Nam Long, chờ cơ hội M&A và có nhiều lời giải cho huy động vốn

Nam Long, chờ cơ hội M&A và có nhiều lời giải cho huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Nam Long (NLG - sàn HOSE) gần như không bị ảnh hưởng trong bối cảnh ngành bất động sản chịu cú sốc về huy động vốn.

Nam Long tăng trưởng doanh số 80% khi thị trường chững lại

Vài tháng trở lại đây, thị trường bất động sản đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ tăng nóng, sốt cục bộ trước đó sang lo ngại giá giảm, thanh khoản giảm. Cổ phiếu của các công ty bất động sản niêm yết mất giá từ 50 - 70%, phản ánh kỳ vọng về thị trường bất động sản của nhà đầu tư thay đổi từ lạc quan sang cực kỳ thận trọng.

Một số dự án mở bán sau thời điểm này đã không thành công như kế hoạch của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong sự kiện NLG Day chủ đề Nguồn vốn cho thị trường bất động sản: Bối cảnh và chiến lược, Tổng giám đốc Nam Long - ông Trần Xuân Ngọc cho biết, từ đầu năm đến nay NLG vẫn mở bán được gần 2.000 sản phẩm với doanh số ghi nhận khoảng 8.410 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ và tăng 41% so với con số cả năm ngoái.

Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, trong lúc thị trường tràn ngập những thông tin không mấy tích cực cho ngành bất động sản về việc siết vốn, NLG đã giới thiệu thành công compound biệt thự hạng sang thuộc dự án Southgate với doanh số thu về khoảng 600 tỷ đồng. Điều này đã phần nào phản ánh kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Nam Long vẫn là một điểm sáng trong bức tranh chung trầm lắng của thị trường.

Cũng theo ông Ngọc, dự kiến trong quý III và IV năm nay, Nam Long sẽ tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm thuộc 5 dự án: Mizuki Park (TP HCM), Izumi City (Đồng Nai), Akari City (TP.HCM), Southgate (Long An) và Cần Thơ với tổng doanh số ước tính khoảng 15,856 tỷ đồng.

Lời giải của Nam Long cho bài toán huy động vốn

Nhìn nhận về ảnh hưởng của việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu với các quy định mới sắp được ban hành, ông Ngọc chia sẻ, nhìn chung toàn thị trường trái phiếu doanh nhiệp bất động sản thì số liệu thống kê cho thấy, thời gian đáo hạn rơi vào 2023 - 2024 khoảng 300.000 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong tình hình hiện nay, NLG nhìn thấy cơ hội là thời điểm trái phiếu đáo hạn sẽ có chủ đầu tư khó khăn trong khả năng trả nợ, phải bán tài sản hoặc tìm cách hợp tác kinh doanh phát triển dự án sẽ là cơ hội cho NLG thực hiện các thương vụ M&A trên thị trường.

Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT NLG cho biết, ngay lúc này HĐQT đã dự phòng kịch bản lãi suất tăng lên, khó vay và huy động vốn ở thị trường trong nước. Khi lãi suất tăng, NLG cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng, tuy nhiên điểm lợi thế của NLG chính là cấu trúc vốn hợp lý và chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng. Khi mua đất sử dụng vốn chủ sở hữu hoặc khoản vay dài hạn, còn phát triển dự án thì dùng vốn của đối tác.

“NLG đã từng gặp khó khăn vào năm 2005 khi lãi suất lên 20% nên chúng tôi đã từng bước hội nhập, sử dụng vốn đối tác quốc tế để không bị động trước sự thay đổi của lãi suất và chính sách tín dụng với bất động sản”, ông Quang chia sẻ.

Hiện nay, Nam Long là một trong những công ty trên thị trường có khả năng huy động vốn quốc tế rất tốt. Một vài cái tên hiện đang nắm giữ cổ phần hoặc cho NLG vay qua hình thức trái phiếu hoặc đầu tư vào dự án có thể kể đến như IFC, Dragon Capital, PYN…, đặc biệt là hai đối tác rất mạnh đến từ Nhật Bản Hankyu Hanshin và Nishi Nippon Railroad.

Về lợi thế huy động vốn quốc tế ở cấp độ dự án, ông Phạm Đình Huy - Giám đốc Đầu tư NLG chia sẻ: “Khi NLG hợp tác với các đối tác như Nhật Bản phát triển dự án thì sau khi hoàn thành pháp lý, chuyển nhượng cổ phần cho đối tác thì dòng tiền sẽ quay về sớm hơn là đợi thu theo tiến độ bán hàng và nguồn vốn đó tiếp tục được quay vòng để mở rộng quỹ đất”.

Đại diện của Nam Long cũng chia sẻ về các khả năng hợp tác tiếp theo với đối tác Nhật Bản.

"Nhật Bản đã cởi mở hơn về các hình thức đầu tư và các đối tác Nhật cũng đánh giá cao uy tín của NLG trong quá trình hợp tác nên họ muốn đồng hành cùng chúng tôi mở rộng khả năng huy động vốn, đặt nhiều tham vọng cho 5-10 năm tới”, đại diện Nam Long cho biết.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản gần như ngưng trệ, các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng phải hoãn lại thì hoạt động huy động vốn của NLG vẫn khá tích cực, khi đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trị giá trái phiếu với IFC, lãi suất 9,35% cố định trong 7 năm để phát triển giai đoạn 2 dự án Waterpoint (Long An). Giao dịch 50% cổ phần dự án Paragon Đại Phước đang làm thủ tục chuyển nhượng cho đối tác Nhật Bản mang lại doanh thu dự kiến 1.300 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 350 tỷ đồng. Một vài hoạt động huy động vốn đang trong tầm ngắm là dự án Izumi City (giai đoạn 2) và Waterpoint.

Tin bài liên quan