Đa phần người dân chọn các kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày để đón biểu lãi suất mới

Đa phần người dân chọn các kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày để đón biểu lãi suất mới

Nghịch lý siêu lãi suất

(ĐTCK-online) Sau gần 10 ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng mức lãi sất cơ bản mới 14%/năm, các ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc đua lãi suất huy động, mức cao nhất lên đến 18 - 18,5%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng. Nhiều người cho rằng, với mức lãi suất này, chắc chắn các ngân hàng sẽ khó điều chỉnh thêm, vì so với lãi suất đầu ra không được quá 21%/năm, nếu huy động vượt qua mức 18,5%/năm, các ngân hàng sẽ không còn lãi trong quá trình triển khai dịch vụ huy động và cho vay. Thế nhưng, do nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư không còn nhiều, cung tiền không dồi dào như trước nên các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động trong những ngày gần đây.

Techcombank đã áp dụng biểu lãi suất mới kể từ ngày 17/6, với mức cao nhất 18,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, với điều kiện, số tiền gửi phải trên 3 tỷ đồng và cam kết không được rút vốn trước hạn. Riêng các kỳ hạn tiền gửi khác, Techcombank áp dụng mức lãi suất dao động từ 17,7 - 18,5%/năm và khách hàng được rút vốn linh hoạt.

Ocean Bank cũng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động trong hai ngày qua, với mức cao là 18,5%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. Tại HD Bank, lãi suất cao nhất là 18,7%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Đặc biệt, trong ngày 19/6, VP Bank đã điều chỉnh lãi suất lên 18,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng (không rút vốn trước hạn).

Mặc dù lãi suất tiền gửi được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng trong 2 ngày qua, nhưng theo ghi nhận tại một số ngân hàng cổ phần ở TP. HCM, lượng khách đến gửi tiền không đáng kể. Người dân đến ngân hàng những ngày qua chủ yếu là để đổi sổ tiết kiệm theo biểu lãi suất mới. Một phần nhỏ khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển qua ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn.

Trong bối cảnh lãi suất liên tục được các ngân hàng điều chỉnh như hiện nay, đa phần người dân chọn các kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày. Trong đó, các kỳ hạn tuần, một đến ba tháng được chọn gửi nhiều nhất. Thậm chí, nhiều khách hàng còn chọn kỳ hạn tiền gửi ngày hoặc qua đêm để linh hoạt nguồn vốn và kịp thời hưởng biểu lãi suất mới khi ngân hàng điều chỉnh tăng thêm. Đây cũng chính là lý do để các ngân hàng tăng mạnh mức lãi suất ở các kỳ hạn ngắn ngày. Cụ thể, SCB kỳ hạn 3 ngày tương đương 14%/năm; 6 ngày: 16,6%/năm; kỳ hạn 1 - 3 tuần, lãi suất cao nhất là 17,6%/năm; kỳ hạn 1 - 3 tháng: 17,8%/năm… Eximbank đã tăng lãi suất gửi tiền qua đêm lên 13%/năm; lãi suất gửi tiền "call" 48 giờ cũng được tăng lên 13,5%/năm.

Đại diện một ngân hàng thừa nhận, lãi suất đã tăng quá cao trong thời gian qua, nhưng lượng vốn vào ngân hàng ngày một hạn chế. Một phần là do tiền nhàn rỗi đã vào hết ngân hàng trong những đợt tăng mạnh lãi suất trước đó. Hiện nay, tăng lãi suất chỉ với mục đích giữ chân khách hàng không rút vốn chuyển qua ngân hàng bạn, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh diễn biến lãi suất luôn biến động hiện nay.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, với mức lãi suất cho vay 21%/năm sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cả ngân hàng, vì lãi suất đầu vào đã vượt qua ngưỡng 18%/năm. "Chênh lệch lãi suất thu về của ngân hàng trong cho vay chỉ là 3%/năm không đủ để trang trải chi phí, nhưng nếu không tăng lãi suất sẽ khó giữ được nguồn vốn tiết kiệm", ông Bình nói.

Thế nhưng, theo nhận định của một chuyên gia trong ngành ngân hàng, việc tăng lãi suất lên cao của ngân hàng thời gian qua không ngoại trừ mục tiêu đánh bóng thương hiệu để thu hút thêm khách hàng mới. Bởi lãi suất tiền gửi cao luôn đi kèm với các điều kiện rất gắt gao (như hạn mức tiền gửi hàng tỷ đồng; kỳ hạn gửi dài ngày và cam kết không rút vốn trước hạn) nên người gửi tiền không mấy mặn mà. Đơn cử trường hợp của SeA Bank, sau khi lãi suất cơ bản điều chỉnh lên mức 14%/năm, Ngân hàng này đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất huy động lên 19,2%/năm. Tuy nhiên, do áp dụng ở kỳ hạn dài ngày, lên đến 13 tháng, đồng thời không cho khách hàng rút vốn trước hạn, nên chỉ sau một ngày áp dụng, SeABank đã ngưng và hạ lãi suất xuống còn 18%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường tiền tệ đang có nhiều biến động hiện nay, tâm lý của nhiều người vẫn thích chọn những ngân hàng thật an toàn để gửi tiền, dù lãi suất thấp hơn. Đây chính là lý do buộc các ngân hàng quy mô nhỏ phải tăng lãi suất huy động lên cao. Riêng một lượng nhỏ khách hàng có xu hướng chọn gửi tiền ở những ngân hàng có mức "siêu lãi suất" liên tục luân chuyển vốn trong thời gian qua thì nay đã cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu dừng lại.

Nhưng đáng chú ý là gần đây, việc tăng mạnh lãi suất huy động lại rơi vào nhiều ngân hàng quy mô lớn. Lãi suất ngân hàng nhỏ tăng, ngay lập tức ngân hàng lớn điều chỉnh tăng theo và ngược lại. Các ngân hàng cứ thế rượt đuổi nhau khiến cuộc đua lãi suất chưa thể dừng, cho dù chi phí huy động đang tiệm cận với lãi suất cho vay. Điều này chứng tỏ, việc điều chỉnh lãi suất gần đây của nhiều ngân hàng không nằm ngoài mục đích tận dụng cơ hội để quảng bá thương hiệu.