CTCK chỉ có quyền quản lý tài khoản thay cho NĐT, chứ không có quyền sử dụng, định đoạt.

CTCK chỉ có quyền quản lý tài khoản thay cho NĐT, chứ không có quyền sử dụng, định đoạt.

Quyền phong tỏa tài khoản: Biến không thành có

(ĐTCK-online) Sự việc CTCK VNS, CTCK Phố Wall (WSS) phong tỏa tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) với nhiều lý do khác nhau đang gây băn khoăn trong dư luận. Rơi vào cảnh chứng khoán có mà không được giao dịch, tiền có mà không được mua chứng khoán, NĐT có tài khoản thuộc diện "phong tỏa" cho rằng, CTCK đã sai khi đơn phương phong tỏa tài khoản của họ (nhất là đối với tài khoản ủy quyền). Theo giới luật sư, căn cứ vào các quy định hiện hành, CTCK đang "xé rào". Nhưng CTCK, với tư cách là người quản lý tài khoản của NĐT thì khẳng định, họ hoàn toàn có lý do để làm việc này.

Quy định nói "không"

Liên quan đến vấn đề trên, Điều 32 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK và Điều 26 Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho phép CTCK quản lý tiền và chứng khoán của khách hàng theo những nguyên tắc nhất định. Nhưng trong Điều 26 Quyết định 27 có nêu: "Chứng khoán lưu ký của khách hàng tại thành viên lưu ký là tài sản thuộc sở hữu của khách hàng và được quản lý tách biệt với tài sản của thành viên lưu ký; thành viên lưu ký không được sử dụng chứng khoán trong tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng vì lợi ích của bên thứ ba hoặc vì lợi ích của chính thành viên lưu ký".

Có thể hiểu, CTCK chỉ có quyền quản lý tài khoản thay cho NĐT, chứ không có quyền sử dụng, định đoạt cũng như chiếm đoạt tài sản của NĐT. "Nếu CTCK phong tỏa tài khoản của NĐT thì có nghĩa là CTCK đang vi phạm quyền hạn của mình, để sử dụng, định đoạt tài sản của NĐT. Ở đây, quyền quản lý không đồng nghĩa với quyền sử dụng", luật sư Nguyễn Vĩnh Long - Công ty hợp danh Luật Việt nói và cho rằng, nếu theo đúng quy định kể trên thì chỉ NĐT mới được phép định đoạt tài khoản của mình. CTCK không được tự ý phong tỏa tài khoản chứng khoán của NĐT để đảm bảo thanh toán cho bên thứ ba hoặc cho chính lợi ích của CTCK, mà không được sự đồng ý của NĐT. Trong trường hợp NĐT đăng ký rút chứng khoán ra khỏi tài khoản của CTCK và đề nghị cấp sổ cổ đông mới thì CTCK mới có quyền phong tỏa tài khoản, cụ thể là đưa tài khoản chứng khoán đó vào tài khoản phong tỏa chờ rút.

 

Thỏa thuận nói "có"

CTCK cho rằng, họ có lý do để phong tỏa tài khoản của NĐT. Theo hợp đồng thỏa thuận đã ký giữa hai bên (CTCK và NĐT), cũng như hợp đồng 3 bên giữa CTCK, NĐT và tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho vay, thì CTCK, với tư cách là người quản lý tài khoản, có trách nhiệm phong tỏa tài khoản của NĐT như một cam kết bảo lãnh thay cho tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Đại diện WSS nói: "Đã có thỏa thuận trước nên ở đây không thể nói là CTCK đơn phương phong tỏa tài khoản được".

Thực tế, các CTCK triển khai dịch vụ giao dịch chứng khoán theo hình thức ký quỹ đều quy định quyền phong tỏa tài khoản hoặc quyền bán chứng khoán của NĐT trong tài khoản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Tại WSS, quyền này được quy định trong hợp đồng "Thỏa thuận mua chứng khoán ký quỹ và cam kết thanh toán", tại FPTS là "Hợp đồng hỗ trợ vốn", tại TAS thể hiện dưới dạng phụ lục trên cơ sở đề nghị của NĐT về việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh thanh toán lệnh mua của CTCK để thực hiện các lệnh mua khi tổng giá trị đặt mua cao hơn số tiền ký quỹ. Cụ thể, tại TAS, phụ lục này nêu rõ: "Việc đặt mua chứng khoán khi chưa đủ số tiền ký quỹ đồng nghĩa với việc NĐT đồng ý để TAS phong tỏa các chứng khoán có trên tài khoản NĐT (bao gồm cả chứng khoán chờ về) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán".

 

Chế tài phong tỏa: Nên được phép thực hiện

Về bản chất, phong tỏa tài khoản là một chế tài, mà theo giới luật sư, chế tài này dù không quy định rõ trong 2 điều khoản nêu trên, nhưng vẫn được phép thực hiện trong một số trường hợp. Cụ thể, CTCK được phép phong tỏa tài khoản của NĐT nếu: có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, liên quan đến vi phạm hành chính hoặc hình sự; có yêu cầu của tòa án, liên quan đến các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng dân sự; hoặc các bên có thỏa thuận việc phong tỏa tài khoản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng, CTCK có quyền phong tỏa tài khoản của NĐT nếu có đề nghị của cơ quan công an điều tra. Ngoài những trường hợp này thì CTCK không được phép tự ý phong tỏa tài khoản mà không có sự đồng ý của khách hàng.

Hầu hết ý kiến đồng thuận rằng, CTCK sẽ đúng nếu NĐT và CTCK trước đó từng có thỏa thuận cụ thể bằng văn bản, nêu rõ trong trường hợp nào được quyền phong tỏa, phong tỏa trong bao lâu và trước khi phong tỏa tài khoản phải báo trước cho khách hàng…