Hạn chế số cổ đông tham dự ĐHCĐ là chuyện hầu như năm nào cũng diễn ra. (Ảnh minh họa: Hoài Nam/ĐTCK)

Hạn chế số cổ đông tham dự ĐHCĐ là chuyện hầu như năm nào cũng diễn ra. (Ảnh minh họa: Hoài Nam/ĐTCK)

Tham dự ĐHCĐ phải có… 500 triệu đồng

(ĐTCK-online) 2% tổng số cổ phần phát hành (tương ứng với việc sở hữu hơn 500 triệu đồng), đó là tỷ lệ mà cổ đông hoặc đại diện nhóm cổ đông của CTCP Gốm sứ Thanh Hà cần có, nếu muốn tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2010 được tổ chức vào hồi 13h ngày 23/3 tới tại văn phòng Công ty (phố Phú Hà, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).

Điều kiện này khiến không ít cổ đông bức xúc, sau khi liên lạc với DN vẫn chưa tìm ra lối vào đại hội đã phản ánh với Báo ĐTCK.

Theo phản ánh của cổ đông Gốm sứ Thanh Hà, họ liên lạc với DN và yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông có kèm địa chỉ liên lạc để có điều kiện tự liên kết với nhau, hội tụ đủ 2% cổ phần kể trên, nhưng bị từ chối.

Điều này khiến cổ đông thắc mắc, không hiểu DN "bảo mật" thông tin này để làm gì, khi đây được coi là cơ hội cuối cùng để họ thực hiện quyền được coi là đương nhiên của mình. Chưa kể, đây không phải là thông tin cần bảo mật và thực tế lâu nay, nhiều DN vẫn cung cấp cho cổ đông nếu cần.

TIN LIÊN QUAN

* Chờ động thái mạnh tay

* Hanel xốp nhựa họp ĐHCĐ 3 lần trong… 15 năm

* Chuyện của những cổ đông… mất quyền!

Có thể nói, trên 500 triệu đồng là số vốn rất lớn đối với NĐT cá nhân, nhất là khi đầu tư theo kiểu "cò con" (đầu tư nhỏ) đang chiếm đa số trên TTCK. Với điều kiện kể trên, cổ đông phải làm gì để nhận được uỷ quyền tham dự ĐHCĐ từ một nhóm cổ đông, khi DN quyết không cung cấp danh sách cổ đông cũng như tạo điều kiện để cổ đông thực hiện quyền?

Thực tế, việc khống chế số lượng cổ đông tham dự ĐHCĐ như vậy là trái với Luật Doanh nghiệp. Nhưng theo giải thích của Thư ký HĐQT Gốm sứ Thanh Hà, việc khống chế trên bắt nguồn từ chính quy định tại Điều lệ Công ty (từ ngày thành lập đến nay).

Cụ thể, Điều lệ quy định, cổ đông phải sở hữu đủ từ 2% cổ phần trở lên mới được tham dự ĐHCĐ. Ngoài do, do số lượng cổ đông lớn, điều kiện tổ chức hạn chế, nên HĐQT Công ty cũng đề nghị như thế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, Gốm sứ Thanh Hà có vốn điều lệ 35 tỷ đồng, số cổ đông hiện tại chỉ hơn 100 người.

Câu chuyện này không mới. Năm ngoái, sự việc tương tự khá đình đám là CTCP Bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) yêu cầu cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu từ 0,1% tổng số cổ phần phổ thông (tương đương 50.000 cổ phần) trở lên mới được quyền tham dự ĐHCĐ, vì Điều lệ Công ty từ ngày thành lập đã quy định như vậy.

Điều lệ công ty chỉ có giá trị nếu phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, biết quy định nội bộ bất cập so với luật pháp hiện hành, ngay tại ĐHCĐ năm ngoái, PVFC Land đã nhanh chóng sửa sai bằng cách trình cổ đông thông qua việc sửa đổi Điều lệ.

Còn với Gốm sứ Thanh Hà, không biết bao giờ thì Điều lệ được sửa đổi khi đại diện Công ty cho biết: "Điều lệ chúng tôi đã quy định thế rồi. Cổ đông trước khi đầu tư thì phải tìm hiểu Điều lệ Công ty chứ. Bao nhiêu năm nay, cổ đông muốn dự họp đều phải đảm bảo yêu cầu sở hữu tối thiểu 2%". Vị đại diện này cho biết thêm, năm 2009, vì một số lý do, Công ty đã không tổ chức ĐHCĐ.

Theo một số cổ đông nhỏ của Gốm sứ Thanh Hà, đại hội năm nay sẽ là cơ hội để họ được biết về hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN mà mình "chôn vốn" bấy lâu nay. Đồng thời, chất vấn ban lãnh đạo DN nếu cần.

Năm nay, ngoài báo cáo tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2009 thì ĐHCĐ của Công ty còn phải thông qua cả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2008, báo cáo tài chính năm 2008… Thông tin được trông đợi hơn cả đó là việc sáp nhập Gốm sứ Thanh Hà vào CTCP Gốm sứ Constrexim - Thanh Hà được đưa ra tại ĐHCĐ năm 2008 để xin ý khiến cổ đông, nhưng đến nay một số cổ đông nhỏ vẫn chưa biết kết quả ra sao (vì năm ngoái không được tham dự ĐHCĐ cũng vì vướng tỷ lệ 2% và không nhận được kết quả họp đại hội).

"Gốm sứ Thanh Hà nên tạo điều kiện cho cổ đông tham dự ngay từ ĐHCĐ này, không nên để "tấm vé" vào cửa đại hội mắc tiền đến vậy".
Luật sư Lê Hồng Phúc

Theo giới luật sư, khi điều lệ công ty trái với quy định pháp luật (ở đây là Luật Doanh nghiệp), cổ đông có số cổ phần không đạt tỷ lệ quy định trong điều lệ vẫn có quyền tham dự ĐHCĐ, sau khi chỉ rõ DN vi phạm luật, bày tỏ mong mỏi tham dự và đáp ứng các thủ tục hành chính khác (nếu có) trước ngày diễn ra cuộc họp. Điều lệ công ty chỉ có giá trị nếu phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Lê Hồng Phúc, Trưởng chi nhánh Công ty hợp danh Luật Việt tại Hà Nội cho rằng, ngoài việc nhanh chóng sửa đổi điều lệ, Gốm sứ Thanh Hà nên tạo điều kiện cho cổ đông tham dự ngay từ ĐHCĐ này, không nên để "tấm vé" vào cửa đại hội mắc tiền đến vậy (giá trên 500 triệu đồng). Nếu không, theo ông Phúc, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận biên bản họp ĐHCĐ, cổ đông có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ quyết định của đại hội, nếu trình tự và thủ tục triệu tập cuộc họp không thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.