Lãi suất tiền gửi dần đi xuống

(ĐTCK-online) Đúng như dự đoán của nhiều người, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2008 chỉ tăng 1,56% và nhiều khả năng CPI những tháng tiếp theo còn giảm nhiệt khi giá xăng vừa được điều chỉnh giảm 1.000 đồng/lít. Trước diễn biến này, cộng với sự bình ổn trở lại của thị trường tiền tệ, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, đáng chú ý là các kỳ hạn dài ngày, lãi suất huy động đều được các ngân hàng hạ xuống mức trên dưới 17,5%/năm, thay vì khoảng 18%/năm như trước.

Chỉ tính riêng trong 2 tuần đầu tháng 8/2008, SeABank 2 lần giảm lãi suất huy động VND và USD. Lãi suất tiền gửi bằng VND cao nhất (cộng cả lãi suất bậc thang) đang áp dụng tại Ngân hàng chỉ còn 18,36%/năm cho kỳ hạn 3 tháng. Hầu hết ngân hàng (cả quốc doanh và cổ phần) đều có động thái cắt giảm lãi suất tiền gửi trong những ngày vừa qua. Trong đó, các kỳ hạn tiền gửi theo tuần đã được một số ngân hàng bỏ hoặc giảm lãi suất xuống mức khá thấp chỉ còn 13 - 15,5%/năm. Bên cạnh đó, tiền gửi bằng USD lãi suất cao nhất chỉ còn hơn 6%/năm.

Ngày 23/8, DongA Bank tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài ngày. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 - 12 tháng của DongA Bank chỉ còn 18 - 18,1%/năm so với mức cao nhất mà ngân hàng này đã áp dụng trước đó 18,5%/năm; kỳ hạn 13 - 36 tháng dao động ở mức 17,5 - 17,6%/năm. Các kỳ hạn ngắn 1 - 2 tháng cũng còn 17,5 - 17,6%/năm. Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, nếu diễn biến của CPI tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp và thị trường tài chính tiếp tục ổn định thì việc cắt giảm lãi suất tiền gửi là chuyện được tính đến, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí.

Trước đó vào ngày 18/8, Sacombank cũng thay bảng lãi suất tiền gửi mới áp dụng cho cả VND, USD và vàng. Hiện lãi suất VND mức cao nhất mà ngân hàng này áp dụng chỉ xấp xỉ 18%/năm; USD là 5,5%/năm kỳ hạn 13 tháng và 3,6%/năm là mức cao nhất áp dụng cho gửi vàng. So sánh với tháng trước, nhiều ngân hàng còn duy trì mức 7%/năm đối với USD kỳ hạn 12 tháng; 6,5%/năm cho huy động vàng… chứng tỏ khả năng thanh khoản của các ngân hàng lúc này không còn đáng lo ngại.

Đại diện một ngân hàng cho biết, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều trong những tháng còn lại của năm, mức cao nhất xoay quanh 18%/năm. Dự báo, từ quý IV/2008, tình hình kinh tế sẽ ổn định hơn nên các ngân hàng chào lãi suất chỉ ở mức 13,8%/năm cho các kỳ hạn trên 6 tháng. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho nền kinh tế vĩ mô và chính sách kiềm chế lạm phát.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc OCBank cho rằng, trong 7 tháng đầu năm, để đảm bảo thanh khoản cũng như giữ vững thị phần, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng quy mô nhỏ, phải tăng cao lãi suất huy động. Vì vậy, đến lúc này thị trường tiền tệ dần đi vào ổn định, lạm phát được kiềm chế, việc tính toán để tiết giảm chi phí đầu vào là việc mà các ngân hàng quan tâm nhất.

Theo đánh giá của ông Châu, tiền gửi tiết kiệm đã phần nào ổn định và không còn xảy ra tình trạng tiền "chạy". Người tiêu dùng cũng cảm nhận được việc rút tiền ra để gửi qua ngân hàng khác khi chưa đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm là không có lợi. Mặt khác, lãi suất cho vay hiện cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước nên nhiều khách hàng hạn chế vay vốn ngân hàng. Còn phía ngân hàng cho rằng, chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay (21%/năm) khó bù đắp chi phí nên tiếp tục giảm lãi suất.

Theo Cục Thống kê TP. HCM, sau khi lãi suất cho vay được điều chỉnh tăng bằng với mức trần cho phép, dư nợ tín dụng tháng vừa qua đã giảm 2,5% so tháng trước, còn vốn huy động tháng 8 tăng 2,7% so với tháng 7. Vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM tính đến đầu tháng 8/2008 đạt gần 542.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so đầu năm. Các ngân hàng đã dồi dào nguồn vốn, trong khi dư nợ cho vay lại không tăng nên động thái hạ lãi suất huy động chắc chắn sẽ còn diễn ra.    

Lãi suất tiền gửi dần đi xuống ảnh 1
Bảng lãi suất huy động tiền gửi VND và USD của ngân hàng tính đến hết ngày 20/8