Cuộc đua huy động ngoại tệ vô hình trung đã tiếp sức cho hành vi đầu cơ ngoại tệ.

Cuộc đua huy động ngoại tệ vô hình trung đã tiếp sức cho hành vi đầu cơ ngoại tệ.

Lãi suất: trên đe, dưới búa

(ĐTCK-online) Trước khi lãi suất (LS) cơ bản được nâng lên 14%/năm, nhiều ngân hàng (NH) đã cho vay với mức 20 - 24%/năm (LS đầu vào cao nhất là 18%/năm), trong đó một số NH sử dụng hình thức gia tăng phụ phí để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Nhưng hiện nay, với mức LS cơ bản 14%/năm, lãi đầu vào đối với vốn huy động bằng VND được các NH điều chỉnh lên xấp xỉ 19%/năm thì LS cho vay phải khống chế dưới 21%/năm và không được cộng thêm một khoản phí nào. Liệu LS đầu vào có sụt giảm khi NHNN vừa buộc NH phải tạm ngưng sử dụng các hình thức gián tiếp làm tăng LS cho vay?

Lãi tiền đồng vẫn ào ạt tăng

Sau khi ngưng thu phí, nhiều NH đã áp dụng hình thức ký quỹ trong quá trình triển khai tín dụng nhằm đảm bảo nguồn thu. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày áp dụng, NH buộc phải tạm ngưng hình thức trên do NHNN ban hành Công văn số 5455/NHNN-VP ngày 19/6/2008 về việc ký quỹ khi vay vốn, yêu cầu NH không áp dụng các hình thức gián tiếp làm tăng chi phí vay vốn thực tế của khách hàng. Theo NHNN, thời gian gần đây, một số NH đã áp dụng các hình thức gián tiếp làm tăng chi phí vay vốn như: thu phí ngoài LS hay yêu cầu khách hàng để lại một phần vốn vay dưới hình thức ký quỹ... Điều này sẽ gia tăng khó khăn cho người cần vốn, nhất là các doanh nghiệp.

Trước động thái này của NHNN, đại diện một NH than thở: "Hoạt động của ngành sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới". Theo vị này, trong bối cảnh lạm phát tăng, để thu hút được người gửi tiền, buộc NH phải điều chỉnh LS huy động. LS hướng tới thực dương mới có thể mời gọi được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Chi phí đầu vào liên tục tăng mạnh trong 6 tháng qua, hiện nhiều NH đã tăng LS chạm ngưỡng 19%/năm, trong khi LS đầu ra phải khống chế dưới mức 21%/năm. Chênh lệch huy động và cho vay thu về chỉ được 2%/năm thì NH không thể đủ trang trải chi phí. Đây chính là lý do mà một số NH đã ngưng cung cấp tín dụng trong thời gian qua.

Cũng theo vị đại diện trên, cuộc đua LS trên thị trường hiện nay chỉ với mục đích giữ chân nguồn vốn tiết kiệm hiện hữu, chứ không mong hút thêm nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Tuy nhiên, bối cảnh LS trên thị trường không ổn định đã ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền. Nhiều người thích chọn gửi kỳ hạn ngắn ngày LS cao nên buộc NH phải tiếp tục điều chỉnh LS. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank Việt Nam cho biết, tăng LS chính là đem dao "kề cổ" NH vì chi phí tăng. Nhưng nếu không tăng LS, NH khó giữ được chân khách hàng. Đây là khó khăn lớn đối với các NH hiện nay, dù có NH khả năng thanh khoản vốn dồi dào nhưng vẫn phải tăng LS. Còn cửa vốn đầu ra dần khép lại để đáp ứng yêu cầu của NHNN là tăng trưởng tín dụng không quá 30%.

Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh LS tiền gửi bằng VND. Đơn cử, ACB đã 2 lần điều chỉnh LS và nâng cao điều kiện đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm trong ngày 20/6. Theo đó, mức LS cao nhất được áp dụng tại ACB hiện nay là 18,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Sau nhiều lần tăng LS, ngày 20/6 ABBank tiếp tục phát đi thông cáo mới, mức LS cao nhất là 18,2%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng. Trước đó một ngày, VP Bank đã nâng LS lên mức 18,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

 

Ngoại tệ cũng không thua kém

Song song với cuộc đua điều chỉnh LS tiền đồng, trong những ngày gần đây, nhiều NH cũng gia tăng LS huy động vốn bằng USD. Từ ngày 20/6, ABBank áp dụng mức LS tiết kiệm USD là 7,3%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Trước đó, Ocean Bank đã nâng LS tiền gửi bằng USD lên mức cao nhất 8,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một số NH khác cũng áp dụng mức LS USD ở mức cao như SCB với mức 8%/năm; Eximbank là 7%/năm; DongA Bank là 7,65%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Một trong những lý do khiến NH tăng mạnh LS ngoại tệ là để hút nguồn vốn USD từ dân cư sau làn sóng đổ xô mua ngoại tệ gần đây. Thế nhưng, theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành tài chính, việc đua tăng LS huy động ngoại tệ của NH hiện nay là bất hợp lý.

Chính việc này đã vô tình làm tăng thêm việc đầu cơ ngoại tệ trên thị trường, khi tâm lý lo ngại đồng nội tệ mất giá trong bối cảnh lạm phát vẫn cao. Nhiều người cho rằng, giữ USD lúc này sẽ được lợi đôi đường, vì không phải lo ngại sự mất giá của đồng vốn, mà vẫn hưởng được LS tiền gửi bằng USD ở mức khá cao. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người chuyển đổi VND để tìm kiếm mua USD trong thời gian gần đây. Có ý kiến cho rằng, NHNN nên có cơ chế điều hành LS huy động USD tương tự như tiền đồng để ngăn chặn cuộc đua LS ngoại tệ ở các NH. Vì cuộc đua huy động ngoại tệ của các NH vô hình trung đã tiếp sức cho hành vi đầu cơ ngoại tệ và tình trạng đô la hoá.