PVIF: Đằng sau sự từ nhiệm dây chuyền

PVIF: Đằng sau sự từ nhiệm dây chuyền

(ĐTCK-online) Ngay trước ngày diễn ra ĐHCĐ bất thường (8/10) của CTCP Đầu tư tài chính Bảo hiểm Dầu khí (PVIF), thay vì chuẩn bị chương trình đại hội sao cho kỹ lưỡng, toàn bộ Ban giám đốc và 3/5 thành viên HĐQT PVIF lại đồng loạt viết đơn xin từ nhiệm.

Từ nhiệm dù hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Danh sách lãnh đạo từ nhiệm lần này của PVIF gồm có 5 người, trong đó có ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT PVIF, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam - PVI (người trực tiếp đứng ra thành lập PVIF cùng một số cổ đông pháp nhân và thể nhân khác từ cuối năm 2007) và ông Mai Trần Hưng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVIF. Ngoài ra, còn có 3 người nữa là bà Lê Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc, ông Lê Đức Hải, Phó tổng giám đốc và ông Trần Lê Đông, thành viên HĐQT.

Click để xem các đơn khác

Như vậy, Ban lãnh đạo của PVIF chỉ còn 2 thành viên HĐQT đại diện vốn góp của PVI không từ nhiệm là ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI và ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI.

Được biết, PVI hiện nắm giữ 28% cổ phần tại PVIF (trên 33% cổ phần cùng 1 cổ đông pháp nhân khác là Vietsovpetro), 67% còn lại do trên 6.000 thể nhân nắm giữ.

Trong thực tế, việc lãnh đạo chủ chốt tại một DN từ nhiệm đồng loạt từng xảy ra. Hồi tháng 4/2009, cổ đông CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) từng sững sờ ngay tại ĐHCĐ năm 2009 khi chứng kiến cảnh từ nhiệm của toàn bộ ban lãnh đạo cũ.

Nhưng với trường hợp của Hanoimilk, việc từ nhiệm đồng loạt của ban lãnh đạo DN này cũng dễ hiểu, vì nó xuất phát từ kết quả kinh doanh năm 2008 đầy bi đát. Chính ban lãnh đạo cũ của Hanoimilk đã thừa nhận, kết quả kinh doanh năm 2008 thua lỗ nặng là do lỗi của mình (năm 2008, Hanoimilk lỗ 37,6 tỷ đồng). Chính vì thế, cổ đông của Hanoimilk cũng chỉ thoáng chút bàng hoàng, trước khi nhận thấy đó cũng là lẽ thường tình, và coi việc thay đổi ban lãnh đạo như một kỳ vọng về quá trình “thay máu” của DN.

Nhưng tại PVIF, nếu không phải là cổ đông cũ (cổ đông là các thể nhân của PVI) sẽ  không hiểu được tại sao lãnh đạo chủ chốt công ty này lại xin từ nhiệm đồng loạt như vậy, nhất là khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2009 được công bố khá ấn tượng, với 73,5 tỷ đồng lợi nhuận (đạt 29,2% trên vốn thực góp).

Bản thân từng vị lãnh đạo xin từ nhiệm này cũng cho rằng, trên từng cương vị của mình, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cổ đông giao phó.

Ông Mai Trần Hưng, Tổng giám đốc PVIF khẳng định, việc đạt được kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2009 ấn tượng như trên là do Ban lãnh đạo Công ty đã có những quyết sách kịp thời, sử dụng trên một nửa số vốn hiện có, khoảng 150 tỷ đồng (PVIF có gần 300 tỷ đồng vốn điều lệ, 251 tỷ đồng vốn thực góp) tập trung vào các dịch vụ như tài chính, chứng khoán, thương mại…

Ông Hưng cho biết, ngay sau khi thành lập (vào cuối năm 2007), Công ty gặp không ít khó khăn, và tính đến cuối tháng 7/2008, thời điểm ông bắt đầu về nhận chức vụ Tổng giám đốc PVIF, Công ty đang lỗ 18 tỷ đồng. Ông khẳng định, tại thời điểm này, PVIF đã vượt qua hầu hết khó khăn.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT PVIF trong thư từ nhiệm ngày 6/10/2009 cũng khẳng định: “Với đà phát triển mạnh mẽ, tính thanh khoản cao và các dự án đầu tư đều có triển vọng tốt, năm nay, Công ty có thể chia cổ tức cho cổ đông ở mức tối thiểu 26% trên mệnh giá và còn giành được một số lợi nhuận nhất định để phát triển trong các năm sau”.

Vậy, lý do gì khiến ban lãnh đạo PVIF từ nhiệm khi Công ty vẫn hoạt động tốt, bản thân từng vị lãnh đạo cũng cho rằng, đã hoàn thành tốt công việc?

…vì bất đồng quan điểm?

Trong đơn từ nhiệm, ông Hùng cho rằng, do cơ cấu cổ đông của PVIF hiện có nhiều thay đổi, các điều kiện khách quan không còn phù hợp để ông có thể tiếp tục lãnh đạo Công ty như thời gian trước nên xin được từ nhiệm.

Còn ông Hưng thì viện dẫn: “Do có những quan điểm khác nhau trong điều hành, phát triển Công ty của một số cổ đông và HĐQT, tôi nhận thấy mình không còn phù hợp trên cương vị lãnh đạo Công ty”.

Đó cũng là lý do giải thích cho việc “ra đi” của những vị còn lại.

Ông Lê Đức Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư nêu lý do từ nhiệm, là do điều kiện tổ chức và kinh doanh của Công ty có nhiều thay đổi. Đây cũng chính là lý do được nêu ra trong đơn từ nhiệm của bà Thủy, Phó tổng giám đốc phụ trách chứng khoán và dịch vụ tài chính của PVIF. Còn ông Đông thì nêu lý do chung chung là do nguyện vọng cá nhân.

Được biết trước đó ngày 18/8/2009, PVI đã có công văn đề nghị thay Tổng giám đốc của PVIF kèm theo quyết định điều động bổ nhiệm cán bộ đang làm việc tại PVIF (xem thêm bài viết “Sáp nhập PVI Finance- PVI Invest: PVI có lấn sân?” trên Báo ĐTCK số 117 ngày 30/9).

Cũng muốn nói thêm rằng, tại Văn bản số 186/CV- PVIF ngày 10/9/2009 gửi PVI và cổ đông PVIF (đáp lại Công văn số 407/PVI-PTKD của PVI), ông Hưng từng khẳng định, quan điểm của người đại diện phần vốn của PVI tại PVIF đối với ban lãnh đạo PVIF là mang tính cá nhân và thiếu nhất quán, thể hiện sự áp đặt đối với cổ đông, coi thường HĐQT PVIF, thiếu hiểu biết về Luật Doanh nghiệp và Điều lệ PVIF.

Có thể, cũng giống như Hanoimilk, với việc nắm lượng cổ phần không quá lớn của lãnh đạo chủ chốt, sự ra đi của họ có thể không làm cổ đông lo ngại về quyết định rút vốn. Nhưng, một câu hỏi đặt ra đối với cổ đông PVIF là, sau khi vụ việc này kết thúc, mâu thuẫn trong nội bộ Công ty có được giải quyết? Câu chuyện này sẽ phần nào hé mở tại ĐHCĐ bất thường của PVIF diễn ra vào ngày mai.