Sacombank hỗ trợ cho SBS 200 tỷ đồng để tái thực hiện cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán.

Sacombank hỗ trợ cho SBS 200 tỷ đồng để tái thực hiện cho nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán.

“Rụt rè” cho vay cầm cố

(ĐTCK-online) Giá cổ phiếu trên sàn niêm yết tăng mạnh trở lại sau khi nới rộng biên độ giao dịch đã tác động mạnh mẽ lên sàn OTC. Thị trường tiền tệ cũng dần ổn định trở lại, thanh khoản của các ngân hàng (NH) được cải thiện. Lãi suất trên thị trường đang có xu hướng điều chỉnh dần và dự báo sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, nếu lạm phát tháng 8 được công bố ở mức thấp và nguồn cung tiền dồi dào trở lại. Động thái cắt giảm lãi suất huy động chứng tỏ vốn khả dụng của nhiều NH đang dồi dào trở lại.

Nhiều người cho rằng, với diễn biến của TTCK hiện nay là lúc để các NH tính đến việc tái cho vay cầm cố chứng khoán. Thế nhưng, qua trao đổi với Báo ĐTCK, chỉ có một số NH mạnh dạn cho vay thông qua việc hỗ trợ vốn cho các CTCK trực thuộc; đa số NH vẫn tỏ ra e ngại với hoạt động này.

Trong số các NHCP, Sacombank là NH đầu tiên công bố việc hỗ trợ cho SBS (CTCK trực thuộc) khoản vốn 200 tỷ đồng để tái thực hiện cho NĐT vay cầm cố chứng khoán cũng như thực hiện repo (mua - bán chứng khoán có kỳ hạn), dự kiến triển khai vào cuối tháng 8 này. Trong tổng số 200 tỷ đồng, trước mắt 90% sẽ dành cho NĐT vay cầm cố, 10% còn lại sẽ được SBS sử dụng vào nghiệp vụ repo. Lãi suất cho vay cũng đạt mức tối đa 21%/năm (tương đương 1,75%/tháng). Tuy nhiên, danh mục cổ phiếu áp dụng cầm cố được chọn lọc kỹ, chỉ ưu tiên cổ phiếu thanh khoản cao; thị giá cho vay cũng được đánh giá thấp hơn so với trước, nhằm hạn chế rủi ro.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho NĐT vay cầm cố thông qua SBS cho đến khi hết hạn mức 20% trên tổng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN ngày 1/2/2008. Theo Sacombank, tính đến nay NH mới sử dụng hết 10% hạn mức trên tổng vốn điều lệ để cho vay cầm cố chứng khoán. Vì vậy, với tình hình thị trường đang ấm dần, NH muốn hỗ trợ phần nào về vốn cho NĐT, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Sacombank. Đồng thời, Ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn, thời gian tối đa là 3 tháng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank lại cho rằng, trước mắt Ngân hàng chưa tính đến việc triển khai trở lại loại hình tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán. Theo ông Bình, lâu nay DongA Bank không có chủ trương phát triển tín dụng cầm cố chứng khoán. Ngân hàng đã ngưng cho vay loại hình này kể từ những tháng cuối năm 2007. Do đó, hạn mức 20% trên vốn điều lệ mà DongA Bank được phép sử dụng để cho vay cầm cố còn nguyên, nhưng NH vẫn chưa tính đến việc tái triển khai nghiệp vụ trên. "Nếu đã cho vay thì rủi ro trong cầm cố chứng khoán cũng như các loại tín dụng khác, nhưng hiện chúng tôi đang tập trung triển khai tín dụng cho doanh nghiệp nên chưa tính đến vấn đề này", ông Bình cho biết thêm. 

Hiện một số NH khác cũng đang nhắm tới mảng tín dụng này, tuy nhiên trước mắt vẫn rất dè dặt, vì lo ngại TTCK chưa thực sự phát triển ổn định. Mặt khác, nguồn vốn huy động về tăng chậm nên chưa thể mạnh tay cho vay cầm cố chứng khoán, cho dù vẫn còn "room" để thực hiện. Theo một cán bộ cấp cao VIB Bank, khó khăn đã phần nào giảm đi, NH đang triển khai mạnh tín dụng cho doanh nghiệp và những người cần vốn. Nhưng với cho vay cầm cố chứng khoán thì cánh cửa tín dụng của VIB Bank vẫn khép và sẽ chờ đợi đến khi TTCK, thị trường tiền tệ phát triển ổn định.

Nghiệp vụ repo đang được một số CTCK trực thuộc NH và kể cả CTCK độc lập đẩy mạnh phát triển. Đơn cử như CTCK ACB (ACBS - trực thuộc NH ACB), sau một thời gian tạm ngừng, đầu năm 2008 bắt đầu tái triển khai và sôi động trở lại khi thị trường lên điểm. ACBS có sự chọn lọc kỹ NĐT cũng như danh mục cổ phiếu chấp nhận repo. Trong đó, chủ yếu là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Vì theo ACBS, trước khi đưa ra danh mục cổ phiếu chấp nhận repo, Công ty phải phân tích, định giá và trình qua hội đồng đầu tư phê duyệt. ACBS chỉ hỗ trợ vốn cho những NĐT có quan hệ lâu năm và khả năng tài chính mạnh.

Mặt khác, ACBS chỉ cho NĐT vay tối đa không quá 3 lần mệnh giá và tối đa 40% thị giá cổ phiếu đang giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng repo. Nguồn vốn ACBS sử dụng cho repo hiện nay là vốn tự có. Theo nhận định của ACBS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong khoảng thời gian từ giữa năm 2007 đến nay đã trải qua những biến động lớn và đang có dấu hiệu ổn định trở lại. Điều đó đang tác động tích cực đến niềm tin của NĐT. Đây chính là cơ hội cho CTCK gia tăng triển khai các nghiệp vụ kinh doanh, tùy thuộc vào năng lực của mình và định hướng phát triển của cơ quan quản lý, nhưng về nguyên tắc phải rất thận trọng trong việc cung cấp vốn cho NĐT.