Nửa năm gia nhập WTO: Chuyển biến chưa nhiều

Qua nửa năm gia nhập WTO, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,87% -mức tăng khá cao so với cùng kỳ những năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có được không phải từ tác động của WTO. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, nên chưa tận dụng được cơ hội từ việc gia nhập WTO, trong khi nhập khẩu tăng quá mạnh và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá trong những tháng cuối năm.

FDI tăng nhưng còn nhiều vướng mắc

Có hai lĩnh vực được mong đợi sẽ chuyển biến mạnh mẽ khi Việt Nam gia nhập WTO là đầu tư và thương mại. Thậm chí, việc Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế lớn nhất thế giới còn được báo chí nước ngoài đánh giá là sẽ “mở ra kỷ nguyên mới về thương mại và đầu tư”. Vậy thực tế trong 6 tháng qua thế nào? Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước đã thu hút được 5,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Hàng loạt dự báo về làn sóng đầu tư mới “hậu WTO” từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… vào Việt Nam khiến mục tiêu thu hút 12 tỷ USD vốn FDI trong năm nay trở nên rất khả thi. Tuy vậy, theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, so với cơ hội hiện có (các dự án đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam với mức vốn khoảng 40 tỷ USD), kết  quả thu hút FDI 6 tháng qua chưa tạo được “cú huých” quan trọng chớp thời cơ, tạo đà phát triển.

 

Mặt khác, phân tích kỹ sẽ thấy rằng tác động của WTO đối với thu hút đầu tư vào nước ta gần như chưa đáng kể, bởi việc thực hiện các cam kết WTO liên quan đến đầu tư thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc. Nghị định về hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của Việt Nam trong WTO hiện vẫn đang ở dạng dự thảo, chờ ban hành. Trong khi đó, việc thực hiện theo biểu cam kết WTO của Việt Nam còn lúng túng. Nhiều doanh nghiệp cũng như các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư phản ánh ngôn ngữ trong biểu cam kết khó hiểu. Đơn cử như việc hiểu ngôn ngữ “không cam kết”, “không hạn chế” như thế nào vẫn có những ý kiến khác nhau. Ngoài ra, trong biểu cam kết về dịch vụ, rất nhiều ngành của Việt Nam đưa ra các điều kiện hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn so với luật pháp hiện hành của Việt Nam .

Một khó khăn khác là một nước thành viên chỉ có nghĩa vụ mở các ngành dịch vụ được quy định tại biểu cam kết dịch vụ. Quy định này đã dẫn đến sự hiểu rất khác nhau giữa các cơ quan cấp phép đầu tư. Bộ Thương mại và Bộ KH-ĐT đôi khi không thống nhất với nhau. Căn cứ theo kỹ thuật đàm phán thì Việt Nam chỉ cam kết mở cửa những ngành đưa vào biểu cam kết, nên khi nhà đầu tư nước ngoài xin phép đầu tư lĩnh vực ngoài biểu cam kết thì Bộ Thương mại trả lời “không mở cửa”. Điều này khiến rất nhiều sở kế hoạch đầu tư các tỉnh không biết xử lý thế nào và trên thực tế tồn đọng rất nhiều dự án.

Đó là trường hợp cấp mới, còn đối với các dự án đang hoạt động muốn điều chỉnh chứng nhận đầu tư để mở rộng sang một hoạt động khác thuộc biểu cam kết dịch vụ thì có bị hạn chế hay không cũng đang gặp vướng mắc. Thực tế hiện nay, các cơ quan nhà nước còn lúng túng chưa có phương án xử lý trong quá trình cấp phép. Trong khi đó các địa phương sẵn sàng từ chối cấp phép để giữ an toàn thay vì đi nghiên cứu các cam kết. Những hiện tượng đó dẫn đến sự xáo trộn rất lớn đến môi trường đầu tư.

 

Giá tăng, nhập siêu lớn

Còn về lĩnh vực thương mại, tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2007 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo về tình trạng lạm phát gia tăng và nhập siêu quá lớn. Theo Bộ Thương mại, tổng mức nhập siêu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2007 lên tới 4,78 tỉ USD, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức khá cao so với cùng kỳ các năm gần đây và vượt qua ngưỡng (20%) thông thường. Nếu so với cùng kỳ năm 2006, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng tuyệt đối 6,344 tỷ USD. Bộ Thương mại dự kiến, với tốc độ tăng như 6 tháng vừa qua thì cả năm nay tổng mức nhập siêu sẽ đạt con số kỷ lục hơn 8 tỉ USD.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nhập siêu tăng là do tác động của nhiều nguyên nhân như giá hàng hóa quốc tế tăng và do nhu cầu chủ quan của nền kinh tế. Cụ thể, trong tổng số  6,344 tỷ USD nhập khẩu tăng, thì do tăng giá 1,317 tỷ USD và do nhu cầu sản xuất của nền kinh tế 5,027 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân khiến nhập siêu tăng cao là do xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn nhập khẩu. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ đạt  tốc độ tăng 19,4%, trong khi nhập khẩu tăng 30,4%. Đây là tốc độ rất cao nếu so với tốc độ tăng nhập khẩu cùng kỳ năm 2006 là 15,1% và năm 2005 tăng 23%. Bộ Thương mại cũng cảnh báo, nguyên nhân quan trọng và sâu xa dẫn đến nhập siêu cao trong 6 tháng qua chính là hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước còn rất hạn chế nên không thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

 

Trong khi đó đối với người dân, việc gia nhập WTO đồng nghĩa với hy vọng giá cả hàng hóa sẽ giảm. Nhưng đến nay thực tế giá tiêu dùng tăng đến 5,2% trong 6 tháng đầu năm 2007. Theo biểu cam kết, có một số mặt hàng sẽ phải cắt giảm thuế ngay khi gia nhập WTO với mức giảm khá cao như dệt may, cá và sản phẩm cá, gỗ và giấy, máy móc - thiết bị điện tử... Thế nhưng, hiện giá các mặt hàng này vẫn cao vì chưa có hướng dẫn.

