Giá thuê văn phòng, giá đất của Việt Nam liên tục tăng trong vài năm qua.

Giá thuê văn phòng, giá đất của Việt Nam liên tục tăng trong vài năm qua.

Phản ứng chính sách

(ĐTCK-online) Theo sự phân tích của giới chuyên gia, sự gia tăng đột biến của dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một sự phản ứng tích cực với những thay đổi chính sách, cải thiện trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cho dù “lời ra tiếng vào” cũng không ít, song kết quả cuối cùng vẫn là những con số đáng mong đợi và những cam kết tiếp tục coi Việt Nam là một địa điểm để các nhà đầu tư lựa chọn.

Tương tự như vậy, những khuyến cáo mới đây của các chuyên gia kinh tế Mỹ đối với các nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam là nên hướng vào các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng... thay vì các dự án kinh doanh bất động sản. Lý do họ đưa ra, theo thông tin trên báo chí nước ngoài, thì sự tăng giá quá lớn và quá nóng của thị trường bất động sản của Việt Nam đang ẩn doạ nhiều dấu hiệu không tích cực. Và sự cẩn trọng của nhà đầu tư trong trường hợp này cũng là một phản ứng với các chính sách về bất động sản trong thời gian qua.

Trong bối cảnh đó, khung giá đất mới sẽ áp dụng vào năm 2008 vừa được Hà Nội và TP.HCM công bố cũng đang được coi sẽ gây ra những tác động rất lớn tới thái độ của các nhà đầu tư cũng như thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khá bất ổn của Việt Nam, với mức giá được ghi nhận là cao hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực. Nếu như nhìn vào những than phiền của giới đầu tư về giá thuê văn phòng, giá đất của Việt Nam liên tục tăng trong vài năm qua, thì có lẽ sự tăng giá được dự báo là khoảng 15-20% giá thành của dự án bất động sản trong năm tới sẽ tạo nên một áp lực không nhỏ trong tính toán của các nhà đầu tư. Phản ứng chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều theo chiều hướng nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Cần phải nói thêm rằng, các nhà đầu tư Hàn Quốc tuần trước cũng đã gửi kiến nghị tới các cơ quan có liên quan của Việt Nam, trong đó phàn nàn về việc tiền thuê đất của các khu công nghiệp lân cận Hà Nội, TP.HCM đã tăng gần 60% so với đầu năm, từ mức 25-27 USD/m2 lên 42-45 USD/m2. Điều này khiến đa số doanh nghiệp Hàn Quốc khi đến Việt Nam có ý định đầu tư đều rất băn khoăn.

Trước thời điểm công bố giá đất cho năm tới, phóng viên ĐTCK đã đặt câu hỏi với ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tác động không thuận lợi của việc này đối với việc thực thi dự án đầu tư có liên quan tới đất của các nhà đầu tư. Không những thế, việc thay đổi giá đất hàng năm sẽ khiến các nhà đầu tư rất khó tiên lượng được chi phí của mình, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của các kế hoạch kinh doanh.

Trả lời câu hỏi này, ông Võ cho rằng, việc quyết định có hay không thay đổi giá được công bố hàng năm là thuộc về quyết định của UBND các địa phương. Điều này có nghĩa là UBND sẽ buộc phải đưa ra những tính toán, nghiên cứu, khảo sát để quyết định chính sách như thế nào là phù hợp vào thời điểm đó, với môi trường kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư của địa phương. Không hiểu các địa phương đã tính tới các yếu tố này hay chưa khi đưa ra các quyết định chính sách.

Trường hợp của Hà Nội khi quy định việc cấp giấy phép xây dựng chỉ cho các trường hợp đất đã có “sổ đỏ” có lẽ là một ví dụ điển hình về sự ban hành và thực thi chính sách thiếu nhất quán giữa Trung ương và địa phương. Ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, yêu cầu của Hà Nội là vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai và sẽ làm việc với Bộ Tư pháp để đề nghị Hà Nội bãi bỏ văn bản này, đảm bảo việc thực thi luật pháp được chuẩn xác và đúng đắn ở các địa phương.

Phản ứng trên có thể nói là kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Mặc dù về mặt nguyên tắc pháp lý, quy định này của Hà Nội được coi là vô hiệu và không cần phải áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện phần việc đương nhiên này lại không hề đơn giản. Và, phản ứng từ những người thực thi pháp luật, chắc chắn lại là chờ đợi để có được quyết định cuối cùng bằng văn bản. Hàng loạt các kế hoạch, dự định xin giấy phép xây dựng tại Hà Nội sẽ buộc phải dừng lại chờ phản ứng của Hà Nội sau động thái này.