Quyền được viết

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ năm nay, có lẽ tôi thuộc số ít người may mắn khi nhận được lời mời chính thức bằng văn bản tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của CTCP Traphaco (hôm 20/3) với tư cách phóng viên, chứ không phải với tư cách cổ đông. Gọi là may mắn là bởi khác với mùa ĐHCĐ năm trước, năm nay, cánh báo chí chúng tôi dù muốn cũng khó được tiếp cận với các cuộc ĐHCĐ của DN. Hiện tượng DN ngăn cấm, cản trở hay hạn chế báo giới tham dự ĐHCĐ đã xuất hiện tại một số DN và ngày càng trở nên phổ biến.

Tại sao lại có hiện tượng hạn chế nhà báo tham dự một cuộc họp có tính đại chúng cao như ĐHCĐ? Một số ý kiến cho rằng, có thể do DN năm qua làm ăn “bết bát”, nội bộ có vấn đề nên việc mời nhà báo đến chẳng khác gì muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Một số ý kiến khác thì nghiêng về quan điểm, việc hạn chế quyền tham dự ĐHCĐ của cánh nhà báo chỉ vì lý do kỹ thuật như khả năng tiếp đón, chỗ ngồi, tài liệu… của DN là hạn chế. Hoặc cũng có thể DN chưa quen với văn hoá công khai, cứ thấy nhà báo là ngại, nên cũng không muốn đối tượng này xuất hiện tại đại hội… Rất nhiều lý do để giải thích cho một hiện tượng, nhưng dù vì lý do gì thì việc hạn chế nhà báo tham dự ĐHCĐ được coi là một hiện tượng không bình thường trong mùa đại hội năm nay.

Trao đổi việc này với một đại diện Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông, vị này cho biết, theo Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền tự do ngôn luận thì không ai có quyền cấm đoán nhà báo tham dự các cuộc họp công khai mang tính đại chúng. Còn góc nhìn của một luật sư thì cho rằng, những hạn chế đối với quyền thu thập, khai thác thông tin, ngoài ảnh hưởng đến “quyền được viết” của nhà báo, còn xâm hại trực tiếp đến lợi ích cổ đông, của nhà đầu tư, khi họ không được hưởng “quyền được biết” do báo chí đem lại. Thực tế cũng cho thấy, tại các TTCK phát triển, chỉ cần DN có dấu hiệu bưng bít thông tin hay có cách hành xử thiếu minh bạch (công bố thông tin sai) thì ngay lập tức được “phản ánh” vào giá cổ phiếu. Còn tại Việt Nam, hiện có không ít DN đã và đang công bố thông tin theo nghĩa vụ, gắn liền với  chữ “buộc” (buộc công bố thông tin) hơn là “được” công bố thông tin.

Tất nhiên, đối diện với sự che chắn của DN, cánh nhà báo cũng có những chiêu thức để lọt vào đại hội. Cách phổ biến là trước ngày chốt danh sách cổ đông tranh thủ mua một vài lô cổ phiếu để giành quyền tham dự đại hội như một cổ đông. Một cách khác là nhận uỷ quyền tham dự đại hội của một vài cổ đông của DN. Làm như thế, nhà báo có cơ hội được tác nghiệp một cách “an toàn”.

Đành rằng, mỗi DN đều có quy chế nội bộ riêng, trong đó không ngoại trừ quy chế về họp ĐHCĐ, quy chế công bố thông tin… Song việc đáp ứng quyền được thu thập, khai thác thông tin từ các ĐHCĐ của báo chí cũng là một cách để DN tự quảng bá mình, cũng như chứng tỏ sự tiếp cận nghiêm túc với các chuẩn mực cao hơn của sự minh bạch. Hiểu như vậy thì có nên chăng hạn chế nhà báo dự ĐHCĐ?