Thúc đẩy đăng ký kinh doanh qua mạng

Thúc đẩy đăng ký kinh doanh qua mạng

(ĐTCK-online) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị quản lý, cộng đồng DN để hoàn thiện quy định pháp lý nhằm phát triển ứng dụng đăng ký DN qua mạng điện tử trong thời gian tới, trên cơ sở đó hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, cũng như thời gian đăng ký kinh doanh (ĐKKD).

Chọn phương án ĐKKD tối ưu

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, ĐKKD qua mạng đã được quy định trong Nghị định 43/2010/NĐ-CP, nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, nên chưa thể triển khai. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến môi trường kinh doanh của Đà Nẵng, bởi rất nhiều DN có nhu cầu ĐKKD qua mạng, nhưng chưa được đáp ứng.

Những vướng mắc trên, theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), sắp được tháo gỡ, khi dự thảo Thông tư hướng dẫn đang được khẩn trương hoàn tất để sớm ban hành. Để có được phương án ĐKKD qua mạng khả thi, dự thảo Thông tư đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, cộng đồng DN trước khi chốt phương án cuối cùng. Phương án 1, chỉ cho phép ĐKKD qua mạng đối với trường hợp thành lập mới DN. Phương án 2, cho phép đăng ký trong mọi trường hợp như nộp hồ sơ bằng bản giấy. Phương án 3, áp dụng với các trường hợp đăng ký thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh và DN tư nhân; đăng ký thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty cổ phần, công ty TNHH…

Kèm theo đó, dự thảo Thông tư đưa ra các quy định chi tiết về chữ ký số, văn bản điện tử… sử dụng trong hồ sơ ĐKKD; về cấp tài khoản truy nhập vào Hệ thống Thông tin đăng ký DN quốc gia (NBRS) để nộp hồ sơ đăng ký điện tử; về ĐKKD qua mạng điện tử trong trường hợp người thành lập DN chưa có chữ ký điện tử… Góp ý cho dự thảo Thông tư, bà Nguyệt cho rằng, cần quy định rõ thời gian sau bao nhiêu ngày kể từ thời điểm DN nhận được Giấy xác nhận đã thu lệ phí, thì DN sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đối với đăng ký thành lập DN qua mạng điện tử. Cũng cần quy định sau khoảng thời gian bao lâu mà DN không đến nhận Giấy chứng nhận ĐKKD thì sẽ xử lý như thế nào?

 

Xây dựng tín hiệu cảnh báo

Để tránh tình trạng DN lợi dụng việc đăng ký thay đổi nhằm "né" trách nhiệm khi đang trong quá trình giải thể hoặc bị cơ quan công an, thuế, thi hành án… giám sát, ý kiến của nhiều cơ quan ĐKKD kiến nghị, cần xây dựng tín hiệu cảnh báo cho hệ thống ĐKKD qua mạng, để ngăn không cho DN thực hiện đăng ký thay đổi.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng ĐKKD, Sở KH&ĐT Hải Dương đề xuất: đối với hồ sơ đăng ký thay đổi của các DN thuộc diện bị cảnh báo, nên có tín hiệu cảnh báo bằng các biện pháp kỹ thuật để DN không tiến hành đăng ký thay đổi được. Khi đó, DN muốn tiến hành đăng ký thay đổi phải được các cơ quan thuế, công an, thi hành án chấp nhận, sau đó mới có thể đăng ký thay đổi như bình thường. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ ĐKKD, Cục Quản lý ĐKKD cho biết, vấn đề trên đã được tính đến trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43. Theo đó, dự thảo đưa ra hai phương án để lấy ý kiến các cơ quan quản lý và cộng đồng DN: một là, quy định cụ thể các trường hợp không cho DN đăng ký thay đổi như DN đang trong quá trình giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD, tòa án hay cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu, DN không đăng ký mã số thuế; hai là, quy định về bổ sung các thông tin cảnh báo về DN để phục vụ cho việc cấp ĐKKD trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

Theo ông Mạnh, Cục Quản lý ĐKKD mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư, để khi được ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về ĐKKD qua mạng, nhất là tạo thuận lợi cho DN trong quá trình ĐKKD theo hướng đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí.