Thị trường thẻ tín dụng: Tiềm năng lớn, nghịch lý nhiều

(ĐTCK-online) Theo số liệu thống kê của Tổ chức Visa, trong số 85 triệu dân Việt Nam hiện chỉ có 88.000 người (tương đương 0,1% trên tổng số dân) sử dụng thẻ tín dụng (TTD) Visa, doanh số giao dịch đạt khoảng 115 triệu USD. Trong khi đó, số lượng người dân sử dụng TTD Visa ở các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều: Singapore chiếm 68,5%, Thái Lan chiếm 10,6%; Malaysia là 20,3%. Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của TTD.

Chỉ 1% dân số Việt Nam sử dụng TTD

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, nhiều khách hàng vẫn nghĩ TTD chỉ dành cho giới thượng lưu và những người thường xuyên đi công tác, du lịch ở nước ngoài, hoặc thu nhập không cao thì không có cơ hội tiếp cận TTD quốc tế. Trong khi đó, TTD là sản phẩm dành cho tất cả mọi người. Khách hàng có thể sở hữu thẻ và được sử dụng một số tiền trong tài khoản mà không cần thế chấp.

Chẳng hạn, với sản phẩm TTD của DongA Bank, khách hàng chỉ với thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên sẽ được cấp thẻ với hạn mức chi tiêu lên đến 150 triệu đồng và hưởng lãi suất 0% trong vòng 45 ngày đối với các khoản chi tiêu.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển lâu dài của TTD quốc tế trong thời gian tới, ngay cả khi thị trường có thêm nhiều NH mới tham gia phát hành. Vì chỉ 1% dân số dùng TTD hiện tại, tiềm năng để phát triển sản phẩm này là rất lớn", ông Khương nói.

Theo kế hoạch của mình, DongA Bank kỳ vọng, từ nay đến cuối năm 2008 sẽ phát hành được 400.000 TTD.

"Miếng bánh ngon" cho NH?

Trong số NH phát hành TTD quốc tế, hiện có 2 NH nước ngoài là ANZ và HSBC. Cả hai ngân hàng lớn này đều có  công nghệ và bề dày kinh nghiệm trên thị trường TTD trong và ngoài nước. Đây là lợi thế lớn khi cạnh tranh với các ngân hàng trong nước có thế mạnh là kênh phân phối, lượng khách hàng hiện hữu và am hiểu thị trường địa phương.

Bản thân các ngân hàng trong nước cũng đã sớm giới thiệu một số loại TTD tại Việt Nam. Cụ thể, TTD quốc tế Mastercard chính thức được Vietcombank phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1996. Sau hơn 10 năm phát triển, thị trường TTD quốc tế có gần 10 NH tham gia phát hành (VCB, ACB, ANZ, Eximbank, DongA Bank, HSBC…) với hơn 420.000 thẻ tính đến hết năm 2007, bao gồm 3 thương hiệu chính: Visa, Mastercard và American Express; doanh số sử dụng thẻ là 6.000 tỷ đồng. Khoảng 55% số lượng khách hàng sử dụng TTD phải có tiền để thế chấp hoặc bảo lãnh cho việc phát hành. Hơn 35% doanh số sử dụng thẻ ở trong nước, còn lại ở nước ngoài.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ thẻ SmartLink, tốc độ phát triển này là quá chậm. Nguyên nhân là điều kiện để cấp TTD còn khó khăn do ở Việt Nam không có hệ thống thông tin cá nhân làm căn cứ để cấp tín dụng theo hình thức tín chấp. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn là người đủ điều kiện để sử dụng TTD (thu nhập cao, có vị trí xã hội…) thì lại ít có nhu cầu về tín dụng, còn người có nhu cầu tín dụng lại không đạt yêu cầu để cấp thẻ, buộc phải thế chấp. Mặt khác, nhiều NH chưa có chiến lược marketing và bán hàng hiệu quả. Số đông người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt.

Bên cạnh đó, đơn vị chấp nhận thẻ còn ít, loại hình đơn điệu và chủ yếu tập trung cho tầng lớp khách hàng cao cấp, có thu nhập cao hoặc người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ chưa có nhận thức về sự hiệu quả khi chấp nhận thanh toán TTD (giảm chi phí quản lý, giảm chi phí thanh toán tiền mặt…).

Theo bà Tú Anh, trong thời gian tới, thị trường TTD quốc tế tại Việt Nam sẽ được NH nước ngoài đặc biệt quan tâm.

"Sự cạnh tranh giữa các NH trong và ngoài nước sẽ tạo động lực cho thị trường TTD phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng. Khi lượng người sử dụng thẻ tăng cao sẽ tạo áp lực lên các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải chấp nhận thẻ như một phương tiện thanh toán thông dụng", bà Tú Anh nói.