất huy động VND

Ngày 29/5, Sacombank chính thức áp dụng biểu lãi suất huy động mới trên toàn hệ thống. Theo đó, mức lãi suất huy động đối với VND áp dụng cho các kỳ hạn trên 13 tháng là 14%/năm (1,167%/tháng) và kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống là 14,1 - 14,4%/năm (1,175 - 1,2%/tháng). Đối với các khách hàng gửi từ 20 triệu đồng trở lên, ngoài lãi suất nói trên, Sacombank thưởng thêm lãi suất 0,24 - 1,8%/năm, tùy từng kỳ hạn. Mức lãi suất huy động vàng của Sacombank từ 3,6 - 5,5%/năm cho các kỳ hạn 1 - 36 tháng. Mặc dù là ngân hàng có quy mô, nhưng Sacombank đã phải ba lần điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi kể từ ngày 19/5, khi quy định trần lãi suất huy động được bãi bỏ.

Cũng trong ngày 29/5, OCBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới theo phương thức linh hoạt, kỳ hạn 12 tháng lên đến 15,36%/năm (1,28%/tháng). Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 4 của OCBank kể từ ngày 19/5, ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó mức tăng cao nhất so với biểu lãi suất cũ là 0,07%/tháng.

Ngày 30/5, Eximbank điều chỉnh lãi suất huy động lần thứ 4, với mức cao nhất là 15,3%/năm (cộng cả lãi suất thưởng). Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 14,1%/năm; 2 tháng: 14,196%/năm; 3 tháng: 14,4%/năm; 6 tháng: 14,496%/năm; 9 tháng: 14,556%/năm; 12 tháng: 14,7%/năm. Trước đó, trong ngày 28/5, Eximbank đã tăng lãi suất cho sản phẩm tiết kiệm hỗn hợp và tiết kiệm linh hoạt.

Trong ngày 30/5, SCB cũng tăng lãi suất huy động, đạt ngưỡng 16%/năm đối với VND. Bên cạnh lãi suất thông thường, SCB còn áp dụng nhiều chính sách tiền gửi linh hoạt nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng gửi tiền như: "Thưởng lãi suất bậc thang theo số dư tiền gửi" hay "Tặng thêm lãi suất cho các chủ thẻ tiết kiệm từ 50 tuổi trở lên". Tính đến hết tháng 5/2008, SCB là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường.

Còn NamA Bank, ngoài mức huy động 15,6%/năm cho kỳ hạn từ 3 - 12 tháng, ngân hàng này còn đang triển khai chương trình gửi tiền nhận thẻ cào trúng vé xem cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Nha Trang cùng nhiều giải thưởng khác.

SeABank cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động 16,5%/năm, nhưng là kỳ hạn 14 tháng và khách hàng phải cam kết không rút vốn trước 6 tháng.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, tăng lãi suất là tăng chi phí đầu vào, nhưng nếu không điều chỉnh thì tiền tiết kiệm sẽ “chạy” sang ngân hàng bạn có lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, ông Bình nhận định, lãi suất huy động sẽ khó chạm ngưỡng 16%/năm.

 

Lãi suất USD chạm ngưỡng 8%/năm

Để thu hút được nguồn ngoại tệ đang cất giữ trong dân cư, nhất là sau làn sóng người dân đổ xô mua USD vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ.

Đồng thời với việc tăng lãi suất huy động VND trong ngày 29/5, Sacombank cũng tăng lãi suất huy động USD, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là 7%/năm, dưới 6 tháng là 6,5 - 6,9%/năm. Khách hàng gửi từ 5.000 USD trở lên, ngoài lãi suất nói trên còn được hưởng lãi suất thưởng 0,05 - 0,3%/năm, tùy từng kỳ hạn.

ABBank áp dụng mức lãi suất tiền gửi bằng USD mức 7,6%/năm, phá ngưỡng kỷ lục của Techcombank trước đó là 7,5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Đối với các kỳ hạn ngắn ngày dưới 12 tháng, ABBANK áp dụng lãi suất USD ở mức 7% - 7,5%/năm. Nhưng tính đến ngày 30/5, SCB vẫn là NH huy động USD cao nhất, 8%/năm. So với lãi suất cơ bản của đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang áp dụng thì lãi suất tiền gửi ngoại tệ của NH trong nước cao hơn 6%/năm. 

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBank cho biết, mục đích của việc điều chỉnh lãi suất là để theo đuổi chiến lược cạnh tranh dài hạn, giữ khách hàng trên cơ sở Ngân hàng sẵn sàng chia sẻ lợi ích trong thời kỳ khó khăn. Theo ông Khánh, việc tăng lãi suất tuỳ thuộc vào chiến lược của các ngân hàng là nhằm vào lợi ích trước mắt hay lợi ích lâu dài. Với ABBank, Ngân hàng luôn chủ trương cân bằng hai lợi ích đó. ABBank tính toán mức lãi suất hợp lý để góp phần bù đắp thiệt hại về lạm phát cho khách hàng, nhưng Ngân hàng vẫn đảm bảo được khả năng sinh lời.

“Chúng tôi nâng lãi suất ở mức đảm bảo tính cạnh tranh và hấp dẫn để giữ vững niềm tin của khách hàng, đặc biệt là khách hàng thân thiết. ABBank sẽ tăng cường kiểm soát chi phí và tập trung tăng nguồn thu từ dịch vụ để tăng lợi nhuận cho cổ đông”, ông Khánh nói.

Song song với việc tăng lãi suất, ABBank tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi “Trở thành tỷ phú chỉ với 1 triệu đồng”, từ nay đến ngày 7/8.

Trước sự tăng mạnh lãi suất huy động ngoại tệ của các đơn vị bạn, ngày 26/5, ACB cũng điều chỉnh lãi suất huy động USD lên mức cao nhất là 7,15%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.