Ông Sumit Dutta

Ông Sumit Dutta

Lạm phát năm nay có thể ở mức 8 - 9%

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC (Việt Nam) nhận xét, năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% là rất nhiều thử thách, nhưng dưới một con số là điều khả thi.

Lạm phát ở Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là gần 2,6%, trong khi mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm 2013 là 7%. Ông có nhận xét gì về mức kỳ vọng này?

Việt Nam là một thị trường mới nổi, với mức tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn trước khủng hoảng. Ở tất cả những thị trường mới nổi và có sự tăng trưởng cao, áp lực lạm phát sẽ đến vào một số thời điểm trong suốt quá trình tăng trưởng. Đã có lúc, lạm phát tại Việt Nam ở mức độ rất cao, với đỉnh 20 - 23% như trong năm 2011, nhưng ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã tuyên bố sẽ đưa lạm phát xuống mức một con số. Lạm phát được kiềm chế ở mức một con số từ tháng 5/2012 cho tới nay cho thấy, Chính phủ đã làm tốt hơn mức kỳ vọng.

Trong năm 2013, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở mức dưới 7% nếu làm được là rất tốt cho nền kinh tế, nhưng không dễ để đạt được. Tôi cho rằng, lạm phát năm nay có thể ở mức 8 - 9%.

 

Tại sao mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% gặp nhiều thử thách, thưa ông?

Tôi tin là Việt Nam có khả năng giữ lạm phát ở mức dưới một con số trong năm 2013, nhưng mức 6 - 7% là tương đối khó, bởi trong 2 tháng vừa qua, lạm phát đã ở mức cảnh báo. Hiện tại, các ưu tiên trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế bao gồm tái cấu trúc các DNNN, đòi hỏi họ sẽ đi theo hướng kinh tế thị trường và định giá theo thị trường, không dựa vào bao cấp của Nhà nước. Việc đi theo định hướng kinh tế thị trường là tốt cho nền kinh tế, nhưng sẽ làm cho việc thực hiện mục tiêu lạm phát dưới 7% gặp khó khăn. Thực tế, từ cuối năm 2012, lạm phát tăng chủ yếu do áp lực tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, vốn đứng thứ hai sau lương thực - thực phẩm trong cơ cấu lạm phát của Việt Nam. Tôi nghĩ, các chi phí thiết yếu này sẽ còn tăng.

 

Theo ông, làm gì để có thể kiềm chế lạm phát trong mục tiêu đã đề ra?

Nhiệm vụ này tương đối khó, vì chúng ta phải giữ giá cả không tăng cao, nhưng như tôi vừa nói, các ngành hàng như điện, xăng dầu là những mặt hàng thiết yếu và phải được điều chỉnh theo giá thị trường vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Đây chính là vấn đề mà các thị trường mới nổi thường gặp phải, phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khi quản lý mức lạm phát, trong khi giá cả của các mặt hàng thiết yếu phải đưa về giá thị trường.

Vì thế, một trong những nhiệm vụ đưa ra là trong khi giữ nền kinh tế tương đối bình ổn, thì phải tiến hành điều tiết từng bước nhỏ ở một mức độ linh hoạt, chứ không nên quá đột ngột.

 

Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, thể hiện qua việc nới lỏng tiền tệ, tài khóa, liệu điều này có tác động đến lạm phát?

Khi bơm tiền vào nền kinh tế thì nguy cơ lạm phát là rất cao. Chính phủ phải cân bằng tất cả các yếu tố tác động tới lạm phát. Khi quyết định bơm tiền vào nền kinh tế, nên tiến hành từ từ và quan trọng nhất là không nên gây ra tác động đột ngột tới thị trường. Lạm phát được tạo ra từ nhiều yếu tố, nhiều khi rất khó nói chính xác tại sao nó tăng hay giảm. Chính phủ cần là người đưa ra quyết định cuối cùng là cân bằng giữa lạm phát, thanh khoản thị trường, tăng trưởng nền kinh tế và đầu tư để đảm bảo Việt Nam sẽ thịnh vượng trong tương lai.

 

Để không phải nới lỏng tiền tệ, tài khóa ảnh hưởng đến lạm phát, theo ông, vấn nạn nợ xấu cần được giải quyết như thế nào?

Giải pháp của Chính phủ là thành lập Công ty Mua bán nợ (VAMC). Tuy nhiên, cần chờ đợi giải pháp này được thực hiện như thế nào để nhìn xem kết quả. Nhưng dù kết quả có như thế nào thì nợ xấu vẫn sẽ là vấn đề phải giải quyết trong nhiều năm, chứ không thể tính theo tháng. Điều quan trọng nhất là nhận thức được vấn đề, tầm quan trọng của nó và có biện pháp để giải quyết vấn đề. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phải giải quyết vấn đề nợ xấu nếu muốn phát triển một cách bền vững và đây là thời điểm phải kiên quyết giải quyết vấn đề này.