Chưa có NHTMCP nào bị xếp vào loại yếu kém phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Chưa có NHTMCP nào bị xếp vào loại yếu kém phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Ngân hàng đã thoát khỏi “tâm bão"?

(ĐTCK-online) Với những khó khăn và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, nhiều người cho rằng, sẽ sớm có làn sóng mua bán và sáp nhập giữa các đơn vị trong hệ thống. Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban vừa qua giữa Tổ giám sát thị trường tiền tệ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Hà Nội và các NHTM trên địa bàn, Phó thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn khẳng định, các NHTMCP từ đầu năm đến nay vẫn có mức tăng trưởng khá và đảm bảo an toàn trong hoạt động. NHNN không có chủ trương buộc một số ngân hàng sáp nhập, hợp nhất.

Theo NHNN, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát triển mạnh dịch vụ, công nghệ và tăng năng lực tài chính cũng như khả năng cạnh tranh, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động. Biên bản cuộc họp giao ban ghi rõ, hiện chưa có NHTMCP nào bị xếp vào loại yếu kém, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Thực tế, trong những tháng đầu năm, do thị trường tiền tệ có nhiều biến động, một số NHTMCP quy mô nhỏ đã rơi vào tình trạng khó khăn, do sức cạnh tranh còn yếu kém. Nhưng hiện nay, tình hình của các ngân hàng đã dần đi vào ổn định, lợi nhuận vẫn đạt mức cao.

Maritime Bank cho biết, tính đến ngày 19/6/2008, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt gần 175 tỷ đồng, xấp xỉ 73% so với lợi nhuận của cả năm 2007. Sacombank thu về 640 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm. Còn SeABank, chỉ tính riêng trong tháng 5/2008 đã đạt gần 71 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó khoản thu từ phí dịch vụ là 3,4 tỷ đồng; tổng vốn huy động 5 tháng đầu năm đạt 7.500 tỷ đồng. SeABank sẽ tiếp tục giải ngân gần 465 tỷ đồng cho các dự án, hợp đồng tín dụng đã ký cũng như những hợp đồng mới sắp triển khai.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximank Việt Nam cho biết, tình hình hoạt động của Ngân hàng trong 6 tháng vừa qua vẫn khả quan, lợi nhuận thu về cao hơn kế hoạch dự kiến. Theo ông Phước, trong bối cảnh thị trường nhạy cảm, doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều khó khăn do diễn biến của lãi suất, nên các ngân hàng dè dặt trong việc công bố kết quả hoạt động.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho rằng, lâu nay hệ thống các ngân hàng trong nước chỉ mạnh về khai thác dịch vụ truyền thống là huy động và cho vay. Nhưng xu hướng của thị trường ngày một khó khăn hơn, còn thị hiếu của người tiêu dùng đang dần thay đổi, nếu các ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường thông qua dịch vụ tài chính bán lẻ thì sẽ khó cạnh tranh với các ngân hàng ngoại.

Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, báo cáo của các NHTMCP cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, mọi hoạt động vẫn ổn định. Tổng vốn huy động và dư nợ cho vay tuy có chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng theo ông Hạnh, đó là điều hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Vốn nhàn rỗi trong dân phần lớn đã được gửi vào ngân hàng sau những đợt tăng mạnh lãi suất huy động kể từ tháng 4. Còn đối với tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng phải khống chế không được vượt quá mức 30% theo yêu cầu của NHNN.

Về mức lãi suất huy động hiện nay, ông Hạnh cho rằng, so với đầu năm thì lãi suất tiền đồng đã tăng mạnh, nhưng nếu xét về tốc độ tăng của lạm phát thì đó là điều hợp lý. Tuy nhiên, các ngân hàng cần xem xét lại cuộc đua lãi suất, trong đó đáng chú ý là những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Còn với người tiêu dùng, phải xem xét lại việc luân chuyển đồng vốn tiết kiệm giữa ngân hàng này sang ngân hàng khác. Chẳng hạn, với ngân hàng A, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 18%/năm, ngân hàng B lãi suất 17,7%/năm thì không nên luân chuyển vốn, gây xáo trộn hoạt động trong hệ thống ngân hàng. Vì nếu đem 0,3%/năm chia đều cho 12 tháng thì mức chênh lệch về lãi suất là rất nhỏ, đó là chưa kể những khách hàng vừa gửi tiền xong lại rút ra ngay, phải chịu lại suất không kỳ hạn.

Để giải quyết những khó khăn trước mắt, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng có khó khăn chi trả tạm thời và không để ngân hàng nào bị mất thanh khoản trong hoạt động. Đồng thời, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã đề ra 7 giải pháp trọng tâm cho công tác 6 tháng còn lại của năm 2008. Theo đó, NHNN vẫn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng linh hoạt để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, vừa giữ ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô; sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, thị trường mở, tái cấp vốn để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của cả năm 2008 không vượt quá 30%, đảm bảo khả năng thanh khoản cho các ngân hàng…