Những nhóm ngành được coi là "hot" nhất của nền kinh tế gồm tài chính, ngân hàng, địa ốc… không còn là mục tiêu số một của giới đầu tư

Những nhóm ngành được coi là "hot" nhất của nền kinh tế gồm tài chính, ngân hàng, địa ốc… không còn là mục tiêu số một của giới đầu tư

Quỹ đầu tư chuyển hướng

(ĐTCK-online) Công ty cổ phần Diana, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tã giấy và các sản phẩm băng vệ sinh của Việt Nam, vừa chính thức công bố việc lần đầu tiên tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài từ Tập đoàn Goldman Sachs. Đến thời điểm này, Diana là công ty đầu tiên tại Việt Nam được Tập đoàn Goldman Sachs chọn đầu tư. Thành lập vào năm 1869, Goldman Sachs là một trong những ngân hàng đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới với gần 140 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn tài chính.

Việc Goldman Sachs chọn Diana - một DN chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm tã giấy và sản phẩm dành cho phụ nữ để đầu tư khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các quỹ đầu tư nước ngoài, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tư nhân là khá mạnh mẽ, khi Việt Nam ngày một hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đây cũng là lý do để họ nhắm tới khối DN tư nhân trong nước, đặc biệt là lĩnh vực hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

 Ngay sau khi Goldman Sachs tuyên bố rót vốn vào Diana (mua 30% cổ phần của Công ty này), Quỹ Mekong Enterprise Fund II (MEFII) thuộc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Mekong Capital thông báo cam kết đầu tư 5 triệu USD vào CTCP Mai Son, kinh doanh trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam. Bên cạnh nhãn hiệu Mango, hiện nay Công ty Mai Son hướng tới việc trở thành nhà phân phối hàng đầu cho các thương hiệu đẳng cấp quốc tế như Nike, Nike Golf, Faconnable, Charles & Keith.... Tiếp đến, Tập đoàn đầu tư Bankinvest (Đan Mạch) và CTCP Quạt Việt Nam chính thức ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược. Theo đó, Bankinvest sẽ trở thành đối tác chiến lược của CTCP Quạt Việt Nam , với tỷ lệ cổ phần tương đương 25%. Bankinvest là một tập đoàn được sở hữu bởi 53 ngân hàng Đan Mạch, với tổng hạng mục đầu tư hơn 35 tỷ USD, trong đó có 6 tỷ USD đầu tư vào thị trường các nước đang phát triển. Tính đến nay, Bankinvest đã trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Bảo hiểm AAA, CTCP Chế biến gỗ Đức Thành, CTCP Cửa sổ nhựa châu Âu…

Trước đó, Quỹ đầu tư Indochina Capital cũng cho biết, ngoài việc rót vốn vào những công ty dẫn đầu thị trường, Indochina Capital cũng đang quan tâm nhiều hơn đến khối tư nhân. đặc biệt là những DN xuất khẩu và những ngành nghề phục vụ nhu cầu trong nước có ưu thế và đang ngày càng thu hút người tiêu dùng. Một quỹ đầu tư DN tư nhân khác là Mekong Capital cũng đã có nhiều khoản đầu tư vào những DN tư nhân tiềm năng, trong ngành xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng…

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 300.000 DN dân doanh (mỗi năm tăng lên gần 30%), đóng góp gần 40% GDP cho nền kinh tế. Những DN này luôn giữ mức tăng trưởng 30%/năm từ năm 2000 đến nay. Đây đang được coi là "nguồn tài nguyên" dồi dào cho các quỹ đầu tư nước ngoài nhắm tới. Giám đốc một công ty chứng khoán nhận định, việc đầu tư dài hạn vào những ngành những tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay mỹ phẩm đang là xu thế chung không chỉ của các quỹ đầu tư, mà còn là xu thế của các nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn. Xu hướng đầu tư đã có sự "đổi ngôi": nếu trước năm 2007, những nhóm ngành được coi là "hot" nhất của nền kinh tế gồm tài chính, ngân hàng, địa ốc…, thì nay đã không còn là mục tiêu số một của giới đầu tư. Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, những nhóm ngành này vẫn là xương sống của nền kinh tế, lợi nhuận nhiều, nhưng rủi ro cũng cao vì phải chịu nhiều tác động từ những thay đổi vĩ mô trong và ngoài nước. Các ngành không liên quan nhiều đến sự thay đổi vĩ mô như tiêu dùng thiết yếu, y tế..., tuy lợi nhuận kỳ vọng không quá cao, nhưng lại có tính ổn định lâu dài.

Nhìn nhận sự chuyển hướng của các nhà đầu tư ở một góc độ khác, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp hy vọng, các quỹ đầu tư sẽ phát huy hết năng lực thực tế để góp phần giảm nút cổ chai yếu kém về những vấn đề quản trị DN của các DN vừa và nhỏ Việt Nam . Bên cạnh đó, nếu các quỹ quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển ngành giáo dục như đầu tư mở rộng và nâng cấp các trường đại học, trung tâm dạy nghề, phát triển công nghệ thông tin... thì sẽ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển toàn diện hơn nhiều.