Liên doanh bảo hiểm: “Phi nhân thọ” lãi hơn

Liên doanh bảo hiểm: “Phi nhân thọ” lãi hơn

(ĐTCK) Cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều có những liên doanh với đối tác nước ngoài được thành lập.

Trong khi các liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã tạo lập được chỗ đứng khá vững, thì hiệu quả hoạt động của các liên doanh bảo hiểm nhân thọ còn phải chờ.

Sắp có thêm một liên doanh

CTCP PVI (PVI) và Tập đoàn Sun Life ( Canada ) vừa ký kết hợp tác thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life, theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ ra mắt thị trường. Việt Nam hiện có hai liên doanh bảo hiểm nhân thọ là VietinAviva (do Vietinbank góp 50% vốn) và Vietcombank-Cardif (do Viecombank góp 45%, Seabank góp 12%).

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, một số doanh nghiệp lớn cũng đã thành lập liên doanh bảo hiểm. Cụ thể, Bảo Việt góp 51% vốn thành lập Bảo Việt Tokio Marine, Vinare góp 50% vốn thành lập Samsung Vina, Bảo Minh thành lập Bảo hiểm Liên hiệp.

 

“Nhân thọ”, hiệu quả còn phải chờ

Liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif đi vào hoạt động từ năm 2008, chuyên kinh doanh, tiếp thị các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang tính tiết kiệm và bảo vệ, được phân phối qua hệ thống Vietcombank và SeABank. Liên doanh Bảo hiểm nhân thọ VietinAviva đi vào hoạt động từ tháng 8/2011.

Theo các chuyên gia bảo hiểm, liên doanh bảo hiểm nhân thọ dù tận dụng được mạng lưới khách hàng từ các ngân hàng ngay từ đầu, nhưng giải quyết bài toán cạnh tranh từ 12 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài còn lại là điều không dễ. Một DN bảo hiểm nhân thọ muốn tạo lập được vị trí nhất định cần phải có khoảng thời gian tối thiểu là 5 năm.

Đại diện một liên doanh bảo hiểm nhân thọ thừa nhận, hoạt động kinh doanh của công ty hiện chưa có chuyển biến nào đáng kể, xét trên khía cạnh thị phần, lượng khách hàng, chứ chưa dám nói đến doanh thu hay lợi nhuận, mọi việc vẫn còn phải chờ. Với VietinAviva, chiến lược của Công ty trong thời gian tới vẫn là tập trung xây dựng kênh bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng).

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI tự tin cho rằng, công ty bảo hiểm nhân thọ được lập dưới hình thức liên doanh với một đối tác tầm cỡ quốc tế như Sun Life sẽ tạo ra thế mạnh và hướng đi khác biệt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

“PVI Sun Life sẽ được thừa hưởng kinh nghiệm 150 năm phát triển của Sun Life, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị rủi ro, thiết kế sản phẩm, quản trị kênh bán hàng và hệ thống công nghệ thông tin. Từ đó, tạo ra các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cao cấp tiên tiến cho khách hàng tại Việt Nam, thông qua các kênh bán hàng đa dạng, với định hướng chiến lược trở thành DN bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Thậm chí, khi không có ngân hàng đỡ đầu để tận dụng mạng lưới khách hàng, ông Tuấn cho hay, PVI Sun Life sẽ tận dụng lợi thế từ thị trường rộng lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, với trên 60.000 cán bộ - công nhân viên thuộc Tập đoàn, các công ty con và các đơn vị liên doanh, liên kết trên khắp cả nước.

 

“Phi nhân thọ”, dần tạo lập chỗ đứng

Tương đối kín tiếng, nhưng các liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ đang có những bước đi khá vững chắc. Hoạt động với mô hình gọn nhẹ, không thành lập xô bồ các công ty trực thuộc, chi nhánh như nhiều DN bảo hiểm trong nước, các liên doanh này được nhận xét là biết cách quản lý rủi ro bồi thường, co mình và chỉ mở rộng mạng lưới khi cần, nhằm tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng lợi nhuận.

Đơn cử, sau 15 năm hoạt động, Bảo Việt Tokio Marine mới mở thêm văn phòng đại diện tại Hải Phòng (kể từ ngày 1/6 vừa qua). Tính đến nay, Công ty chỉ hoạt động với trụ sở chính tại Hà Nội, một chi nhánh tại TP. HCM và văn phòng đại diện tại Đà Nẵng.

Theo ông Manabu Hirama, Tổng giám đốc Bảo Việt Tokio Marine, việc mở mang này nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực là bảo hiểm cho các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản, vào Hải Phòng ngày càng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tại miền Bắc gồm khu vực thành phố Hải Phòng được thực hiện bởi trụ sở chính tại Hà Nội.

Tại các cuộc họp về bảo hiểm mới đây, ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhắc đến một số liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ như một hình mẫu về tính hiệu quả kinh doanh, cũng như quản lý rủi ro nghiệp vụ.

Chẳng hạn, năm 2011, Samsung Vina hay Bảo Việt - Tokio Marine, dù chỉ có vốn điều lệ ở mức tối thiểu đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ (300 tỷ đồng), nhưng đã tạo ra lợi nhuận trước thuế lần lượt là 150 tỷ đồng và 121 tỷ đồng. Với Bảo Việt - Tokio Marine, năm 2011, Công ty chia cổ tức 24,6%. Quý I/2012, công ty này đạt tổng doanh thu 99,16 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 33,3% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 31,723 tỷ đồng, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 43,3% kế hoạch năm.