Minh bạch, ngưỡng cản “rating” bảo hiểm?

Minh bạch, ngưỡng cản “rating” bảo hiểm?

(ĐTCK) Khi được xếp hạng quốc tế (rating), doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có nhiều lợi thế, nhưng hiện mới chỉ có 3/43 doanh nghiệp bảo hiểm được rating. Doanh nghiệp yếu, tiêu chuẩn xếp hạng khắt khe hay doanh nghiệp ngại minh bạch?

 

Năm 2012, phấn đấu 5 DN được xếp hạng

Hai DN bảo hiểm (2 công ty con của CTCP PVI (PVI Holdings) là Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) vừa được Tổ chức A.M.Best xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt) và xếp hạng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành ở mức bbb- (Đủ năng lực) cho năm tài chính 2011. Đây là lần thứ hai, Bảo hiểm PVI được xếp hạng; lần đầu tiên đối với PVI Re. Công ty liên doanh TNHH Bảo hiểm Samsung Vina (SVI) đang trong quá trình hoàn tất rating cho năm tài chính 2011, sau khi được A.M.Best xếp hạng tín nhiệm tài chính năm 2010 ở mức B++ (tốt) và năng lực tín dụng của tổ chức phát hành ở mức bbb+.

Như vậy, đến thời điểm này mới có 3/43 DN bảo hiểm được xếp hạng quốc tế. Theo tìm hiểu của ĐTCK,  hiện đã có thêm 2 DN là Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) xúc tiến triển khai xếp hạng A.M.Best.

Tại Hội nghị ngành bảo hiểm mới đây, xếp hạng quốc tế cũng được đưa vào báo cáo trong kết quả hoạt động của ngành năm 2011. Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đạt xếp hạng quốc tế đã từng bước thể hiện tính chuyên nghiệp, đẳng cấp và uy tín của các DN bảo hiểm Việt Nam trên thị trường bảo hiểm khu vực và thế giới. Cục trưởng Trịnh Thanh Hoan cho biết, năm 2012 phấn đấu có 5 DN bảo hiểm được xếp hạng quốc tế. Ngày 24/4, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với A.M.Best tổ chức Hội thảo giới thiệu xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

 

Điều kiện cần cho DN đậm chất “ngoại”

Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), ông Phùng Đắc Lộc cho rằng, thông qua xếp hạng quốc tế, DN sẽ gây được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi có cơ hội nhiều hơn trong quan hệ với các công ty bảo hiểm quốc tế, môi giới bảo hiểm, chủ hợp đồng bảo hiểm; tận dụng được nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí vốn thấp…

Coi đó như tấm vé “thông hành” ra thị trường quốc tế, một DN đang xúc tiến rating đồng quan điểm trên và nhận định, DN bảo hiểm có xếp hạng tín nhiệm cao sẽ có lợi thế trong việc đưa ra mức phí bảo hiểm cao hơn, ký kết được các hợp đồng tái bảo hiểm với mức phí nhượng tái thấp hơn.

Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings bổ sung: “Khi ra nước ngoài, chỉ thông qua rating, họ mới biết anh là ai. Có xếp hạng, DN đạt mức phí bảo hiểm cao hơn DN chưa có xếp hạng”.

Ông Trần Phan Việt Hải, Phó tổng giám đốc SVI cho biết, sau khi tham gia rating, các NĐT nước ngoài sẵn sàng trao và nhận dịch vụ bảo hiểm cho Công ty dễ dàng hơn.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tại SVI, hệ thống khách hàng chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam . Kết quả xếp hạng của SVI có được một phần do có sự bảo lãnh tín nhiệm tài chính, thừa hưởng thứ hạng xếp hạng cao từ công ty mẹ là Tập đoàn Samsung.

Một số chuyên gia nhận xét, rating chỉ là một trong những tiêu chí đánh giá bên cạnh các chỉ tiêu khác, nhưng với các DN bảo hiểm đậm chất “ngoại”, đó được xem là điều kiện cần. Chất “ngoại” ở đây không chỉ thể hiện ở việc có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, mà còn là tỷ lệ vốn nước ngoài ở mức cao.

Tại PVI, vốn ngoại là trên 43%, tại SVI là 50%, tại Bảo Việt là gần 20%.

Không chỉ là điều kiện cần, rating đôi khi còn là điều kiện đủ. Ông Thuận cho biết, tại PVI, có những dự án bắt buộc phải có rating như tái bảo hiểm, cấp các đơn bảo hiểm thì mới nhận được sự hợp tác của đối tác ngoại.

“PVI là DN bảo hiểm Việt Nam có hoạt động bảo hiểm ở nước ngoài như tái bảo hiểm năng lượng cố định, cấp các đơn bảo hiểm cho việc đóng giàn khoan tại Singapore , đóng tàu tại Nga. Vậy nên chúng tôi buộc phải rating”, ông Thuận nói.

 

Ngưỡng cản

Theo ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch AVI, một số DN bảo hiểm còn e ngại rating, bởi nếu không đảm bảo quy chuẩn, thì DN bảo hiểm không những không đạt xếp hạng, mà còn mất uy tín. Nếu đạt, sau đó còn là áp lực về việc duy trì thứ hạng.

“DN sẽ đối mặt ra sao khi bị tụt hạng? Công bố thì không đủ tự tin, còn giấu diếm thì đi ngược với ‘tinh thần’ của rating. Điều này khiến nhiều DN bảo hiểm ngần ngại tham gia rating và giải thích vì sao một số DN rating một cách âm thầm. Chung quy, cản trở cuối cùng vẫn là sự minh bạch”, một đại diện của AVI nói.

Cũng có ý kiến cho rằng, DN còn e ngại rating bởi việc này đòi hỏi DN phải có cơ cấu vốn, lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, theo ông Thuận, e ngại trong xếp hạng không nằm ở vốn cao hay lợi nhuận lớn, mà chủ yếu vẫn do áp lực từ minh bạch hệ thống, bởi khi đánh giá, tổ chức xếp hạng sẽ đặt ra các tình huống xấu nhất có thể. Trong quá trình đánh giá, việc giành được xếp hạng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, xếp hạng tín nhiệm quốc gia sụt giảm là điều không dễ. Hơn thế, A.M.Best khá thận trọng khi đưa ra báo cáo, đánh giá xếp hạng đối với DN tái bảo hiểm, đồng thời khá kỹ lưỡng đối với DN vừa tiến hành tái cấu trúc như PVI và càng không dễ với một DN mới hoạt động được 3 tháng như PVI Re.

Còn sau rating, DN cũng không chịu nhiều áp lực. Ông Hải cho biết, mặc dù tổ chức xếp hạng sẽ đánh giá định kỳ (theo tháng, quý, 6 tháng), nhưng SVI đều tuân thủ không mấy khó khăn những yêu cầu, hướng dẫn của A.M. Best.