Không ít trường hợp cổ đông ngỡ ngàng trước quyết định của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Không ít trường hợp cổ đông ngỡ ngàng trước quyết định của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Rối rắm trong tách, nhập DN tại Huyndai - Vinamotor

(ĐTCK) "Chúng tôi sững sờ khi nhận được giấy mời họp cùng một lúc của 2 DN được tách ra từ 1 DN mà chúng tôi sở hữu cổ phần chỉ trước ngày họp ĐHCĐ năm 2009 có 2 ngày. Không biết quyết định tách này được thông qua từ bao giờ? Trước đó, hồi tháng 8/2008, chúng tôi nhận được thư xin ý kiến về việc tách DN bằng văn bản, nhưng không nhận được biên bản kiểm phiếu. Cho dù chúng tôi không đồng ý kế hoạch tách, ghi phiếu chống thì cũng có quyền nhận được biên bản này chứ?...", một cổ đông là tổ chức chiếm trên 5% vốn điều lệ tại CTCP Ôtô Huyndai - Vinamotor (HVC) bức xúc chia sẻ với phóng viên ĐTCK khi biết tin HVC được tách thành 2 với nhiều bất thường khó hiểu...

Huyndai - Vinamotor phải tách vì sao?

Từ nguồn tin của cổ đông HVC, vấn đề tách, nhập DN tại Huyndai - Vinamotor tạm được hình dung như sau:

Trước khi tách, HVC có vốn điều lệ 197 tỷ đồng, gồm các công ty thành viên và nhà máy trực thuộc sau: Công ty TNHH Cao Sơn (công ty con 100% vốn của HVC); Công ty TNHH Đại Hàn (công ty con 100% vốn của HVC); Nhà máy Ôtô Cần Thơ; Nhà máy Ôtô Thủ Đức và Công ty HPS.

Sau khi tách, HVC bao gồm:

- Công ty HVC "mới" (được thành lập trên cơ sở Nhà máy Ôtô Thủ Đức và vẫn lấy tên là CTCP Ôtô Hyundai - Vinamotor, vốn điều lệ 17 tỷ đồng). Theo phương án tách trình ĐHCĐ, HVC "mới" được tách ra thuộc sở hữu của tất cả cổ đông HVC "cũ" với tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông là không đổi.

- CTCP Vietnam Motors Cần Thơ (VMCT, vốn điều lệ 180 tỷ đồng - hình thành trên cơ sở đổi tên HVC "cũ"). VMCT bao gồm Nhà máy Ôtô Cần Thơ, Công ty TNHH Cao Sơn, Công ty TNHH Đại Hàn.

Tìm lý do của việc tách này, đại diện HVC cho biết, Công ty có thể gặp rủi ro bị thâu tóm theo các điều khoản trong hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết năm 2003 với Hyundai Motor Corporation (HMC Hàn Quốc), theo đó HMC được quyền mua tới 30% cổ phần của HVC. Ngoài ra, Nhà máy Ôtô Cần Thơ khi đi vào lắp ráp các dòng xe châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ xảy ra mâu thuẫn thương hiệu, bởi các đối tác sẽ không chấp nhận việc hợp tác khi thấy thương hiệu Hyundai trong đó.

VM lên nắm quyền chi phối

Điều lệ của HVC "mới" và VMCT có nội dung giống nhau được thông qua tại ĐHCĐ năm 2009 ngày 8/5: "VMCT và HVC là CTCP có vốn góp không chi phối của CTCP Vietnam Motors (VM), nhưng chịu quyền chi phối của VM theo quy định tại điều lệ này trên cơ sở mối quan hệ và công ty liên kết của VM thuộc tổ hợp Vietnam Motors… Hoạt động của VMCT ngoài việc phải phù hợp với điều lệ này cần tuân thủ điều lệ, quy chế quản trị và các quy định khác của VM tại từng thời điểm. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các điều khoản của điều lệ này với điều lệ, quy chế, quy định khác của VM thì các điều khoản của điều lệ, quy chế, quy định khác của VM sẽ được áp dụng..."

Bên cạnh đó, trong điều lệ còn có một chương nêu rõ quan hệ giữa HVC, VMCT với VM và một điều dài về các quyền của VM tại từng công ty này khiến cổ đông có cảm giác VM nắm quyền hành, trong khi vốn của VM tại HVC và VMCT theo báo cáo tài chính năm 2008 tại thời điểm 31/12/2008 chỉ chiếm tương ứng 3,81% và 3,81%.

Băn khoăn này được ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT của VMCT và HVC "mới" giải thích rằng, do Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor) nắm cổ phần chi phối tại VMCT (87,04%) uỷ quyền cho VM làm đại diện tại 2 công ty.

Tuy nhiên, cổ đông vẫn rất lo lắng rằng, với quyền chi phối kể trên, công tác quản trị DN sẽ được thiết lập thế nào, liệu quyền lợi của cổ đông thiểu số có được đảm bảo so với trước khi tách, nhất là khi VMCT đưa ra kế hoạch lỗ hai năm liên tiếp 2009 và 2010 lần lượt là 16 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, còn tương lai HVC "mới" được vạch ra với kịch bản xấu nhất đạt lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh 2009 là âm 387 triệu đồng?

HPS ở đâu?

Trong quyết định tách HVC nêu trên, cổ đông còn ngỡ ngàng vì sự biến mất của HPS. Theo tìm hiểu từ các cổ đông nhỏ tại HVC thì đường đi của HPS hết sức lòng vòng và khó hiểu. Cụ thể, các cổ đông này cho đến nay chỉ được biết rằng, sau khi tách HVC, HPS từ một công ty con thuộc HVC cũ đã "thoát xác" và được nhào lộn để trở thành VM - một công ty mới có quyền chi phối đến cả 2 công ty được tách ra từ HVC!

Nhiều cổ đông đang chờ câu trả lời từ HVC cho những sự việc rối rắm và bất thường nói trên.