Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách

Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách

(ĐTCK) Môi trường doanh nghiệp là các yếu tố bao gồm cả bên ngoài lẫn bên trong, ảnh hưởng đến sự hoạt động, thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ với ĐTCK nhiều vấn đề liên quan.

“Nhà quản lý cần hiểu vùng ‘an toàn’ hoặc ‘thoải mái’ của mỗi người”

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam)

Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách ảnh 1  

Ban giám đốc của chúng tôi bao gồm 5 người địa phương đều là phụ nữ và 6 nhân viên nước ngoài với tổng cộng 6 quốc tịch khác nhau. Điều này không chỉ thể hiện tính đa dạng của nguồn nhân lực, mà chúng tôi thấy được sức mạnh của các nhóm giá trị mà chúng tôi hướng vào. Chúng tôi tin nhóm nhân viên đa dạng sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn là nhóm nhân viên đơn thuần.

Cần tạo ra môi trường hòa nhập cho tất cả nhân viên hợp tác đa dạng. Toàn bộ nhân viên được kỳ vọng thể hiện các giá trị qua từng việc làm và cách thức làm việc. Nên áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên. Những người với lịch sử khác nhau sẽ tạo ra những cuộc tranh cãi nảy lửa, nhưng lành mạnh. Các nhà quản lý cần chấp nhận và lắng nghe những cuộc tranh cãi này, khuyến khích họ nói ra ý kiến, dù đúng hay không. Cần hiểu vùng “an toàn” hoặc “thoải mái” của mỗi người, giữ vai trò kết nối và làm gương trong việc gắn kết mọi người.

Việc hình thành một nhóm đa dạng là việc dễ, để nhóm đa dạng đó làm việc trôi chảy mới là quan trọng. Quyết định của nhà lãnh đạo cần có những thông tin đa chiều hơn. Khi cùng thể hiện cam kết, chúng ta xây dựng lòng tin.

 

“Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp đồng nhất là nhiệm vụ trọng tâm”

 Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Khối quản trị nguồn nhân lực VPBank

  Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách ảnh 2

Thách thức lớn nhất đối với việc quản trị nguồn nhân lực của VPBank hiện nay là sau 20 năm phát triển, Ngân hàng có tới gần 4.000 nhân viên trên hơn 200 điểm giao dịch. Khi Ngân hàng thay đổi chiến lược phát triển, thì việc đào tạo, chuyển đổi hệ thống, thay đổi tư duy, phong cách làm việc, hành vi, sự chuyên nghiệp, năng suất lao động… cho toàn bộ nhân viên để phù hợp với tham vọng của Ban lãnh đạo không phải là nhiệm vụ đơn giản. Đó là chưa kể đến nhu cầu tuyển dụng bổ sung lực lượng lao động có trình độ, có thể lên tới hàng trăm nhân viên/năm để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trung bình hàng năm từ 30 - 50%.

Với đặc thù của Ngân hàng là mạng lưới rộng khắp các tỉnh, thành phố, nên việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp đồng nhất luôn là nhiệm vụ trọng tâm của VPBank. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, VPBank xác định điều đầu tiên cần làm là tập trung phát huy thế mạnh nguồn nhân lực hiện tại. Với nguồn nhân sự bổ sung trong tương lai, Ngân hàng tiến hành xem xét và nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng. Đặc biệt, Ban lãnh đạo VPBank có chiến lược rất rõ ràng cho việc xây dựng VPBank thành ngôi nhà thứ hai của từng cán bộ - nhân viên.

 

“Nhân viên tốt không bao giờ có sẵn, mà doanh nghiệp phải đi tìm”

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam

Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách ảnh 3  

Nhân viên làm việc cho DN là vì danh tiếng của DN, nếu để nhân viên chuyển sang đơn vị khác thì có nghĩa là chúng ta đang vô tình hỗ trợ cho danh tiếng của DN khác. Những nhân viên tốt không bao giờ có sẵn, mà DN phải đi tìm. DN cần những nhân viên đó, chứ chưa chắc nhân viên đó đã cần DN.