 

Thông tin mới nhất cho biết, Thông tư hướng dẫn quyền nhập khẩu của doanh nghiệp FDI theo cam kết WTO sẽ được Bộ Thương mại ban hành vào cuối tháng 7-2007. Khi đó, giá các mặt hàng điện tử mới có thể hạ khoảng 5%-10% do các doanh nghiệp bớt được chi phí

trung gian.

 

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển:

Chưa tận dụng hết cơ hội WTO mang lại

 

Sau 6 tháng chính thức gia nhập WTO, đã phát sinh một số vấn đề cần xử lý, một số cam kết và thực tiễn quản lý đang có độ “vênh”. Chẳng hạn có những vấn đề Việt Nam đã cho nước ngoài đầu tư nhưng cam kết WTO chưa cho… Sau khi Việt Nam gia nhập WTO làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang được thể hiện rất rõ, nhưng làm sao biến những cơ hội này thành dự án đầu tư cụ thể thì chúng ta chưa tận dụng hết do vướng một số thủ tục hành chính. Để thực hiện các cam kết WTO, hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng kim ngạch xuất khẩu trước đây phải dỡ bỏ, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay tìm kiếm các giải pháp, chính sách mới. Hiện Bộ Thương mại đang cùng các bộ liên quan chuẩn bị tờ trình Chính phủ về những vấn đề có độ “vênh” giữa cam kết và chính sách trong việc tận dụng cam kết sau 6 tháng gia nhập WTO để đẩy nhanh mức độ tận dụng lợi ích của việc gia nhập tổ chức này.

 

Ngoài ra, mặc dù đã là thành viên đầy đủ của WTO, nhưng xuất khẩu trong những tháng đầu năm dường như chưa đạt mức tăng trưởng tương xứng so với tiềm năng và cơ hội mang lại. Kết quả là xuất khẩu chỉ tăng bình quân 22%. Trong bối cảnh giá cả và thị trường thế giới không có nhiều biến động lớn nhưng xuất khẩu những tháng đầu năm tăng trưởng không cao (trên 25%) như một vài năm gần đây. Điều đáng nói là xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, cao su, gạo… đều có mức tăng trưởng không cao. Lượng hàng hóa xuất khẩu tăng khá, nhưng chưa có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, có khả năng bù đắp phần thiếu hụt khi giá và lượng dầu thô xuất khẩu giảm. Chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản và thực phẩm chưa thực sự ổn định, vẫn còn những lô hàng bị trả lại.

 

TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương):

Cải cách mạnh mẽ để tận dụng cơ hội

 

Qua 6 tháng gia nhập WTO, Việt Nam chưa tạo ra sự đột phá, thành tựu chưa xứng với kỳ vọng. Hầu hết các vấn đề như bộ máy, pháp lý, nhân lực, hạ tầng, thị trường... vẫn bộc lộ điểm yếu. Thành công đã đến khi đầu tư nước ngoài tăng lên; nhiều mặt hàng giảm giá bán; thị trường cởi mở hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ... có thể chỉ là bề nổi.

 

Điểm yếu và vấn đề chúng ta cần tìm câu trả lời là những năm tiếp theo, tăng trưởng, đầu tư, thị trường... có duy trì được sự phát triển không, khi mà bộ máy, pháp lý, nhân lực, hạ tầng chưa được cải thiện để thỏa mãn nhu cầu. Năng lực hấp thụ vốn của Việt Nam đã bộc lộ hạn chế. Vì thế năm nay có thể 10 tỷ USD vào Việt Nam, nhưng năm sau 10 triệu USD cũng khó “nuốt” vì năng lực thực hiện bị giới hạn... Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý và thực thi cũng phơi bày rào cản. Cụ thể, khi hàng trăm giấy phép con được dẹp bỏ thì lại có hàng chục văn bản tương tự ra đời. Điều đó vừa “tự trói tay nhau” lại vừa hạn chế năng lực hội nhập. Hơn nữa, vấn đề then chốt là con người thì hầu như chưa có nhiều chuyển biến trong tư duy và hành động.

 

Để tận dụng được cơ hội của WTO, bộ máy chấp pháp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách; đổi mới tư duy và cách làm việc. Cùng với động lực và sức ép hội nhập, Việt Nam cần tận dụng thời cơ để thúc đẩy nhanh hơn quá trình tạo ra chính sách, hoạch định chính sách. Khi có chính sách tốt, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, nguồn lực được huy động và sử dụng tốt hơn. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, Việt Nam cần có sự quả quyết từ đội ngũ lãnh đạo. Đây cũng là động lực chính cho cả đoàn tàu Việt Nam hội nhập WTO.