Ngân hàng đang thiếu USD kinh doanh để bán cho doanh nghiệp.

Ngân hàng đang thiếu USD kinh doanh để bán cho doanh nghiệp.

Nhu cầu ngoại tệ của DN tăng cao

(ĐTCK-online) Thị trường ngoại tệ phần nào bình ổn, tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do cũng giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới rộng biên độ lên +/-2%. Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số ngân hàng, các nhà nhập khẩu đã bắt đầu hoạt động mạnh trở lại đẩy nhu cầu USD tăng lên. Các ngân hàng đang rơi vào nghịch lý là thiếu USD kinh doanh để bán cho doanh nghiệp, nhưng USD do người gửi tiết kiệm lại đang rất dồi dào.

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng đang xích gần với tỷ giá trên thị trường tự do, trong ngày 9/7 tỷ giá đứng ở mức 16.851 VND/USD, giảm 1 VND/USD so với một ngày trước đó, nhưng tăng 3 VND/USD so với cuối tuần trước. Còn trên thị trường tự do, dù có nhích nhẹ trong chiều ngày đầu tuần, nhưng cũng chỉ đạt mức 17.200 - 17.400 (mua - bán).

Tỷ giá tỏ ra khá ổn định nhưng không có nghĩa cung - cầu ngoại tệ đã cân bằng hơn. Sau một thời gian tạm ngưng, trong đó một phần do tỷ giá tăng cao và không mua được nguồn ngoại tệ, các nhà nhập khẩu bắt đầu thực hiện những đơn hàng của mình. Trong khi đó về phía ngân hàng, lượng ngoại tệ thu gom được lại không tăng lên. Theo nhận định là tỷ giá thu mua của ngân hàng vẫn thấp hơn khá nhiều so với thị trường tự do, thế nên vẫn còn một lượng ngoại tệ khá lớn trôi nổi ngoài thị trường chứ không vào ngân hàng.

Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, hiện có khá nhiều nhà nhập khẩu đang đăng ký mua USD tại ngân hàng, đặc biệt là sau khi quy định các giao dịch về ngoại tệ phải niêm yết tỷ giá nằm trong biên độ cho phép của NHNN.

Để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp, các ngân hàng buộc phải tự tìm cách xoay xở bởi nguồn USD mà các ngân hàng có thể mua trên thị trường liên ngân hàng rất khó khăn. Hiện giao dịch trên thị trường liên ngân hàng khá trầm lắng, cung - cầu không gặp được nhau khi phải giao dịch đúng với tỷ giá niêm yết theo quy định của NHNN.

Trao đổi với Báo ĐTCK tại buổi tọa đàm về các sản phẩm bảo hiểm tỷ giá do Eximbank tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh phụ tùng xe hơi cho biết, lâu nay đơn vị vẫn làm việc với Eximbank để mua ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa về tiêu thụ trong nước. Nhưng trong 2 tháng nay, để có được nguồn ngoại tệ nhập hàng không phải là chuyện dễ.

"Gần đây, do tỷ giá hối đoái tăng, cộng với việc khó khăn trong giao dịch về ngoại tệ, chúng tôi phải hạn chế bớt nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, công ty không thể ngưng mãi, vì như thế sẽ rất khó khăn", vị đại diện này nói.

Theo ông Châu, vẫn biết các nhà xuất nhập khẩu là khách hàng thân quen, nhưng trong lúc này Ngân hàng không thể nào làm hài lòng được tất cả khách hàng. Nguyên nhân chính là do nguồn ngoại tệ khan hiếm.

Tình trạng này diễn ra ở khá nhiều ngân hàng hiện nay, theo Ngân hàng Á Châu (ACB) nhu cầu về ngoại tệ của các nhà nhập khẩu rất lớn, đẩy ngân hàng vào tình trạng cung vẫn khó đáp ứng đủ cầu. Lãnh đạo ACB cũng đưa ra khuyến cáo, trong lúc này các doanh nghiệp nên xem xét lại kế hoạch kinh doanh, vì tỷ giá hối đoái đã tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh.

Mặc dù các ngân hàng vẫn tiếp tục phản ánh về khó khăn trong cung ứng ngoại tệ, nhưng theo giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, ông Hồ Hữu Hạnh, trong tuần qua NHNN đã đưa ra thị trường khoảng 500 triệu USD thông qua các ngân hàng thương mại, với mục tiêu cung ứng cho nhà nhập khẩu.

Cũng theo ông Hạnh, trong trường hợp nếu ngân hàng nào không bán lại số lượng USD đã được NHNN phân bổ sẽ bị xử lý. Để đáp ứng kịp thời cho các nhà nhập khẩu hàng hóa, ông Hạnh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục đưa ngoại tệ ra thị trường để đáp ứng kịp thời cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Thị trường ngoại tệ đang tồn tại một nghịch lý, trong khi các ngân hàng khó khăn trong việc mua USD để có đủ nguồn cung cho doanh nghiệp thì ở chiều ngược lại, việc nhận tiền gửi tiết kiệm bằng USD lại tăng khá cao. Về nguyên tắc, ngân hàng không thể sử dụng nguồn ngoại tệ của khách hàng gửi tiết kiệm để bán cho doanh nghiệp bởi chính ngân hàng có thể rơi vào rủi ro. Nhiều ngân hàng đang phải xem xét tới việc hạ lãi suất ngoại tệ khi nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh lượng vay bằng ngoại tệ do lo ngại về rủi ro tỷ giá.