Ernst & Young Việt Nam hàng năm tuyển lượng lớn lao động là du học sinh từ nước ngoài về, với mức lương khởi điểm 250 USD/tháng. Một ứng viên tỏ vẻ không hài lòng và phân tích: một gia đình Việt Nam cho con du học tốn khoảng 40 - 50% thu nhập chính thức, một gia đình Singapore tốn khoảng 10 - 24%. Vậy nhưng, sau khi học xong, mức lương sinh viên ở Singapore nhận được phổ biến là 10.500 SGD/tháng, còn ở Việt Nam thì thấp hơn nhiều con số này.

Đây là vấn đề đáng suy nghĩ, từ đó đặt ra hai vấn đề: một là, mức lương 250 USD/tháng ở Việt Nam khó thu hút được nhân tài (nếu so với Singapore ); hai là, mức lương thấp (bằng 1/6 so với nhiều nước) có tạo ra giá trị lao động thấp? Bởi lẽ, giá trị lao động được tạo ra từ người lao động, điều này đặc biệt quan trọng trong hệ thống ngân hàng, nơi vốn chứa đựng nhiều rủi ro.

 

“Lãi suất cần giảm xuống thấp hơn nữa”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã KSA)

  Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách ảnh 4

Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, tôi hy vọng Chính phủ sớm ổn định nền kinh tế vĩ mô, đồng thời giảm lãi suất ngân hàng thấp hơn nữa, để các DN có điều kiện vay vốn, gia tăng sản xuất. Với đặc thù là DN khai thác và chế biến khoáng sản, KSA mong muốn Chính phủ sớm ban hành bản quy hoạch kinh tế về chế biến titan, các văn bản hướng dẫn việc khai thác khoáng sản, để DN có hướng đi dễ dàng hơn trong việc đầu tư và khai thác.

KSA đang nỗ lực đề ra phương án sản xuất - kinh doanh tối ưu, nhằm thoát khỏi khó khăn trước mắt. Hiện Công ty tập trung khai thác và chế biến sâu khoáng sản, phục vụ cho xuất khẩu những sản phẩm giá trị cao hơn, dần thu hẹp việc xuất khẩu tài nguyên thô. Do đó, Công ty chú trọng đầu tư vào nhà máy chế biến công suất lớn, nên rất cần vốn đầu tư. Công ty mong sẽ nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư để mở rộng kinh doanh, giúp DN có thể huy động nguồn vốn từ việc phát hành cổ phiếu trong thời gian sắp tới.

 

“Văn hóa, nhân sự, điều kiện kinh doanh và khung pháp lý là 4 yếu tố cơ bản”

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)

Môi trường doanh nghiệp: Hiện thực và nỗ lực cải cách ảnh 5  

Đối với lĩnh vực chứng khoán, tôi cho rằng, đây là một ngành khá nhạy cảm, nên áp lực càng đè nặng lên vai người lãnh đạo. Kinh doanh chứng khoán là phải năng động và linh hoạt, nhưng chính sự linh hoạt có thể gây rủi ro cho người đứng đầu. Có thể nói, có 4 yếu tố cơ bản làm nên thành công trong kinh doanh chứng khoán, đó là văn hóa, nhân sự, điều kiện kinh doanh và khung pháp lý. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong 4 yếu tố trên. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn non trẻ, nên chúng ta cần phải có thêm thời gian để xây dựng một môi trường kinh doanh chứng khoán lành mạnh, phát triển. Đối với MBS, chúng tôi đã đặt ra những tham vọng lớn và nỗ lực để vươn tới. Hiện nay, công cuộc tái cấu trúc hệ thống Công ty đang dần hoàn thiện. Ngoài những quy trình cơ bản, chúng tôi không ngừng sáng tạo và hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ để mang lại kết quả và lợi nhuận tối ưu cho NĐT. MBS đang chú trọng các nghiệp vụ kinh doanh vốn, M&A và môi giới. Tôi tin rằng, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong hệ thống MB, cùng sự hợp tác của các đối tác bên ngoài sẽ giúp Công ty vững bước phát triển.